(Tổ Quốc) -Đối với tỉnh Quảng Bình, hiện nay có 3 di sản văn hóa phi vật thể của các đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) được công nhận, do vậy việc đánh giá thực chất và có những phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS được ngành văn hoá xác định rõ ràng và triển khai những kế hoạch cụ thể để phát huy giá trị cốt lõi đặc biệt là giá trị của các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS…
Thực trạng công tác bảo tồn các lễ hội của đồng bào DTTS
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình thì toàn tỉnh có các lễ hội Đập trống của người Ma – Coong, Lễ hội Trỉa lúa và Lễ hội mừng cơm mới của người Bru – Vân Kiều là những bức tranh sinh động về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình. Đây là những nét văn hóa độc đáo và tiêu biểu của đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay.
"Di sản văn hóa phi vật thể có thể tạo ra thu nhập và công việc bền vững cho nhiều cá nhân và cộng đồng, bao gồm người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương". Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các DTTS thực sự là động lực cho phát triển bền vững thì cần đặc biệt chú trọng một cách toàn diện đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các Lễ hội truyền thống của đồng bào nơi đây để cộng đồng có di sản, thực hành và phát huy di sản có được thu nhập, có đời sống ổn định, bền vững từ di sản của họ.
Ông Trần Quốc Hội, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình
Lễ hội đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều và có ảnh hưởng lớn đến các cư dân thuộc các nhóm tộc người khác ở địa phương, từ lâu đã trở thành lễ hội văn hóa của các tộc người sống chung trên địa bàn. Thể hiện bản sắc văn hóa của tộc người, chứa đựng niềm tin và ước vọng vươn lên của đồng bào, góp phần cố kết cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.
Lễ hội Đập trống của người Ma - Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch được tổ chức với ý nghĩa cầu trời, đất cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được tổ chức với ý nghĩa hạt giống được cất giữ trong chiếc gùi của người Bru – Vân Kiều hàng năm, khi đem ra trỉa xuống đất, bản làng cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở, chắc hạt, nặng bông để đồng bào thu hoạch mùa màng bội thu. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 12 tháng 7 âm lịch.
Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy được tổ chức nhằm để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. Lễ hội thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm.
Trong khuôn khổ Dự án 06 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, Ngành VH-TT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các hoạt động bảo tồn như: Trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, kỹ năng tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị cho cán bộ, hạt nhân văn hóa và nghệ nhân, đồng bào DTTS các địa phương xã Trường Sơn, xã Thượng Trạch nơi có các Lễ hội truyền thống tiêu biểu; Xây dựng kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch…
Một số giải pháp bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu
Ông Trần Quốc Hội, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Để bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Bình cần triển khai thực hiện tốt các quy định, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) phải triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Mặt khác, chúng ta cần có những chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Chú trọng đến chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đồng bào DTTS, chính sách hỗ trợ đối với các CLB nghệ thuật dân gian truyền thống; chính sách hỗ trợ trong công tác đón nhận, tổ chức vinh danh các di sản được ghi danh; chính sách bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số;…
Cần đầu tư để nâng tầm lễ hội (cả phần lễ và phần hội), đặc biệt là phần hội trong Lễ hội Mừng cơm mới và Lễ hội Trỉa lúa; cần củng cố yếu tố thiêng - yếu tố cốt lõi trong lễ hội, để lễ hội thực sự là điểm thiêng, điểm thăng hoa của cả cộng đồng thu hút ngày càng đông đồng bào và du khách thập phương tham gia mỗi lần lễ hội được tổ chức.
Để có được những điều đó cần thực hiện hài hòa giữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các lễ hội; cần đa dạng hóa công tác phát huy giá trị của các di sản, trong đó tiếp tục bảo tàng hóa lễ hội, sân khấu hóa lễ hội… để nhiều người biết đến các lễ hội tiêu biểu của đồng bào hơn, các giá trị lễ hội được phát huy, lan tỏa hơn trong đời sống. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc một cách thường xuyên, sâu rộng. Và yếu tố nữa không thể thiếu là phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đối với việc bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.