• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặt hái được nhiều tín hiệu tích cực, Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" cho Thụy Điển vào NATO

Thế giới 11/07/2023 11:31

(Tổ Quốc) - Việc Ankara đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã giúp nước này gỡ đi một rào cản lớn trong việc trở thành thành viên của liên minh quốc phòng phương Tây, theo Nikkei.

Vài giờ trước khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Vilnius, Lithuania để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Turkiye) Recep Tayyip Erdogan "đã đồng ý ủng hộ đơn gia nhập của Thụy Điển và sẽ chuyển đề xuất này tới các nhà lập pháp trong nước càng sớm càng tốt. Ông ấy cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với họ để thúc đẩy quá trình phê chuẩn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông tin với các phóng viên vào tối thứ Hai.

Thông báo của ông Stoltenberg được đưa ra sau cuộc gặp 3 bên giữa ông Erdogan, Tổng thư ký NATO và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Mỹ và NATO tháo gỡ được vấn đề

Nhà lãnh đạo NATO cũng cho biết: "Việc Thụy Điển hoàn tất quá trình gia nhập NATO là một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này. Điều đó giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn".

Gặt hái được nhiều tín hiệu tích cực, Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" cho Thụy Điển vào NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Turkiye) Recep Tayyip Erdogan đã ra quyết định sau một ngày đối thoại căng thẳng. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Kristersson cũng cho biết ông "rất vui" và hoan nghênh "một ngày tốt lành cho Thụy Điển".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố đánh giá cao quyết định của ông Erdogan. Ông Biden nói: "Tôi hoan nghênh tuyên bố của Turkiye, Thụy Điển và Tổng thư ký NATO tối nay, bao gồm cả cam kết của Tổng thống Erdogan về việc chuyển Nghị định thư gia nhập của Thụy Điển tới cơ quan lập pháp của Turkiye để nhanh chóng phê chuẩn. Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Turkiye để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là Đồng minh NATO thứ 32 của chúng tôi. Và tôi cảm ơn Tổng thư ký Stoltenberg vì sự lãnh đạo kiên định của ông ấy".

Theo Nikkei Asia, đây là một kết quả mang tính bước ngoặt lớn sau một ngày đàm phán căng thẳng. Ngoài việc chỉ trích Thụy Điển đã thất bại trong việc trấn áp các nhóm như PKK, ông Erdogan hôm thứ Hai thậm chí đã đưa ra yêu cầu cao hơn bằng cách đề nghị cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu.

Các quyết định của NATO được đưa ra dựa trên sự đồng thuận và việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập khiến các cuộc đàm phán thời gian qua không thể tiến triển. Ngoài Ankara, một nước khác cũng không đồng tình cho Thụy Điển gia nhập là Hungary. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ chấp thuận nếu nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thông qua.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được các mục tiêu lớn

Sau khi đồng ý giải quyết những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid năm ngoái, Thụy Điển đã tăng cường nỗ lực trấn áp các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.

"Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật và tăng cường đáng kể hợp tác chống khủng bố" nhằm vào Đảng Lao động người Kurd (PKK), NATO cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài ra, hai nước đã nhất trí gặp nhau hàng năm ở cấp bộ trưởng theo một thỏa thuận an ninh song phương mới và thành lập các nhóm làm việc tập trung vào chống khủng bố, tuyên bố cho biết. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về kinh tế.

Một vấn đề Ankara rất quan tâm là quá trình gia nhập EU đã bị trì hoãn từ lâu. "Thụy Điển sẽ tích cực hỗ trợ các nỗ lực tái đưa Turkiye gia nhập EU, bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU-Turkiye và tự do hóa thị thực", tuyên bố chung sau đàm phán 3 bên cho biết.

Nội dung này được đưa ra sau khi ông Erdogan tạm dừng các cuộc đàm phán với ông Stoltenberg và Kristersson để có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Ông Michel hoan nghênh "cuộc gặp gỡ tốt đẹp giữa hai bên" và nói thêm rằng họ đang "tìm thấy nhiều cơ hội phía trước để đưa sự hợp tác giữa EU- Turkiye trở lại vị trí hàng đầu và tiếp thêm sinh lực cho các mối quan hệ hai bên".

Türkiye đã chính thức là ứng viên xin gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 2005 và họ cũng có nguyện vọng từ trước đó rất lâu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ và có rất ít dấu hiệu khả quan.

Nhưng các tuyên bố hôm thứ Hai ngụ ý rằng Ankara và Brussels có thể tiếp tục thúc đẩy thương mại, cập nhật các thỏa thuận hải quan và nới lỏng các quy định về thị thực trong trường hợp chưa tiến hành được các cuộc đàm phán thành viên chính thức.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hy vọng đạt được tiến bộ trong việc mua lô vũ khí trị giá 20 tỷ USD từ Mỹ, bao gồm cả các máy bay chiến đấu F-16 mới cũng như bộ dụng cụ hiện đại hóa cho một số mẫu hiện có. Dù Ankara nói rằng hai vấn đề không liên quan đến nhau nhưng ông Erdogan dự kiến gặp ông Biden vào tối thứ Ba tại Vilnius, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ