• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải pháp chống xâm phạm bản quyền trong môi trường số: cần liên kết giữa các quốc gia

Văn hoá 27/11/2018 17:42

(Tổ Quốc) - Trước thực tế các dịch vụ trên mạng đang lấn át các dịch vụ có bản quyền trong môi trường số, thiết nghĩ, các quốc gia cần phối hợp thực thiện các biện pháp ngăn chặn thì mới đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian vừa qua, Cục Bản quyền tác giả (Việt Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, hội thảo để học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, hợp tác trong thực thi bản quyền tác giả ở Việt Nam. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc hợp tác, liên kết giữa các quốc gia để bảo vệ quyền tác giả các quyền liên quan càng cần thiết.

Vi phạm bản quyền… chuyện không của riêng ai

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), các diễn đàn, hội thảo giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian vừa qua được tổ chức để đánh giá thực trạng bảo hộ bản quyền tại Việt Nam, việc thực thi pháp luật về bản quyền cũng như học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản- những quốc gia phát triển vượt trội về công nghiệp văn hóa, bản quyền.

Giải pháp chống xâm phạm bản quyền trong môi trường số: cần liên kết giữa các quốc gia - Ảnh 1.

Cục Bản quyền tác giả (Việt Nam) hợp tác tổ chức Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan với Nhật Bản

Theo ông Hùng, hệ thống khung pháp lý về bản quyền của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lỗ hổng. Quá trình thực thi, bảo đảm quyền tác giả còn yếu, các biện pháp xử phạt vi phạm không đủ mạnh.

Những khó khăn, tồn tại này cần sớm được khắc phục bằng việc bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; tăng cường giám sát cũng như năng lực quản lý để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan."Làm thế nào để thực thi hiệu quả những chính sách pháp luật, đẩy lùi thách thức về xâm phạm bản quyền vẫn là một bài toán đang đặt ra, đặc biệt trên môi trường số và Internet", ông Hùng nói.

Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam trước những thách thức của vấn nạn xâm phạm bản quyền, đặc biệt trên môi trường số, Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc Lim Won Seon cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều câu hỏi cho câu chuyện bản quyền ở bất kỳ quốc gia nào. "Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo... cũng đang khiến chúng ta hoang mang không biết phải xử lý ra sao. Bảo hộ bản quyền cần phải làm gì để ứng phó với thời đại này? Đây là câu hỏi mà không chỉ Cục Bản quyền tác giả Việt Nam mà cả Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm câu trả lời...", ông Lim Won Seon chia sẻ.

Đội trưởng Đội Thương hiệu bản quyền thuộc Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc, ông Kim Chan Dong cho rằng, hiện nay Hàn Quốc và Việt Nam đều đang gia tăng hiện tượng lan tràn các kênh phân phối, sao chép bất hợp pháp trên mạng kỹ thuật số. Tốc độ phát triển công nghệ ngày càng tăng nhanh khiến cho khoảng cách giữa thực tế về bản quyền với các quy định pháp luật liên quan ngày càng xa. Để ứng phó với vấn đề vi phạm bản quyền trong thời đại 4.0, từ năm 2015, Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng phương án chính sách về bản quyền trong tương lai; vận hành nhóm nghiên cứu về bản quyền và nghiên cứu ứng phó với sự thay đổi của công nghệ.

Ông Akihiko NODA, Phó Trưởng phòng, Cục Bản quyền Nhật Bản (Tổng cục Văn hóa Nhật Bản) chia sẻ: "Việt Nam cũng như Nhật Bản đều vấp phải một khó khăn lớn là vấn nạn lan tràn các ấn phẩm lậu, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, ai cũng sẵn có một chiếc smart phone hay thiết bị thông minh khác trong tay. Bản quyền là "quyền vô hình" và có ở khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày. Trong quá trình sử dụng và vi phạm bản quyền, có người biết được mình đang vi phạm nhưng lại có cá nhân hoàn toàn không hay biết. Điều đó khiến cho vấn nạn này ngày càng thêm nghiêm trọng".

Giải pháp chống xâm phạm bản quyền trong môi trường số: cần liên kết giữa các quốc gia - Ảnh 2.

Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn Bản quyền

Làm gì để bảo hộ bản quyền thời 4.0?

Tại Nhật Bản, ông Akihiko NODA, việc sử dụng ấn phẩm lậu đang đẩy lùi sự phát triển văn hóa. Trong môi trường hiện nay, không một quốc gia nào có thể tự "chiến đấu" với vấn nạn vi phạm bản quyền. Cần sự hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam- Nhật Bản.

"Các quốc gia không thể đơn độc trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này. Việt Nam hay Nhật Bản đều cần có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin đang bùng nổ và xuất hiện vô vàn các cách thức xâm phạm bản quyền, phân phối tác phẩm dưới hình thức lậu xuyên biên giới…", ông Akihiko NODA nhấn mạnh.

Ông NODA cũng cho biết, Nhật Bản đã hợp tác với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… để chống lại nạn vi phạm bản quyền trong môi trường số.

Con tại Diễn đàn Bản quyền giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Chan Dong đề xuất Hàn Quốc và Việt Nam cần tăng cường hợp tác đào tạo, quảng bá về bảo vệ bản quyền; xây dựng hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ. Đồng thời cần tạo dựng môi trường khai thác tác phẩm thông qua hợp tác với Tổ chức quản lý tập trung bản quyền (CMOs)./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ