• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU tung 'cành ô liu' thương mại với Đài Loan, Trung Quốc lập tức phản ứng

Thế giới 19/05/2022 11:18

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) sẽ nâng cấp quan hệ thương mại và đầu tư với Đài Loan, hướng đến khai thác vị thế dẫn đầu về công nghệ cao của hòn đảo này.

Theo tờ SCMP, EU rất muốn thu hút đầu tư của Đài Loan vào lĩnh vực bán dẫn của khối và cho rằng sự tăng cường quan hệ chính trị sẽ giúp thúc đẩy điều đó.

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis thông tin với Nghị viện châu Âu rằng một cuộc đối thoại về thương mại và đầu tư đã được "hiện đại hóa" giữa EU và Đài Loan sẽ diễn ra vào ngày 2/6.

Tiến trình đối thoại giữa EU và Đài Loan trước đó thường được tổ chức ở cấp phó vụ trưởng và cấp thứ trưởng nhưng giờ đây cuộc hội đàm trực tuyến này sẽ do Giám đốc phụ trách thương mại của EU Sabine Weyand và Người phụ trách kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua đồng chủ trì.

EU tung cành ô liu thương mại với Đài Loan, Trung Quốc lập tức phản ứng - Ảnh 1.

EU đang nhắm tới vị thế dẫn đầu của Đài Loan trong ngành công nghệ cao. Ảnh: DW.

Cuộc hội đàm cấp cao này từng được tờ SCMP đưa tin hồi tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên, đã bị hủy vào phút chót sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lo ngại rằng động thái này sẽ làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối quan hệ EU – Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi dù có vấn đề Đài Loan hay không và EU cũng nhận ra rằng họ cần sự hỗ trợ của Đài Loan nếu muốn thực thi Đạo luật về chip châu Âu. Bà von der Leyen đã công bố Đạo luật trị giá 45 tỷ euro (47 tỷ USD) này vào tháng Hai.

Đài Loan đang dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn, sản xuất 90% số lượng chip tiên tiến nhất thế giới. Ông Dombrovskis nói: "Thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, chúng tôi muốn phát triển quan hệ đối tác thương mại và đầu tư với Đài Loan trong các lĩnh vực hai bên có cùng lợi ích".

Ông Dombrovskis nói thêm: "Đây là lý do tại sao cơ quan thương mại EU và Cục Ngoại thương Đài Loan đã làm việc cùng nhau để làm mới cuộc đối thoại thường niên. Quá trình này phản ánh vị thế dẫn đầu của Đài Loan về phát triển công nghệ cao". Hai bên sẽ thảo luận về "các lĩnh vực quan trọng và các vấn đề chính sách liên quan tới chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc FDI [đầu tư trực tiếp nước ngoài]".

Đặc phái viên Đài Loan tại Bỉ và EU Ming-yen Tsai hoan nghênh động thái này. Ông Ming-yen Tsai nói: "Quyết định của EU ... thể hiện sự coi trọng của họ đối với trao đổi kinh tế và thương mại giữa Đài Loan và EU, cũng như sự sẵn sàng tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng Đài Loan-EU".

Trung Quốc lập tức phản ứng

Động thái trên của EU đã khiến Bắc Kinh có phản ứng. Trước đây, Trung Quốc từng cảnh báo EU rằng "bất kỳ nỗ lực nào nhằm phát triển quan hệ chính thức với chính quyền Đài Loan đều không thể chấp nhận được vì đó là hành vi vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế". Lần này, phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại EU kêu gọi Brussels "không nên liều lĩnh trong vấn đề này, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và tôn trọng các cam kết chính trị của liên minh bằng các hành động cụ thể".

Người phát ngôn này cũng thông tin thêm: "Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức tương tác chính thức hoặc thảo luận, ký kết thỏa thuận nào liên quan đến chủ quyền và có tính chất chính thức giữa các quốc gia, tổ chức với Đài Loan. Cần lưu ý rằng đây không phải là vấn đề thương mại, mà là một vấn đề chính trị nghiêm trọng liên quan đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-EU".

Gần đây, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa EU và Bắc Kinh vào tháng 4 đã không làm các nhà lãnh đạo khối này hài lòng. Tại đó, các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đại lục không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về việc không ủng hộ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Loạt động thái sắp tới từ EU - Đài Loan

Động thái tăng cường quan hệ thương mại của EU và Đài Loan cũng diễn ra trong bối cảnh Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu tiếp tục thúc đẩy bộ phận hoạch định chính sách của khối để củng cố mối quan hệ với hòn đảo này.

Ủy ban thương mại EU cũng đang hoàn thiện kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên của họ đến Đài Loan vào tháng 12 năm nay. Đây sẽ là chuyến thăm mới nhất trong một loạt chuyến thăm của các nhà lập pháp phương Tây tới hòn đảo này. Một phái đoàn từ Ủy ban về can thiệp nước ngoài của EU đã tới Đài Loan vào tháng 10 năm ngoái và gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính quyền Đài Loan.

Bà Saskia Bricmont, một thành viên của ủy ban này, nói: "Để tăng cường hợp tác trong các ngành công nghệ, bao gồm đầu tư vào [lĩnh vực] bán dẫn, chúng tôi tin rằng một thỏa thuận đầu tư song phương hoặc một biên bản ghi nhớ về hợp tác chuỗi cung ứng linh hoạt với Đài Loan sẽ là bước đi cụ thể tiếp theo".

EU cũng đang nỗ lực tổ chức Diễn đàn Đầu tư EU lần thứ 3 tại Đài Loan. Sự kiện lần trước diễn ra vào tháng 10 năm ngoái với bài phát biểu quan trọng của ông Weyand.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ