• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU lộ tham vọng thực sự: NATO hay quân đội riêng

Thế giới 16/11/2016 16:23

(Tổ Quốc) - Thành lập lực lượng quân sự riêng - liệu đã đến lúc Liên minh châu Âu bộc lộ tham vọng thực sự của mình?  

 EU đang đứng trước một lựa chọn khó khăn giữa NATO và lực lượng quân sự riêng

Theo chuyên gia về an ninh châu Âu Peter van Ham, chỉ vài tháng trước khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng, EU đang đứng trước một lựa chọn khó khăn giữa một bên là NATO, và bên kia là khả năng thiết lập một lực lượng quân đội riêng.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia châu Âu là hệ quả của việc Anh rời EU và mới đây nhất, ông Trump trở thành vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ một cách đầy bất ngờ.

Nhận định của ông Peter van Ham được đưa ra trong bối cảnh EU vừa tán thành một kế hoạch nhằm mở rộng hợp tác quân sự trong khối. Hôm Thứ Hai (14/11), các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã đồng ý tiến thêm một bước nữa với đề xuất thiết lập một tổ chức hoạch định chung. Cơ quan mới sẽ có trách nhiệm giám sát các chiến dịch tập luyện và tăng cường việc sử dụng các đơn vị phản ứng nhanh của lực lượng quân sự thường trực trong EU.

Theo các bộ trưởng, động thái này sẽ tăng cường vai trò chiến lược toàn cầu, và khả năng hành động độc lập của EU tại những thời điểm và địa điểm cần thiết.

Đã đến lúc NATO bộc lộ tham vọng thực sự của mình với lực lượng quân đội riêng?

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Peter van Ham đặc biệt chỉ “những tham vọng vốn có từ lâu” của Brussels về một hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Tuy nhiên, “không có quá nhiều tiến triển đã được tạo ra,” vị giáo sư hiện đang dạy tại trường Đại học châu Âu, Bruges (Bỉ) nhận xét. “Vấn đề thực sự không phải là những gì đã được công bố, mà thực tiễn đã xảy điều gì,” ông nói.

Trong khi ông Trump bận rộn chuẩn bị với nhiệm vụ sắp xếp nội các mới và lễ nhậm chức chính thức vào tháng Một năm sau, tình trạng bất ổn tại các biên giới châu Âu, cuối cùng đã khiến các nhà lãnh đạo EU từ chính sách tuyên bố, chuyển sang việc thực thi những hành động thực sự. “Đây là điều chúng ta đã chứng kiến qua nhiều thế kỷ. Liên minh châu Âu nuôi tham vọng trở thành một người chơi lớn trong khu vực và toàn cầu. Việc sở hữu khả năng phòng thủ độc lập là một phần của mong muốn trên. Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Âu đều là thành viên của NATO và điều này cũng là một vấn đề nan giải,” Peter van Ham phân tích. Ông cũng nhận định, các quốc gia EU một mặt muốn có các hoạt động quân sự riêng của châu Âu, mặc khác lại vẫn ủng hộ cho sự lãnh đạo của nước Mỹ. “Cho đến gần đây, dường như EU có thể đạt được cả hai điều trên. Tuy  nhiên, với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, họ có thể sẽ phải lựa chọn. Và rõ ràng đây là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn,” Peter van Ham nói. Chính phủ Anh trước đây, từng không dưới hai lần gạt đi những đề nghị mở rộng hợp tác quân sự EU, thay vào đó, tỏ ra nghiêng về sự lựa chọn dựa vào NATO tăng cường an ninh khu vực.

Tuy nhiên, với sự kiện BREXIT chứng kiến “lời chia tay” giữa Anh và EU cùng chiến thắng của tỷ phú Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, bất kỳ kế hoạch nào cũng cần phải có những chỉnh sửa.

 Quan hệ Mỹ - NATO dưới thời tân Tổng thống Mỹ đang đứng trước một tương lai bất định

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump liên tục tỏ ra nghi ngờ vai trò của NATO và dọa rằng những hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho châu Âu sẽ kèm theo điều kiện. Nếu những tuyên bố trên thành sự thật, các quốc gia châu Âu sẽ khó có sự lựa chọn khác ngoài việc cùng “xắn tay áo” xây dựng khả năng phòng thủ quân sự chung, cũng như tăng cường chi tiêu cho quốc phòng của chính mình.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ