(Tổ Quốc) - Kết thúc vòng đàm phán hạt nhân thứ 8 tại Vienna hôm 8/8, EU đã đưa ra văn bản cuối cùng tại các cuộc đối thoại nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.
Ngày 8/8/2022, kết thúc vòng đàm phán hạt nhân thứ 8 tại Vienna - nối lại hôm 4/8 sau thời gian đình trệ từ tháng 3, điều phối viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora đã đưa ra một dự thảo văn bản thỏa thuận cho Iran và Mỹ để xem xét nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Cao ủy phụ trách Đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell nói, đây là thỏa thuận cuối cùng, không đàm phán nữa.
Tối 15/8/2022, Tehran đã gửi thư phản hồi về nội dung dự thảo này tới ông Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại EU - và mong sớm nhận được ý kiến của EU và Mỹ.
Dự thảo văn bản thỏa thuận của EU
Không cung cấp nội dung chi tiết về đề xuất dài 25 trang của EU, nhưng ông Josep Borrell cho biết: "Đã đến lúc cần có các quyết định chính trị nhanh chóng để hoàn tất các cuộc đàm phán tại Vienna trên cơ sở văn bản của EU đề xuất để quay trở lại thực hiện ngay lập tức và đầy đủ JCPOA. Đây là văn bản cuối cùng, không đàm phán lại nữa. Nếu văn bản thỏa thuận này bị từ chối, chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng và Iran sẽ phải đối mặt với khả năng bị cô lập. Các thủ đô cần đưa ra một quyết định chính trị. Nếu câu trả lời là tích cực, thì chúng ta có thể ký thỏa thuận này sớm."
Tuy không tiết lộ chi tiết, nhưng ông Borrell đã đề cập đến cơ chế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng như các bước kỹ thuật cần thiết trong chương trình hạt nhân của Iran nhằm khôi phục thỏa thuận JCPOA được ký kết năm 2015.
Ngày 20/8/2022, hãng CNN tiết lộ một số thông tin rò rỉ chi tiết về cơ chế và các giai đoạn thực hiện thỏa thuận JCPOA cùng với các báo cáo về việc sắp đạt được thỏa thuận.
CNN cũng cho biết, Iran đã từ bỏ "lằn ranh đỏ" trong các cuộc đàm phán để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Tuy là thông tin rò rỉ không chính thức nhưng các nhà phân tích chính trị cho rằng, đây là sự rò rỉ có chủ ý để các bên hiểu được các cố gắng hòa giải của EU.
Thông tin rò rỉ cho biết một số nội dung sau:
Thỏa thuận được thực hiện trong hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 60 ngày, mỗi giai đoạn có các công việc chi tiết để thực hiện riêng. Khoảng thời gian 60 ngày này là để kiểm chứng việc thực hiện thỏa thuận và Iran có quyền chấp thuận hoặc tuyên bố các vi phạm trước khi bước vào giai đoạn thực hiện đầy đủ.
Trong ngày đầu tiên, 3 lệnh hành pháp do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ phải bị hủy bỏ. 17 ngân hàng được đưa ra khỏi danh sách trừng phạt trong ngày đầu tiên thực hiện. Cơ chế kích hoạt vẫn được giữ lại, vì nó nằm trong trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA, nhưng các điều khoản thực hiện đã được sửa đổi và gắn với các báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc Iran thực hiện nghĩa vụ ghi trong thỏa thuận, đồng thời các bên cam kết bồi thường cho bất kỳ bên nào đưa ra cơ chế một cách đơn phương và không có bằng chứng thuyết phục.
Các lệnh trừng phạt đối với 150 cơ quan sẽ được dỡ bỏ, bao gồm cả các cơ quan có liên hệ tới Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei. Iran được phép bán 50 triệu thùng dầu trong vòng 120 ngày. Các công ty nước ngoài được đảm bảo tiếp tục công việc của mình trong 3 năm rưỡi nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Ngoài khoảng thời gian 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của chính phủ Mỹ hiện nay, Tehran sẽ có nhất 5 năm rưỡi để thực hiện thỏa thuận. 7 tỷ USD của Iran đang bị đóng băng tại Hàn Quốc sẽ được giải tỏa trong giai đoạn thực hiện đầu tiên.
Việc trao trả tù nhân giữa Tehran và Washington được đưa vào thỏa thuận.
Tuyên bố tích cực của Iran và Mỹ
Cố vấn của phái đoàn Iran tham gia các cuộc đàm phán, Mohammad Marandi cho biết, trong thư phản hồi, Iran bày tỏ quan ngại của mình, nhưng các vấn đề còn lại không khó giải quyết. Ông nói, những lo ngại này là dựa trên các vi phạm thỏa thuận trước đây của Mỹ. EU và Tehran không thể khẳng định sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng "quan điểm của chúng tôi đã gần nhau hơn so với trước đây".
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho biết: "Phía Mỹ đã thể hiện sự mềm dẻo tương đối bằng lời nói trong các cuộc đàm phán gần đây ở Vienna và đề nghị sự mềm dẻo này phải được thể hiện bằng văn bản và cần có sự linh hoạt của Mỹ đối với các đảm bảo không rút khỏi thỏa thuận JCPOA một lần nữa. Nếu Mỹ phản ứng một cách thực tế và mềm dẻo, thỏa thuận sẽ diễn ra trong những ngày tới và nếu phía Mỹ không cho thấy sự linh hoạt thì sẽ cần nhiều cuộc đối thoại hơn.
Ông cho biết: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán, đây được coi là sự mở đầu cho giai đoạn cuối cùng để đi đến ký kết thỏa thuận, nhưng giai đoạn bắt đầu kết thúc sẽ kéo dài bao lâu thì phụ thuộc vào phía Mỹ."
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington sẽ trình bày quan điểm của mình về dự thảo văn bản cuối cùng của EU trực tiếp với ông Josep Borrell nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông nói, cách duy nhất để đạt được thỏa thuận cùng nhau quay trở lại thực thi JCPOA là Tehran phải từ bỏ các yêu cầu nằm ngoài thỏa thuận.
Thiện chí của Iran
Một sự thay đổi đáng chú ý là để tỏ thiện chí, Iran đã đồng rút hai đòi hỏi chính. Tehran không còn khăng khăng đòi Mỹ loại bỏ Vệ binh Cách mạng Hồi giao Iran (IRGC) khỏi danh sách khủng bố mà họ bị liệt kê vào năm 2019 và không yêu cầu phía Mỹ phải đảm bảo không rút khỏi JCPOA một lần nữa. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với CNN rằng, trong thư trả lời đề xuất của EU, Tehran đã không nhắc tới hai yêu cầu trên.
Trước đây, Tehran khẳng định việc loại bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố của Mỹ là "lằn ranh đỏ" và Washington phải cam kết không rút khỏi thỏa thuận là điều kiện tiên quyết để các cuộc đàm phán đạt được kết quả.
Tuy nhiên, Iran yêu cầu IAEA ngừng điều tra nguồn gốc của các dấu vết phóng xạ được tìm thấy tại ba cơ sở hạt nhân của họ. Iran cho đây là một trong những điều khoản quan trọng của thỏa thuận, mặc dù thực tế là IAEA không tham gia các cuộc đàm phán và không phải là một bên ký kết thỏa thuận. Iran lo ngại rằng, IAEA có thể sử dụng cuộc điều tra để đòi tiếp cận nhiều hơn với các cơ sở hạt nhân của Iran, vượt xa các điều khoản của thỏa thuận.
Mỹ cho rằng, hai trở ngại lớn đã được loại bỏ, nhưng vẫn còn một số điểm mấu chốt khác, bao gồm việc Tehran đề nghị được bồi thường nếu một Tổng thống tương lai của Mỹ rút khỏi JCPOA một lần nữa và yêu cầu IAEA khép lại cuộc điều tra kéo dài ba năm về nguồn gốc các dấu vết phóng xạ được tìm thấy tại các cơ sở hạt nhân của Iran.
Đến nay EU vẫn chưa nhận được phản hồi của Mỹ. Quả bóng đang nằm bên sân của Washington. Iran đã đi thêm một bước để tiến tới thỏa thuận và đang chở phía trả lời của phía Mỹ. Những thông tin rò rỉ về một số nội dung liên quan đến các giai đoạn thực hiện JCPOA cho thấy cả Iran và Mỹ đang tìm cách thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Thoả thuận cuối cùng giữa thành công và thất bại
Các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna đứng trước ngã ba của thành công hay thất bại. Bất chấp bầu không khí lạc quan, nhưng những dấu hiệu cho thấy tất cả các khả năng vẫn có thể xảy ra.
Sự phản đối của đảng Cộng hòa Mỹ đối với thỏa thuận JCPOA vẫn mạnh mẽ. Họ tuyên bố sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn bất kỳ thỏa thuận nào nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt nào đối với Iran để trở lại JCPOA.
Các nhà phân tích chính trị nhận định rằng, đảng Dân chủ và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang gặp nhiều khó khăn trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến vào tháng 11 tới. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy việc đảng Cộng hòa có khả năng thắng thế, bao gồm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, sẽ làm giảm động lực thúc đẩy Iran đạt thỏa thuận với chính quyền hiện tại.
Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran thất bại có thể sẽ dẫn đến xung đột leo thang mới ở khu vực Trung Đông. Israel đã nhiều lần cảnh báo, nếu không ngăn chặn được Tehran phát triển vũ khí hạt nhân thì họ sẽ dùng các biện pháp quân sự. Trong khi đó, Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình là nhằm phục vụ mục đích hòa bình và sẽ đáp trả mạnh mẽ Israel nếu bị tấn công.