(Tổ Quốc) - Sáng kiến EU phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư tại hơn 80 quốc gia, đã trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và cả lo ngại ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Tháng 9/2018, EU ra Tuyên bố chung về việc xây dựng Chiến lược kết nối Châu Âu với Châu Á. Ngày 15/11, Mỹ công bố hỗ trợ 60 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc EU và Mỹ "mở hầu bao" cho các dự án cơ sở hạ tầng châu Á là hiện tượng mới và đều nhằm ứng phó với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Cách tiếp cận tù mù của Trung Quốc
Theo chuyên gia Bart Gaens, Chiến lược kết nối Á-Âu là làm đối trọng với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng Học viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, BRI của Trung Quốc bao gồm các dự án Con đường Tơ lụa, Vành đai Kinh tế và Con đường Hàng hải thế kỷ 21, được xem là nỗ lực nhằm tìm lối ra cho sự phát triển quá nóng của ngành công nghiệp Trung Quốc và cũng là điểm cốt lõi trong chiến lược địa kinh tế và địa chiến lược của Trung Quốc nhằm thiết lập một trật tự khu vực với Trung Quốc làm trung tâm thông qua việc kết nối và phát triển hạ tầng.
Việc EU và Mỹ "mở hầu bao" cho các dự án cơ sở hạ tầng châu Á là hiện tượng mới và đều nhằm ứng phó với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Trong Chiến lược toàn cầu về chính sách an ninh và đối ngoại của EU được công bố năm 2016, EU đã nhận thức rõ tầm quan trọng trong triển vọng kết nối Á - Âu với kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai châu lục đạt 1,5 nghìn tỷ Euro. BRI đã tạo cơ hội kết nối mạng lưới giao thông xuyên Châu Âu sang Châu Á. Đây cũng đồng thời là thách thức đối với EU.
Thứ nhất, Trung Quốc chỉ bỏ vốn cho các dự án do các công ty Trung Quốc thực hiện, không hoặc ít mở cửa đối với các công ty địa phương hoặc quốc tế và thiếu thủ tục ràng buộc minh bạch. Trung Quốc thường cung cấp các khoản vay cho các nước nhiều hơn là đầu tư, nên hậu quả là các nước ngoài rơi vào bẫy nợ và mất dần quyền kiểm soát, rồi mất chủ quyền như trường hợp dự án Cảng Hambantota tại Sri Lanka.
Thứ hai, mối lo ngại việc gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với Châu Âu. Theo tờ Economist, Trung Quốc đầu tư vào Châu Âu 30 tỷ Euro trong năm 2017, chiếm 1/4 tổng đầu tư FDI của khu vực này, chủ yếu tập trung vào Tây Âu và có xu hướng gia tăng đầu tư đối với Trung và Đông Âu, như Cộng hòa Séc, Hungary và Hy Lạp, là những quốc gia chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc rõ nét nhất, gây ra sự chia rẽ nội bộ EU và khiến mức độ và số lượng các nước trong EU chỉ trích Trung Quốc giảm đi.
Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ 16+1, giữa Bắc Kinh và 16 quốc gia Trung Đông Âu nhằm tạo vùng đệm giữa EU và các nước láng giềng, cũng như hạ thấp các quy tắc của EU.
Thứ ba, sự tích cực của Trung Quốc tại các đấu trường đa phương tương phản với lập trường mập mờ, kiểu "chờ đợi xem thế nào" của Châu Âu. Diễn đàn ASEM là một minh chứng điển hình. Từ năm 2014, Trung Quốc đã tổ chức 12 sự kiện trong khuôn khổ ASEM, trong đó 7 sự kiện liên quan trực tiếp đến sự kết nối, bao gồm các sáng kiến về giao thông, đối thoại công nghiệp, giao lưu nhân dân, chính sách phối hợp, thương mại và nguồn vốn giữa Châu Âu và Châu Á. Trong khi đó, đến nay, EU vẫn giữ im lặng đối với các sáng kiến này.
Thứ tư, các tiêu chí, xem xét về môi trường và yêu cầu xã hội, bao gồm quyền của người lao động và nhân quyền, thường sẽ không được xem xét trong các dự án do Trung Quốc tài trợ.
Cách tiếp cận minh bạch của EU
Chiến lược kết nối của EU nhấn mạnh 3 ý tưởng quan trọng: Một là, sự kết nối cần phải cả về kinh tế, thuế, môi trường và xã hội mang tính bền vững trong dài hạn; Hai là, cần có sự kết nối toàn diện về giao thông, mạng lưới số hoá, nguồn năng lượng và mạng lưới trao đổi thông tin; Ba là, kết nối cần dựa trên các quy tắc theo luật định và bảo đảm minh bạch.
Ngân sách hoạt động đối ngoại của EU cho năm 2021 - 2027 đã tăng lên 123 tỷ Euro, trong đó 10 tỷ Euro dành cho Châu Á-Thái Bình Dương và có thể tăng lên đến 60 tỷ Euro để đảm bảo đầu tư bền vững trong các dự án kết nối trong khu vực lân cận EU, Balkans, Châu Phi và các khu vực khác có cơ sở hạ tầng quan trọng và nhu cầu kết nối. Ngoài ra, còn có các nguồn tài chính bổ sung từ khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính quốc gia, quốc tế và đa phương.
Chiến lược kết nối của EU có thể được xem là bước khởi đầu quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào Tây Âu, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các giá trị và nguyên tắc mà chiến lược này khuyến khích, giúp Châu Âu định hình các quy tắc thị trường toàn cầu và điều quan trọng, là tạo điều kiện để EU tham gia và chiếm lĩnh vị trí then chốt trong các lĩnh vực mà EU có lợi thế, như công nghệ xanh, kết nối kỹ thuật số hoặc mô hình giáo dục linh hoạt.
Việc Trung Quốc hứa hẹn tài trợ ngắn hạn vẫn còn rất hấp dẫn đối với các quốc gia ở Châu Á và Châu Âu. Tuy nhiên, chiến lược mới của EU và Mỹ đã đặt ra các điều kiện để Châu Âu hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở song phương và đa phương và tìm kiếm sự hiệp lực của các nước láng giềng lân cận với EU./.