(Tổ Quốc) - Khi Liên Xô sụp đổ, nhiều quốc gia từng thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây đã thành lập quân đội mới của họ dựa trên các thiết bị quân sự còn sót lại.
Và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhiều quốc gia này đã đầu tư vào thiết bị của Nga, thường rẻ hơn so với các sản phẩm tương đương của Mỹ.
Nhưng sau khi căng thẳng Nga phương Tây gia tăng vào năm 2014, những quốc gia này đã phải vật lộn để giảm liên hệ với các nhà thầu quân sự Nga và quay về phía Tây. Nhưng với ngân sách quốc phòng hạn chế, điều đó đã được chứng minh là nói dễ hơn làm.
Để giải quyết vấn đề này, trong năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lặng lẽ đưa ra một chương trình mới được gọi là Chương trình khuyến khích tái cấp vốn châu Âu (ERIP), một công cụ mới thử nghiệm để đẩy nhanh quá trình đưa các quốc gia đồng minh xa rời khí tài Nga. Như đã hình dung, nó nhắm vào Albania, Bosnia, Croatia, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Slovakia.
Mỹ muốn đẩy vũ khí Nga xa rời các nước đồng minh. (Nguồn: AFP/Getty)
Mặc dù vẫn ở giai đoạn đầu, các quan chức Mỹ vẫn cảm thấy đủ tự tin về tiềm năng của ERIP mà họ hy vọng sẽ nhận được quyết định mở rộng chương trình trong vài tuần tới. Chương trình này cũng có thể mở ra một dòng chảy đầu tư mới tới các quốc gia đồng minh giúp họ mua hàng hóa quốc phòng cao cấp của Mỹ.
"Nó có ý nghĩa", Douglas Barrie thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho biết, với việc loại bỏ các thiết bị thời Liên Xô ra khỏi kho vũ khí của NATO và mang lại chiến thắng cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
Chương trình phục vụ hai ưu tiên của Mỹ trong một chương trình. Đầu tiên, nó giúp đưa sáu quốc gia tách biệt với các thiết bị của Nga – điều có lợi từ một số quan điểm - cắt nguồn tài trợ cho Nga, giúp tương tác với các đồng minh NATO và tăng cường an ninh bằng cách loại bỏ sự cần thiết phải có các nhà thầu quân sự Nga tại các căn cứ của NATO để hỗ trợ thiết bị đó.
Và một ưu tiên khác của chính quyền Trump là gi tăng việc bán các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Mặc dù tài trợ ERIP có thể là một lần bùng nổ cho các quốc gia này, nhưng nó đủ để đưa họ tiến vào một hệ thống cụ thể. Nếu họ mua bốn máy bay trực thăng Mỹ với kinh phí ERIP, họ có thể sẽ tiếp tục mua thêm máy bay trực thăng đó.
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết thiết bị nào đang được xem xét, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London đã chia sẻ với Defense News về các ứng cử viên có khả năng:
Albania - 30 triệu USD cho máy bay trực thăng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác loại máy bay trực thăng Nga nào sẽ được thay thế ở Albania.
Bosnia - 30,7 triệu USD cho máy bay trực thăng. Bosnia vận hành một loạt các máy bay trực thăng do Nga sản xuất, bao gồm máy bay vận tải hạng trung Mi-8 Hip và máy bay trực thăng đa năng Mi-8MTV Hip.
Croatia - 25 triệu USD cho xe chiến đấu bộ binh. Croatia vận hành khoảng 100 xe BV-M-80, được sản xuất tại Nam Tư trong Chiến tranh Lạnh.
Hy Lạp - 25 triệu USD cho xe chiến đấu bộ binh. Hy Lạp có gần 400 xe BMP-1 do Liên Xô sản xuất.
Bắc Macedonia - 30 triệu USD cho xe chiến đấu bộ binh. Quốc gia mới được đổi tên này có một đội xe nhỏ BMP-2 thời Liên Xô.
Slovakia - 50 triệu USD cho máy bay trực thăng. Slovakia vận hành phi đội 17 máy bay trực thăng đa năng Mi-17 Hip H do Nga sản xuất.
Nguyên tắc cốt lõi
Điều quan trọng đối với ERIP là ba ý tưởng: Đầu tiên là việc tài trợ không phải là một kế hoạch gia tăng trong nhiều năm, mà là một đợt tiền mặt được nhắm mục tiêu sẽ đưa quốc gia đối tác tăng 20% khả năng hoạt động ban đầu với vũ khí nhận được từ Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là tiền sẽ được dùng cho nhiều hệ thống, hoàn thiện với khả năng đào tạo và bảo trì cần thiết, để đảm bảo các hệ thống có thể được vận hành trong thực tế.
Thứ hai là một cam kết của quốc gia được chọn rằng họ tránh xa các thiết bị quân sự mới của Nga trong tương lai, điều mà hầu hết các quốc gia được xem xét cho ERIP đã nói. Tuy nhiên, những quốc gia đó không bị cấm mua các mặt hàng cần thiết để duy trì bộ khí tài Nga còn lại.
Và cuối cùng, có một yêu cầu là bất kỳ quốc gia nào chấp nhận tiền thông qua ERIP sẽ khớp số tiền đó với các khoản đầu tư của chính họ, gần bằng với số tiền mà Washington đưa cho họ.
Yêu cầu đó có nghĩa là sẽ có sự liên tục qua lại giữa các nhân viên đại sứ quán về quốc phòng và sáu quốc gia, đảm bảo các bên tương ứng hiểu được những khả năng mà họ nên xem xét. Hiện tại, đã có hai trong số sáu quốc gia đã chính thức gửi thư yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, nhu cầu về việc khớp số tiền giữa Mỹ và các quốc gia đối tác đã dấy lên lo ngại đối với các chuyên gia, trong đó có cả Jim Townsend, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về châu Âu.
Nếu sáu quốc gia đó phải vay tiền để khớp ngân sách với ERIP, nó có thể tạo ra một vòng xoáy nợ cho các nước nghèo hơn, hoặc tạo ra một tình huống một quốc gia có thể vung vãi khoản tiền vay cần thiết cho tương lai, Townsend cảnh báo.
Cả hai nhà phân tích trên cũng cảnh báo rằng các chương trình nâng cấp cần phải phù hợp với các ưu tiên quốc gia mà NATO giao cho mỗi quốc gia.