(Tổ Quốc) - Hai nhà lãnh đạo dường như trái ngược hoàn toàn sẽ phải “cách nào đó” tìm được tiếng nói chung.
Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng vào ngày 14/3 sắp tới. Lần “chạm mặt” đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào đúng thời điểm mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo hãng tin Bloomberg, cuộc gặp gỡ - đã được phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận vào hôm thứ Sáu (03/3) – là một cơ hội để Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức trao đổi với nhau về cách nhìn đối với các vấn đề lớn của thế giới, sau tháng đầu tiên đầy sóng gió trong nhiệm kỳ của ông Trump. Những quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm thái độ của Mỹ hướng về chủ nghĩa bảo hộ, cùng sự bất đồng quan điểm liên quan đến NATO, Nga và vấn đề thay đổi khí hậu…
Hai tuần trước, bà Merkel từng có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ, ông Mike Pence tại một hội nghị an ninh được tổ chức tại Munich; trong đó, cả hai bên đã nỗ lực để thiết lập được một sự hoà hợp giữa hai chính phủ. “Không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết được các khó khăn của thế giới,” bà Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Trong chiến dịch tranh cử hướng tới nhiệm kỳ lần thứ tư, bà Merkel đã thể hiện một thái độ ủng hộ mạnh mẽ dành cho thương mại đa cực – vấn đề từng bị ông Trump đặt dấu hỏi. Trong khi đó, khi còn đang tranh cử, Tổng thống Mỹ từng gọi chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel là “điên rồ”; đồng thời, dự đoán rằng, bà sẽ không thể tái đắc cử vị trí Thủ tướng. Theo dự kiến ban đầu, cả hai sẽ gặp nhau tại Hội nghị G20 được tổ chức tại Hamburg, Đức vào tháng Bảy tới đây.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Merkel liệu có tìm được tiếng nói chung trong lần gặp mặt đầu tiên? |
Để chuẩn bị cho lần gặp gỡ đầu tiên, bà Merkel chia sẻ, bà sẽ xem lại các cuộc phỏng vấn và video về ông Trump để có thể hiểu và tạo được ảnh hưởng lên Tổng thống Mỹ. Rõ ràng, hai nhà lãnh đạo dường như hoàn toàn trái ngược nhau này, sẽ có rất nhiều đề tài thảo luận. Bà Merkel từng chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump, phản đối cáo buộc của Washington rằng nước Đức thao túng tỷ giá đồng Euro, phê bình những nỗ lực nhằm chia rẽ châu Âu và đưa ra cảnh báo rằng nước Mỹ vẫn cần phải có đồng minh.
Về phần mình, Tổng thống Trump thường xuyên tỏ ra không hài lòng với cách điều hành đất nước, đặc biệt là chính sách nhập cư của bà Merkel - hiện đang để lại hơn 1 triệu người xin tị nạn đã đặt chân vào lãnh thổ Đức trong suốt hai năm qua. Trong khi tỷ lệ ủng hộ cho Đảng của bà Merkel có sụt giảm, thì mức độ ưa thích của người dân Đức đối với bà dường như không bị ảnh hưởng nhiều.
Trong chuyến công du châu Âu tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis đã mang theo thông điệp “trấn an” của Mỹ đối với NATO. Tillerson nói Mỹ cam kết với những nỗ lực gìn giữ hoà bình của Đức tại phía Đông Ukraine.
Thủ tướng Đức cũng đang phải đối mặt với những thử thách của chính mình trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Tổng thống Trump. Đảng Dân chủ Xã hội Đức đang thu hẹp khoảng cách với Đảng của bà Merkel, sau khi chọn ông Martin Schulz là người trực tiếp tham gia cuộc đua với bà Merkel. Thông qua việc chỉ trích ông Trump, ông Schulz từng ghi được không ít điểm chính trị.
(Theo Bloomberg)