• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GDP Mỹ giảm quý thứ hai liên tiếp, nỗi lo suy thoái gia tăng

Thế giới 29/07/2022 12:21

(Tổ Quốc) - Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 2 vừa qua, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm.

Theo hãng AP, Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/7 đã cung cấp báo cáo, trong đó GDP của Mỹ trong quý 2 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong quý I. Báo cáo GDP giảm trong hai quý đang chỉ ra sự suy yếu trên khắp nền kinh tế Mỹ. Chỉ số tiêu dùng cũng thấp hơn khi người dân Mỹ ít mua sắm hàng hóa. Đầu tư kinh doanh giảm. Hàng tồn kho cũng giảm do các doanh nghiệp chậm cung cấp hàng hóa tiêu dùng.

GDP Mỹ giảm quý thứ hai liên tiếp, nỗi lo suy thoái gia tăng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Trong khi đó, lãi suất đi vay cao hơn, hậu quả của hàng loạt các đợt tăng lãi suất do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đề xuất đang tác động đến thị trường bất động sản. Chi tiêu của chính phủ cũng giảm.

Báo cáo này được đưa ra vào thời điểm quan trọng. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang phải vật lộn với sức nặng của lạm phát và chi phí vay vốn cao hơn. Ngày 28/7, FED đã tăng lãi suất chuẩn lên 3/4 điểm lần thứ hai liên tiếp trong nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.

FED nhấn mạnh rủi ro lớn nhất với nền kinh tế là lạm phát dai dẳng, chứ không phải là kinh tế đi xuống. Vì vậy, nền kinh tế đi xuống sẽ kìm hãm giá cả leo thang nhưng không gây ra suy thoái.

Bên cạnh Mỹ, kinh tế toàn cầu nói chung cũng đang vật lộn với lạm phát cao và tăng trưởng suy yếu, đặc biệt là sau khi Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Ukraine, điều đẩy giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Châu Âu, vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga cũng đang chịu rủi ro với nguy cơ suy thoái kinh tế. Tại Mỹ, lạm phát gia tăng và nỗi lo suy thoái đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và gây ra lo lắng cho nền kinh tế vốn diễn biến phức tạp.

"Các diễn biến của tăng trưởng GDP cũng đưa ra gợi ý rằng Mỹ đang ở giữa hoặc ngay trước thềm một cuộc suy thoái kinh tế", Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets cho biết.

Theo bà Guatieri, kinh tế Mỹ đã đi xuống khi đối mặt với lạm phát cao trong 4 thập kỷ, chi phí đi vay tăng mạnh và điều kiện tài chính bị thắt chặt chung.

Chủ tịch FED Jerome Powell và nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu thì khả năng suy thoái có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi phân tích đến diễn biến thị trường lao động với khoảng 11 triệu cơ hội việc làm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,6% thì một số chuyên gia lại cho rằng nguy cơ suy thoái có thể xảy ra nhưng chưa phải vào lúc này.

Chưa có tín hiệu suy thoái

Sau báo cáo của Chính phủ Mỹ vào ngày 28/7, Tổng thống Biden cũng bác bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Chính quyền Mỹ đã nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phát triển cho dù GDP có giảm trong hai quý liên tiếp.

Trong khi đó, báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 5.000 người xuống còn 256.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 23/7. Người dân Mỹ vẫn chi tiêu đều đặn mặc dù tỏ ra thận trọng hơn. Báo cáo ngày 28/7 ghi nhận chi tiêu tiêu dùng đã tăng 1% hàng năm từ tháng 4 đến tháng 6 so với năm ngoái.

Chi tiêu cho các mặt hàng như thiết bị và đồ nội thất từng tăng vọt trong thời gian người Mỹ tránh dịch ở nhà trong suốt đợt bùng phát Covid-19 nhưng đã giảm 4,4% so với quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu cho các dịch vụ như các chuyến đi máy bay và ăn tối nhà hàng đã tăng 4,1% cho thấy hàng triệu người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều. Theo số liệu của nhóm nghiên cứu Conference Board, điều kiện kinh tế trong 6 tháng qua được đánh giá chạm mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Việc FED tăng lãi suất dẫn đến lãi suất thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô cao hơn, tăng gấp đôi lãi suất trung bình đối với khoản thế chấp cố định 30 năm trong thời gian qua.

Ngay cả khi nền kinh tế ghi nhận quý thứ hai liên tiếp của GDP âm, nhiều nhà kinh tế vẫn không xem đây là yếu tố cấu thành suy thoái. Khái niệm suy thoái được hiểu là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế, lan rộng ra toàn nền kinh tế và kéo dài trong vài tháng".

"Cho dù chúng ta chưa rơi vào suy thoái ngay bây giờ nhưng khả năng sẽ sớm phải chứng kiến điều đó. Một nền kinh tế áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ có thể phải chứng kiến những hậu quả tiêu cực sau đó", chuyên gia kinh tế Mỹ thuộc công ty tư vấn kinh tế Maria Fiorini Ramirez, ông Joshua Shapiro nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ