(Tổ Quốc) - Một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Phi có thể chỉ mới hoàn thành 80%, nhưng triển vọng về một nhà cung cấp năng lượng mới đã thu hút chuyến thăm từ các nhà lãnh đạo Ba Lan và Đức.
Mỏ khí đốt nằm gần bờ biển của Senegal và Mauritania này dự kiến sẽ chứa khoảng 15 nghìn tỷ feet khối (425 tỷ m3) khí đốt, gấp 5 lần so với lượng khí đốt mà Đức đã sử dụng trong cả năm 2019. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất dự kiến phải tới cuối năm sau mới có thể bắt đầu.
Châu Âu gia tăng các hợp đồng khí đốt với châu Phi
Dù tốc độ trên chưa thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu hiện tại nhưng Gordon Birrell, giám đốc điều hành của BP, tập đoàn đang tham gia phát triển dự án này vẫn cho rằng dự án này vẫn tương đối kịp thời khi châu Âu đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Horatius Egua, phát ngôn viên của Bộ trưởng Dầu khí Nigeria cho biết nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi mặc dù họ hiện chỉ chiếm 14% tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của EU và được đưa tới bằng tàu biển.
Trong bối cảnh phải tìm kiếm các nhà xuất khẩu năng lượng lớn để thay thế nguồn cung từ Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đổ xô đến các nước như Na Uy, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là các nước ở Bắc Phi, nơi Algeria có đường ống dẫn đến Italy và một đường ống khác đến Tây Ban Nha.
Italy đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 4 tỷ USD với Algeria vào tháng 7, một tháng sau khi Ai Cập đạt được thỏa thuận với EU và Israel để thúc đẩy bán LNG. Angola cũng đã ký một thỏa thuận khí đốt với Italy.
Mặc dù một thỏa thuận từ trước đó đã cho phép công ty năng lượng lớn nhất của Italy bắt đầu khai thác tại hai mỏ khí đốt của Algeria trong tuần này nhưng vẫn chưa rõ khi nào thỏa thuận tháng 7 sẽ cung cấp khí đốt thực sự vì vẫn còn thiếu nhiều chi tiết cụ thể, các nhà phân tích cho biết.
Các nhà lãnh đạo châu Phi như Tổng thống Senegal Macky Sall muốn các quốc gia của họ đầu tư vào các dự án năng lượng như vậy ngay cả khi họ không được khuyến khích theo đuổi nhiên liệu hóa thạch.
"Việc châu Phi, châu lục ít gây ô nhiễm nhất và tụt hậu xa nhất trong quá trình công nghiệp hóa thúc đẩy khai thác các nguồn tài nguyên hiện có để cung cấp năng lượng cơ bản, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đạt được khả năng tiếp cận điện năng phổ cập, là điều hợp pháp, công bằng và bình đẳng", ông Sall phát biểu với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.
Loạt khó khăn phủ bóng con đường xuất khẩu
Về khả năng bù đắp cho nguồn cung từ Nga, Mahfoud Kaoubi, giáo sư kinh tế và chuyên gia về các vấn đề năng lượng tại Đại học Algiers, nhận định, trữ lượng khí đốt lớn của Algeria (nước này và Ai Cập đang chiếm 60% sản lượng khí đốt tại châu Phi trong năm 2020) thì cũng không thể bù đắp lượng khí đốt của Nga cho châu Âu vào giai đoạn này.
Ông Kaoubi nói: "Nga có sản lượng sản xuất hàng năm là 270 tỷ m3 - con số này rất lớn".
Còn theo Tom Purdie, nhà phân tích khí đốt về Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi của S&P Global Commodity Insights, trong năm nay, Algeria được dự báo sẽ có lượng xuất khẩu khí đốt qua các đường ống đạt 31,8 tỷ m3.
Trong khi đó, dù có nhiều trữ lượng khí đốt thì các nước châu Phi cũng không muốn xuất khẩu tất cả vì ước tính còn khoảng 600 triệu người châu Phi thiếu điện.
"Mối quan tâm chính ở đây là sản lượng có thể tăng thêm được bao nhiêu và tác động của nhu cầu trong nước có thể ảnh hưởng đến lượng khí đốt mà Algeria sử dụng nội địa như thế nào", ông Purdie nói.
Trong khi đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng và các thách thức an ninh từ lâu đã cản trở các nhà sản xuất năng lượng của lục địa này mở rộng quy mô xuất khẩu.
Ở Nigeria, những kế hoạch đầy tham vọng vẫn chưa mang lại kết quả dù đã được lên kế hoạch trong nhiều năm. Một đường ống được đề xuất dài 4.400 km (2.734 dặm) đưa khí đốt của Nigeria đến Algeria qua Niger đã bị đình trệ kể từ năm 2009, chủ yếu do chi phí ước tính lên tới 13 tỷ USD.
Nhiều người lo ngại rằng ngay cả khi hoàn thành, đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara này sẽ phải đối mặt với các rủi ro an ninh như các đường ống dẫn dầu của Nigeria, vốn thường xuyên bị lực lượng cực đoan và kẻ phá hoại tấn công.
Các quốc gia có triển vọng khác như Mozambique cũng phát hiện ra trữ lượng khí đốt lớn nhưng các dự án khai thác vẫn bị trì hoãn do bạo lực từ các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Olufola Wusu, chuyên gia dầu khí tại Lagos, cho biết những thách thức tương tự sẽ cản trở châu lục này xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và từ đó ông đề xuất theo đuổi con đường xuất khẩu LNG, gọi đây là chiến lược khí đốt "có lợi nhất" từ trước đến nay.
Hiện tại công ty Eni của Italy đã thúc đẩy kế hoạch bơm và hóa lỏng một số mỏ khí đốt được phát hiện ở Mozambique vào năm 2011 và 2014. Eni đã thiết lập một cơ sở LNG ngoài khơi Ấn Độ Dương với công suất hóa lỏng khí 3,4 triệu tấn mỗi năm. Theo Africa Energy, cơ sở này đã hóa lỏng lô khí đầu tiên vào ngày 2/10 và chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành đến châu Âu vào giữa tháng 10 này.