(Tổ Quốc) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng mũi vaccine thứ 3 cho nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém.
44% bệnh nhân nhập viện thuộc nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch
Theo CNBC, một số nghiên cứu quy mô nhỏ do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thực hiện vào tháng trước đã ghi nhận 16%-80% người dân có hệ miễn dịch yếu không tìm thấy kháng thể chống lại virus gây bệnh Covid-19 sau khi đã tiêm hai mũi vaccine.
Dữ liệu của CDC cho biết, nhóm đối tượng chịu rủi ro cao do bệnh lý nền chỉ chiếm 2,7% trong tổng dân số trưởng thành tại Mỹ nhưng quốc gia này lại ghi nhận tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 lên tới 44% mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Trước thách thức của biến thể Delta, nhiều bác sỹ lo ngại rằng nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu không có hoặc ít có khả năng tạo ra kháng thể sau tiêm có thể dẫn đến việc phát sinh ra các biến thể nguy hiểm hơn nữa.
Những người thuộc nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như những bệnh nhân ung thư và HIV sẽ không thể tạo ra phản ứng miễn dịch tốt sau khi tiêm 2 mũi vaccine. Vì vậy, việc cấp phép đưa vào sử dụng mũi vaccine thứ 3 sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 cho nhóm đối tượng chịu rủi ro cao trước biến thể Delta.
"Động thái này sẽ giúp các bác sỹ sớm đưa ra chỉ định mới cho việc tiêm chủng ngừa Covid-19, đặc biệt đối với những người suy giảm miễn dịch", quyền Uỷ viên FDA – Tiến sĩ Janet Woodcock cho biết trong một tuyên bố.
Cố vấn Y tế cấp cao của Nhà Trắng – Tiến sỹ Anthony Fauci cho biết vào tuần trước, các quan chức y tế liên bang đang xem xét tác dụng của mũi tiêm thứ ba dành cho một nhóm đối tượng rủi ro cao, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư, HIV hoặc những người đã cấy ghép nội tạng. Theo ông Fauci, các dữ liệu mới nhất cho thấy nhóm đối tượng này không tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm 2 mũi vaccine Covid-19.
"Việc tiêm mũi vaccine thứ 3 rất quan trọng đối với nhóm đối tượng này và chúng tôi hiện đang xem xét để có thể triển khai sớm nhất. Đây sẽ là nhóm đối tượng nằm trong diện ưu tiên cao", Tiến sỹ Fauci nhấn mạnh.
FDA khẳng định lợi ích mang lại sau khi tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người rủi ro cao
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia giàu tạm dừng chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 để hỗ trợ cho quốc gia nghèo nhằm giảm nguy cơ mất cân bằng vaccine trên toàn cầu. Một số quốc gia khác như Pháp đã tiêm mũi vaccine thứ 3 cho bệnh nhân ung thư hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Tháng trước, Israel cũng đã công bố kế hoạch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 cho người cao tuổi trên 60 tuổi – nhóm tuổi có nguy cơ cao nếu mắc bệnh.
Theo một số chuyên gia y tế, các bác sỹ Mỹ từ lâu đã đề cập đến việc tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu và nhiều người trong nhóm đối tượng này thậm chí đã tự tìm kiếm liều vaccine bổ sung để chích ngừa. Và quyết định cấp phép sử dụng khẩn cấp mũi tăng cường của FDA đối với nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu đưa ra sau khi nghiên cứu cập nhật cho thấy lợi ích đáng kể từ việc tiêm tăng cường này.
Các nghiên cứu gợi ý mũi vaccine thứ 3 sẽ giúp bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu phòng bệnh tốt hơn khi cơ thể sinh ra kháng thể đáng kể. Đáng chú ý, theo CDC, trong số những người đã tiêm chủng 2 mũi nhưng không sinh ra kháng thể, khoảng 33% - 50% đã có phản ứng kháng thể sau khi tiêm thêm mũi vaccine thứ 3.
"Ở một thời điểm nào đó, tất cả người dân có thể sẽ phải tiêm mũi vaccine thứ 3. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt vẫn là những người có hệ miễn dịch yếu", ông Fauci nói trên "CBS This Morning" vào ngày 12/8.
Quyết định của FDA chưa phải là phán quyết cuối cùng. Uỷ ban cố vấn vaccine thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đã lên lịch họp vào ngày 13/8 để xem xét về khả năng tiêm mũi vaccine nhắc lại thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu khuyến nghị tiếp tục đưa ra và CDC chấp thuận thì chương trình tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 cho người dân có hệ miễn dịch yếu sẽ triển khai tại Mỹ trong thời gian tới.