• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải mã giấc mơ của CTO Uber người Mỹ gốc Việt

Thế giới 16/08/2016 21:24

(Tổ Quốc) - Phạm Thuận – giám đốc công nghệ của Uber gần đây được đưa vào danh sách 40 người nhập cư thành công nhất 2016 của Carnegie Corporation.  

 Phạm Thuận – giám đốc công nghệ của Uber gần đây được đưa vào danh sách 40 người nhập cư thành công nhất 2016 của Carnegie Corporation.

Khi Thuận Phạm 12 tuổi, gia đình ông đã chuyển tới ngoại ô Maryland sinh sống.

Là một học sinh chăm chỉ với niềm đam mê mãnh liệt với máy tính, ông đã được nhận vào chuyên ngành khoa học máy tính, Học viện Công nghệ Massachusetts.

Sau khi tốt nghiệp, ông đã đến làm việc tại Thung lũng Silicon Valley và trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển công nghệ tại đây.

Năm 2013, ông được mời làm giám đốc công nghệ của Uber. Kể từ thời điểm đó, Thuận Phạm, 49 tuổi, đã phát triển nhóm kỹ thuật Uber từ 40 kỹ sư công nghệ lên đến hơn 2.000 người. Bộ phận công nghệ của công ty từ việc chỉ xử lí được yêu cầu của 3.000 chuyến đi mỗi ngày nay đã có thể giải quyết được hàng triệu yêu cầu từ trên khắp thế giới.

Ông Phạm gần đây cũng được đưa vào danh sách 40 người nhập cư thành công nhất 2016 do tổ chức lâu đời nhất nước Mỹ Carnegie Corporation công bố.

Hình ảnh ông Phạm Thuận cùng gia đình thời trẻ. (Nguồn: CNN)

Câu chuyện thành công của ông đã được chia sẻ trong cuộc nói chuyện với CNN.

Khi tới Mỹ, gia đình Thuận đã tìm nơi định cư tại Rockville, Maryland. Có một cộng đồng của người Việt tại đó và tất cả đã giúp đỡ nhau để cùng sinh sống tốt hơn. Mẹ ông làm việc tại một trạm xăng và tại một cửa hàng tạp hóa. Dù là một kế toán tại Việt Nam nhưng do tiếng Anh không tốt nên bà không nhận được chứng nhận kế toán tại Mỹ.

Gia đình ông đã phải chia sẻ căn hộ 2 phòng ngủ có giá 370 USD/ tháng với một gia đình khác trong nhiều năm. Mùa đông ở Maryland khá lạnh, nhưng bên trong căn hộ luôn giống như một phòng tắm hơi. Buổi tối thì trong nhà đầy gián trong khi nước đọng lại tại các khe cửa kính và cửa sổ. Gia đình ông đã phải sống nhiều năm trong căn hộ đó.

Khi đi học cấp 3 tại trường Richard Montgomery, Thuận đã cố gắng làm việc chăm chỉ để trang trải cuộc sống. Thuận đã tốt nghiệp trung học năm 1986, được nhận vào M.I.T và từ khi đó cuộc sống của ông bắt đầu tốt hơn.

Cha của người bạn thân nhất của Thuận ở trường trung học đã mua một chiếc máy tính IBM và ông thường đến đó chơi trong giờ học. Hai người thường tập xây dựng những chương trình cho máy tính từ đó.

Sau đó, một người tại nhà thờ là giám đốc tại Cục tiêu chuẩn quốc gia Mỹ đã giúp ông vào cơ quan này làm ở vị trí sinh viên tình nguyện. Ông đã viết một chương trình máy tính tiên tiến cho họ để tự động hoá quy trình kế toán, giúp giảm công việc của 2 - 3 nhân viên.

Khi ông vào học ở MIT, họ đã thưởng cho Thuận 1.800 USD để có thể mua cho mình một chiếc máy tính của IBM.

Đối với Thuận, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời đó là khi ông tốt nghiệp từ MIT, ông được vào làm tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu của HP.

Sau 3 năm làm việc tại HP, ông đã chuyển sang công ty Silicon Graphics (SGI), một công ty công nghệ nổi tiếng đầu những năm 90 được thành lập bởi Jim Clark – người xây dựng nên Netscape – được gọi là Internet ngày nay.

Sau đó, một đồng nghiệp của ông Thuận đã thành lập nên NetGravity (sau này được sáp nhập với DoubleClick) và ông gia nhập vào đội ngũ kỹ sư của công ty với 4 người.

Ông Thuận cho biết, có rất nhiều người giỏi và có kỹ năng nhưng cuối cùng ai cũng cần có cơ hội để chứng tỏ cho mọi người thấy những gì mình có thể làm. Uber là một bước ngoặt lớn với ông và ông biết rằng đây sẽ là công ty có thể thay đổi thế giới.

Khi được hỏi về thành công và làm thế nào để đạt được nó, ông Thuận cho biết thước đo thành công của ông là việc trả lời câu hỏi: Mình đã sống một cuộc đời có ý nghĩa hay chưa? Hay Bạn đã làm được mọi thứ có thể bằng thời gian mình sống trên Trái Đất này hay chưa?

Và để làm được điều trên, ông Thuận luôn nghĩ về những điều đã xảy ra trong ngày và tự hỏi: Liệu đây đã là điều tốt nhất mình có thể làm hay chưa. Câu trả lời luôn luôn là: Tôi có thể làm tốt hơn.

(Theo CNN)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ