• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải mã Nga - Mỹ 2019: Tiến thoái lưỡng nan

Thế giới 07/01/2019 13:14

(Tổ Quốc) - Xem xét kỹ hơn cách Nga tiếp cận Mỹ có thể giúp giải thích quỹ đạo mối quan hệ song phương trong tương lai.

Quan hệ Nga với Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất, và năm mới dường như không có đột phá ngay lập tức. Mối quan hệ song phương đã khó khăn trong nhiều năm, nhưng đặc biệt trở nên trầm trọng hơn bởi những cáo buộc về sự liên quan của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Khi cuộc điều tra của Mueller về những cáo buộc này tiếp tục tiết lộ thêm nhiều thông tin trong những tháng tới, sẽ không có nhiều khả năng cải thiện quan hệ chính trị. Gần đây, Thượng viện Mỹ cũng đưa ra 2 báo cáo về việc Nga tìm cách gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử 2016. Tại Washington, chỉ có một số vấn đề kết nối được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có vấn đề Nga.

Tuy nhiên, về phía Moscow, những hành động sau Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái là một trong những điều đáng được chú ý nhất trong năm qua. Trong khi Hội nghị thượng đỉnh này chủ yếu tập trung vào các thỏa thuận thương mại, nó cũng được nhìn nhận về những biểu tượng chính trị. Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine ở biển Azov, đỉnh điểm là sự cố vào ngày 26/11, khi Nga bắt giữ tàu và các thủy thủ Ukraine. Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy một cuộc họp theo lịch trình với Putin, một quyết định mà ông Putin nói rằng chỉ biết được thông qua Twitter. Tuy nhiên, trong khi việc hủy bỏ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo rõ ràng là một sự lạnh nhạt chính trị, thì phản ứng của ông Putin đã tiết lộ nhiều điều về cách Nga nhìn nhận vị trí của mình trên thế giới.

Giải mã Nga - Mỹ 2019: Tiến thoái lưỡng nan - Ảnh 1.

Nga muốn được công nhận vị thế toàn cầu. (Ảnh minh họa: Getty/AFP)

Theo Emily Ferris – cây viết của Viện nghiên cứu Rusi, ông Putin ít quan tâm đến thực tế rằng cuộc họp đã bị hủy bỏ, mà khó chịu hơn bởi cách thức mà tin tức này được truyền tải tới ông, thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Đây được coi là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng nghiêm trọng. Phát ngôn viên của Kremlin, Dmitry Peskov, lưu ý rằng phía Nga đã không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về tình trạng cuộc họp. Rõ ràng là Nga coi các hành động của Hoa Kỳ là một sự xúc phạm, chứ không phải là hành vi của một quốc gia xem Nga ngang hàng.

Sau G20, ông Putin đã tổ chức một cuộc họp báo nơi ông trả lời các câu hỏi của các nhà báo, và có một khoảnh khắc đặc biệt nổi bật. Một nhà báo đã nói tới một bộ phim Mỹ trong đó một tổng thống Nga đã bị bắt làm con tin tại một căn cứ quân sự ở Bắc Cực của Nga trong một cuộc đảo chính. Nhà báo này lưu ý rằng, trong phim trên, tổng thống Nga đã được chỉ huy của một tàu ngầm Mỹ giải cứu. Ông Putin đáp trả rằng tàu ngầm Mỹ không có khả năng xâm nhập một cơ sở quân sự của Nga.

Emily Ferris cho rằng, định vị mà động thái trên muốn thể hiện là Nga cũng cho thấy sự coi thường đối với Mỹ. Trong khi những lời chỉ trích của Nga về Mỹ không phải là mới, thì rất hiếm khi ông Putin có phát biểu như vậy, và có thể cho thấy rằng ông ấy ngày càng thất vọng hơn trước những hành động của ông Trump.

Nga giữa thế khó

Cây viết này cũng cho rằng, Nga đang bị kẹt giữa một mong muốn nghiêm túc về sự công nhận chính trị từ phương Tây và cảm giác thất vọng về việc không thể đạt được mục tiêu này. Vladislav Surkov, một phụ tá cao cấp của Kremlin, vào tháng 4 năm 2018 đã có một bài viết trên tạp chí Toàn cầu Nga với tựa đề: Sự cô đơn của một nửa dòng máu. Surkov là một người có ảnh hưởng đáng kể đối với môi trường chính trị trong nước của Nga, và vì vậy bài viết này, theo nhiều cách, phản ánh cách các quan chức Nga nhìn nhận về vị thế địa chính trị của Nga. Mặc dù bài báo của Surkov có khả năng là phản ứng trước việc Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt vài ngày trước đó đối với một số quan chức và doanh nhân Nga có quan hệ với ông Putin, nhưng về cơ bản, cách nhìn của ông Surkov cũng phần nào phản ánh ranh giới của mối quan hệ giữa Nga với phương Tây và dấy lên câu hỏi rằng mối quan hệ này có thể đi bao xa.

Surkov khẳng định rằng, lời đề nghị của Nga hướng đến phương Tây và các tổ chức của họ đã kết thúc, đồng thời tuyên bố rằng, "cô đơn" sẽ không có nghĩa là sự cô lập hoàn toàn về ngoại giao. Ông lưu ý về tầm quan trọng của Nga trong việc thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư từ phương Tây. Việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài luôn quan trọng đối với Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dù vậy, vẫn có thể thấy rằng lập trường trên cho thấy việc Nga vỡ mộng với phương Tây. Phía Nga cho rằng phương Tây và Hoa Kỳ nói riêng luôn tìm cách can thiệp vào các quá trình chính trị ở Đông Âu và các cấu trúc như NATO đang củng cố quân đội và đưa khí tài tới gần biên giới Nga. Nhưng đồng thời, Nga rất mong muốn sự thừa nhận của phương Tây về vai trò quan trọng của Nga trong các vấn đề toàn cầu.

Chúng ta đang đi đâu?

Kể từ khi Liên Xô tan rã, chủ đề về mối quan hệ ngoại giao của Nga và phương Tây luôn là một trong những vòng xoáy thăng trầm dữ dội. Nga đã xem cái gọi là các cuộc cách mạng màu ở Gruzia và Ukraine vào đầu những năm 2000 là những hoạt động được tài trợ hoặc ít nhất là được phương Tây và Mỹ ủng hộ mạnh mẽ - điều đánh dấu một thời kỳ mất lòng tin nghiêm trọng song phương. Bài phát biểu của ông Putin 2007 tại Hội nghị An ninh Munich, khi ông Putin chỉ trích mạnh mẽ Mỹ vì đã phá hoại sự ổn định toàn cầu và can thiệp vào các vấn đề khác của các quốc gia khác, được xem là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Nga - Mỹ.

Nhưng Nga không bị cô lập về mặt ngoại giao, và kỷ nguyên của hệ tư tưởng Chiến tranh Lạnh đã qua. Nga hiện đang gắn bó với nền kinh tế toàn cầu, điều được minh chứng bởi tác động ngay lập tức đối với giá nhôm toàn cầu vào tháng 4 năm 2018, khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt Oleg Deripaska, chủ sở hữu của Rusal, một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Bất chấp những hành động mạnh mẽ của Nga đã làm gia tăng căng thẳng với phương Tây, Nga không thể bị đẩy ra khỏi vòng xoay chính trị và phương Tây cũng không thể thúc đẩy được điều đó.

Ngoài cuộc điều tra do công tố viên Mueller dẫn đầu đang diễn ra ở Mỹ, còn nhiều vấn đề nổi cộm sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nga – Mỹ trong năm tới, bao gồm các cáo buộc của Mỹ rằng Nga vi phạm hiệp ước Lực lượng hạt nhân trung cấp (INF); việc giam giữ một công dân Nga tại Mỹ vào tháng 7 năm 2018 với cáo buộc gián điệp; và việc Nga gần đây bắt giữ một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ. Hoa Kỳ và Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm lẫn nhau trong suốt năm 2019, và sẽ chưa có khả năng có bất kỳ không gian nào cho việc cải thiện quan hệ chính trị.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ