• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu: Bước ngoặt lịch sử trong kỷ nguyên số

Thế giới 07/06/2021 11:10

(Tổ Quốc) - Thỏa thuận mới về thuế doanh nghiệp toàn cầu của nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) sẽ khiến nhiều công ty đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn.

Bộ trưởng Bộ tài chính nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đã đi tới thống nhất một thỏa thuận lịch sử, ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc các công ty lớn trên thế giới phải đóng thuế ít nhất 15% lợi nhuận.

G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu: Bước ngoặt lịch sử trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Cuộc họp nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7). Ảnh: Reuters

Các "gã không lồ" công nghệ như Apple, Facebook và Google có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ quyết định này. Từ lâu, những phàn nàn xung quanh vấn đề thuế doanh nghiệp toàn cầu liên tục được cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng các công ty kỹ thuật số phải trả thuế nhiều hơn bởi lợi nhuận cao thu về từ các quốc gia. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ là bước ngoặt lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu.

Vởi thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia như Amazon và Google sẽ buộc phải trả nhiều thuế hơn và hạn chế khả năng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường đánh thuế thấp ở nước ngoài.

Theo hãng Reuters, hàng trăm tỷ đôla có thể sẽ chảy vào túi tiền của chính phủ các nước trong bối cảnh khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Facebook (FB.O) cho biết công ty này sẽ phải trả thuế nhiều hơn ở các quốc gia khác nhau sau khi G7 thông qua thỏa thuận mới (sau 8 năm đàm phán) vốn chỉ đạt được thay đổi đột phá sau đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ - Joe Biden.

Ông Nick Clegg – Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết: "Chúng tôi mong muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công nhưng cũng có nghĩa là Facebook sẽ phải đóng thuế nhiều hơn ở nhiều quốc gia khác nhau.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen khẳng định, cam kết "quan trọng và chưa từng có" sẽ kết thúc các tranh cãi xung quanh vấn đề thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Bà Yellen cho rằng cuộc họp G7 là tín hiệu trở lại chủ nghĩa đa phương của chính quyền Tổng thống Biden.

"Cuộc họp Bộ trưởng  tài chính nhóm G7 đánh dấu sự hợp tác sâu sắc và mong muốn thúc đẩy hợp tác của các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu", bà Yellen nhấn mạnh.

"Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuất số", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết sau khi chủ trì cuộc họp ngày 5/6  ở Luân Đôn.

Thêm vào đó, phía đại diện của Italy cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia khác liên quan đến kế hoạch này tại cuộc họp G20 vào tháng sau và thông tin cụ thể sẽ tiếp tục được đàm phán trong những tháng tới.

Theo giới quan sát, thỏa thuận của nhóm G7 chỉ tập trung vào "các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận lớn nhất". Chẳng hạn như Amazon, đại diện của EU cho rằng công ty này sẽ không nằm trong danh sách thuộc công ty đa quốc gia có lợi nhuận lớn nhất trong khi đại diện của Mỹ thì khẳng định Amazon thuộc phạm vi ảnh hưởng của thỏa thuận thuế quan mới.

Sự đồng thuận toàn cầu

"Google cho biết họ ủng hộ mạnh mẽ, tuân thủ các quy tắc thuế quốc tế và hy vọng các quốc gia tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo thảo thuận cân bằng và lâu dài sớm được hoàn thiện", ông José Castañeda – phát ngôn viên của Google nói trong một tuyên bố trên CNN.

Đại diện của Amazon cũng khẳng định tin tưởng quá trình do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất nhằm tạo ra các giải pháp đa phương mang lại sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế. Thỏa thuận của G7 đánh dấu bước tiến đáng hoan nghênh trong nỗ lực đạt được mục tiêu này.

"Chúng tôi hy vọng các cuộc thảo luận tích cực như vậy sẽ tiếp tục với nhóm G20 nhằm đạt được liên minh pháp lý rộng hơn", Người phát ngôn của Amazon lên tiếng.

Theo CNN, thỏa thuận đánh dấu thắng lợi đáng kể của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước thềm thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 vào tuần sau tại Cornwall.  Kế hoạch chi trả ít nhất 1,4 tỷ đôla cho chi tiêu cơ sở hạ tầng mới của Tổng thống Biden được cho là phụ thuộc vào việc thu hút sự ủng hộ của các nước đối với việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Và cho đến hiện tại, kế hoạch đánh dấu tín hiệu tích cực từ đề xuất của chính quyền mới của Mỹ.

Việc thiết lập tỷ lệ tối thiểu cũng có thể ngăn cản các công ty chuyển lợi  nhuận sang các quốc gia đánh thuế thấp. Tổng thư ký OECD - Mathias Cormann bày tỏ ủng hộ thỏa thuận của các Bộ trưởng tài chính các nước G7 và gọi đây là bước ngoặt hướng tới sự đồng thuận toàn cầu nhằm cải cách hệ thống thuế quốc tế.

"Quyết định đã tạo thêm động lực quan trọng cho các cuộc đàm phán về hệ thống thuế sắp tới", ông Mathias Cormann nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ