• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU nhìn lại vùng Balkan để củng cố đồng minh và sức mạnh

Thế giới 28/10/2022 16:14

(Tổ Quốc) - Các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu đang có chuyến thăm đến khu vực Tây Balkan để tăng cường sự ủng hộ cho khối này, theo AP.

Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ dừng chân tại Serbia ngày 28/10 trong chuyến công du 6 quốc gia khu vực này. Serbia cho tới nay là quốc gia quan trọng nhất với EU tại khu vực phía nam và cũng chưa chung tay với EU trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga về tình hình Ukraine.

Theo nhận định của AP, trong nhiều năm qua, EU gồm 27 quốc gia luôn trăn trở 2 suy nghĩ đối với khu vực phía Tây Balkan: một là tìm cách kéo những nước này lại gần, đưa họ trở thành đồng minh và ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài và hai là giữ họ ở khoảng cách vừa phải vì nền kinh tế và thể chế chính trị yếu hơn của những nước này chưa đủ để hội nhập vào thị trường thương mại mở chung của EU và các giá trị chung của phương Tây.

AA13tjYf.img.jpg

Thủ tướng Albania đón bà Ursula von der Leyen ngày 27/10. Bà Ursula von der Leyen đang có chuyến thăm Albania, Kosovo, North Macedonia, Bosnia, Serbia và Montenegro trong tuần này. Ảnh: AP.

Kết quả của cách tiếp cận này là một tình thế dở dang giữa EU và các quốc gia Tây Balkan và cuộc xung đột Ukraine chỉ khiến vấn đề trở nên cấp bách hơn. Do đó, EU tuần này đã phải hành động, đưa ra nhiều thông điệp nồng nhiệt, nhiều viện trợ hơn cho Balkan, bên cạnh các khoản viện trợ hàng tỷ euro không hoàn lại và các khoản vay đã cam kết dành cho khu vực này.

EU cấp thiết phải hành động

"Đây là một câu hỏi về lợi ích chiến lược và chúng ta chỉ có một cơ hội để thực hiện. Vì vậy, chúng ta đừng lãng phí nó", chuyên gia Katalin Cseh của nhóm nghiên cứu Đổi mới Châu Âu phát biểu trước cơ quan lập pháp EU vào tuần trước.

"Nga và Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của Tây Balkan cũng như chúng ta", bà Katalin Cseh nói.

Khu vực này hiện bao gồm Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia. Nơi này từ lâu đã trở thành một khu vực cần cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc thế giới. Một vụ nổ súng ở Sarajevo, Bosnia, vào năm 1914 được cho là một trong những hành động dấy lên Chiến tranh thế giới thứ nhất, đánh đổ nhiều đế chế, vẽ lại bản đồ và cuối cùng dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó Mỹ cùng Liên Xô nổi lên như những siêu cường.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nam Tư – quốc gia có sức ảnh hưởng ở Tây Balkan, cũng vậy. Điều này đã kéo theo nhiều xung đột và bạo lực trong những năm 1990, khiến hơn 130.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời, nhiều nền kinh tế bị thiệt hại và mâu thuẫn sắc tộc kéo dài cho đến ngày nay.

Trong nhiều năm nay, tiến trình gia nhập EU của các quốc gia Balkan luôn bị đình trệ dù EU đã cam kết sẽ hỗ trợ khu vực này. Tuy nhiên, lời hứa đó đã phần nào bị phá bỏ trong năm nay khi EU cho phép Ukraine đẩy nhanh quá trình gia nhập, còn khu vực Tây Balkan phần lớn vẫn không có nhiều tiến triển.

Điều đó đã biến một số quốc gia Balkan trở thành những người hoài nghi EU. Trong khi đó, quan hệ thân thiện của Serbia với Moscow khiến EU quan ngại, đặc biệt là khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

"Serbia cần tăng cường hành động để tương đồng với lập trường của EU", Ủy viên phụ trách việc mở rộng EU Oliver Varhelyi cho biết.

Lo ngại ảnh hưởng từ Nga và Trung Quốc

Bất chấp viện trợ của EU đối với khu vực, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự ủng hộ của người dân Serbia đối với việc hội nhập EU đã giảm xuống kể từ khi căng thẳng Ukraine nổ ra. Các cuộc khảo sát cho thấy chỉ khoảng 30-35% những người được hỏi hiện ủng hộ việc gia nhập EU, so với 57% từ cuộc khảo sát của chính phủ năm ngoái.

Trong khi một số quốc gia Balkan có mối liên hệ lịch sử quan trọng với Nga qua nhiều thế kỷ, không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Khi Bắc Kinh tìm cách gia tăng vị thế của mình trên toàn cầu, họ cũng tiếp cận các quốc gia như Serbia và Montenegro thông qua các phương tiện kinh tế và tài chính.

EU ước tính các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Serbia đến năm 2021 lên tới 10,3 tỷ euro. Trung Quốc cũng có sự hiện diện ở khắp Trung và Đông Âu thông qua đầu tư và các công trình cơ sở hạ tầng như một phần của sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Các công ty Trung Quốc cũng đã tham gia vào việc xây dựng cầu đường và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác được tài trợ thông qua các khoản vay của Trung Quốc. Tại Serbia, các công ty Trung Quốc hiện sở hữu nhà máy thép lớn nhất, các mỏ đồng và than, đồng thời họ đang xây dựng cầu đường.

"Các khoản vay của Trung Quốc là một cách thực hiện chính sách đối ngoại của Bắc Kinh nhằm củng cố vị thế của nước này trong khu vực", một nghiên cứu của Nghị viện EU cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ