(Tổ Quốc) - Cảnh báo Nga phát động chiến tranh tuyên truyền, tung thông tin giả…, EU mở rộng cuộc chiến trên toàn châu lục.
Theo tờ The Guardian, e sợ trước viễn cảnh Nga sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình tại các cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu – giống như những gì nước này đã từng làm với chiến thắng của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó - EU đang tiếp tục gia tăng nỗ lực nhằm chống lại cuộc chiến tranh tuyên truyền do Moscow phát động.
CHÊNH LỆCH TÀI CHÍNH GIỮA NGA VÀ EU
Trước thềm các cuộc bầu cử quốc gia sẽ diễn ra tại Đức, Pháp và Hà Lan trong thời gian tới, các nguồn tài chính “hào phóng” đang tiếp tục được rót vào East Stratcom Taskforce – nhóm công tác đặc biệt của Liên minh châu Âu, có nhiệm vụ điều tra và đối phó với những hành động của Nga, nhằm gây ảnh hưởng lên các cuộc bỏ phiếu thông qua các chiến dịch tuyên truyền và tung thông tin sai lệch.
Ngân quỹ của East Stratcom Taskforce đến từ nguồn ngân sách hiện tại của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) – vẫn được ví là Bộ ngoại giao chung của Liên minh châu Âu – và sẽ được đặc biệt sử dụng trong sáu tháng tới đây. Các thành viên của Nghị viện châu Âu cũng không hề giấu giếm nỗi lo ngại việc Nga gây ảnh hưởng thành công lên cuộc bầu cử Mỹ, sẽ chỉ khiến Điện Kremlin tiếp tục mở rộng chiến dịch của mình ra toàn châu lục.
EU e sợ Nga sẽ mở rộng ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử quốc gia sắp tới tại châu Âu |
Petras Auštrevičius, một đại diện của Lithuania tại Nghị viện châu Âu cho biết, rõ ràng EU cần phải “nhanh nhạy hơn” trong những phản ứng trước các chiến dịch tung tin sai sự thật do Moscow khởi xướng. “Tôi nghĩ sự liên quan của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ là một bài kiểm tra. Nó rất quan trọng đối với Nga vì họ muốn bắt đầu những thứ lớn lao hơn. Tôi cho rằng, đối với các nước nhỏ dễ dàng chịu ảnh hưởng từ Nga hơn, nguy cơ hiện nay đang rất nghiêm trọng,” ông Auštrevičius nói.
East StratCom được thành lập vào mùa thu năm 2015, với mục đích xử lý và đối phó với những tin tức giả và sai lệch đến từ Điện Kremlin. Nhóm này có 11 nhân viên, đều là các chuyên gia về EU và cách thức để giải quyết những giọng điệu bài phương Tây vẫn đang được lưu hành tại Nga và các quốc gia Xô-viết cũ. Theo một số nguồn tin, với khoản ngân quỹ mới bổ sung - ước tính vào khoảng 800.000 EU – cơ quan này sẽ tuyển thêm ít nhất 8 vị trí nữa. Ngoài ra, một khoản tiền lớn khác theo dự kiến, cũng sẽ được “bơm” thêm cho East StratCom vào cuối năm nay.
Được thành lập theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu nhằm chống lại các nguồn tin tức bất lợi đến từ Moscow, tuy nhiên, East StratCom cũng đã bắt đầu “để mắt tới” cả những nguồn thông tin sai lệch không xuất phát từ Nga, như là Breibart – một trang web tin tức, ý kiến và bình luận mang xu thế cựu hữu của Mỹ…
Trong những tuần gần đây, East StratCom đã kiểm chứng và đính chính một câu chuyện hoàn toàn không đúng sự thật nhưng lại được chia sẻ rất nhiều trên Internet - về một đám đông hơn 1.000 người phá hủy nhà thờ cổ nhất của nước Đức, trong khi hô vang khẩu hiệu “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại).
Các quan chức châu Âu ước tính, Nga đã cung cấp khoảng 1 tỷ USD Mỹ cho các cơ quan báo chí chính thống của mình như RT và Sputnik, cùng một khoản ngân sách chưa xác định được cho các đơn vị “tạo tin giả”, để có thể phủ sóng các mạng xã hội với những thông tin bài phương Tây. Đối lập lại, East StratCom chủ yếu chỉ dựa vào đóng góp của các quốc gia thành viên và một khoản nhỏ tài chính đến từ ngân sách truyền thông của EU.
KHÔNG CÒN LÀ CUỘC CHIẾN ĐƠN ĐỘC CỦA CÁC NƯỚC BALTIC
Cho đến nay, East StratCom đã thu thập được khoảng 2.500 ví dụ về thông tin sai lệch bằng 18 ngôn ngữ khách nhau; mặc dù vậy, đội ngũ nhân viên của nhóm cho rằng, đó mới chỉ là những thứ trên bề nổi. Theo EU, kể từ khi các vụ tấn công xảy ra tại thành phố Cologne vào dịp năm mới 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất cho chiến dịch bôi nhọ của nước Nga.
Tháng Mười năm ngoái, ông Donald Tusk, Chủ tịch của Hội đồng Châu Âu từng đưa ra cảnh báo rằng “chiến thuật của Nga hướng tới việc làm EU yếu đi”. Ông này cũng nhấn mạnh rằng “mọi hành động của Nga, từ vi phạm không phận, chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng đều nhằm can thiệp vào các tiến trình chính trị của châu Âu.”
Các kênh truyền thông Nga có tiềm lực tài chính lớn hơn nhiều và tính thu hút, giải trí rất cao |
Nền chính trị nội bộ của các quốc gia Baltic – nơi có lượng dân số nói tiếng Nga rất lớn - sẽ là những cái đích đầu tiên mà bộ máy tuyên truyền của Nga nhắm tới. Sanita Pavᶅuta-Deslandes, Đại sứ của Latvia tại EU chia sẻ với tờ Guardian, các chiến dịch thông tin sai lệch do Nga khởi xướng luôn là một mối quan ngại cho Chính phủ nước này.
Bà Pavᶅuta-Deslandes cho biết: “Chúng tôi phát sóng các chương trình của họ [Nga] và có một phần dân số luôn xem chúng hàng ngày. Những chương trình này không chỉ tường thuật lại những gì đang diễn ra tại Nga, trên thế giới hay Ukraine, mà còn nêu ra các vấn đề nội bộ - những gì đang diễn ra tại đất nước chúng tôi, và đây chính là một mối nguy hiểm. Thông điệp được đưa ra một cách vô cùng khéo léo. Đôi khi, họ cố gắng cho thấy ‘chính quyền sở tại không thể đối mặt, không thể giải quyết các mối quan tâm hàng ngày của bạn’; ám chỉ rằng hệ thống chính trị và chính phủ của chúng tôi đang có rắc rối. Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ năng lực đối phó thực sự, bởi vì các kênh truyền thông Nga có tiềm lực tài chính lớn hơn nhiều và tính thu hút, giải trí rất cao”.
Bà Đại sứ cũng cho rằng, chỉ mấy năm trước, các nước Baltic còn đang phải “đơn độc” đối mặt với cuộc chiến tranh tuyên truyền do Nga khởi xướng. “Các quốc gia trước kia chưa từng cảm thấy dễ bị tấn công, giờ đây cũng đang phải đối mặt với những ảnh hưởng mà chúng tôi từng phải trải qua,” bà Pavᶅuta-Deslandes nói.