• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải pháp nào để “trị” HDV du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui”?

Du lịch 06/10/2017 08:07

(Tổ Quốc) - Sở Du lịch Đà Nẵng triển khai vận động các đơn vị vận chuyển lắp đặt camera quan sát trên xe vận chuyển du lịch để quản lý và trích xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh kiểm tra khi có yêu cầu…

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh các số báo trước, sau khi nhận đơn kiến nghị của tập thể hướng dẫn viên (HDV) Hoa ngữ tại Đà Nẵng về việc đề nghị xử lý HDV du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui” tại địa bàn. Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về việc này.

Ngoài các vấn đề đã nêu trong các số báo trước, hiện nay việc quản lý, chấn chỉnh triệt để vấn nạn HDV du lịch người Trung Quốc hoạt động trái phép vẫn đang lúng túng, gặp nhiều khó khăn…

Khó thu thập chứng cứ để làm cơ sở xử lý!

Theo ông Trần Chí Cường, Phó GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng, về công tác quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, với mô hình kinh doanh tour du lịch giá rẻ là đặc thù của thị trường khách Trung Quốc theo cơ chế kinh tế thị trường, có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Chính quyền một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang lúng túng, chưa có giải pháp để quản lý, chấn chỉnh triệt để vấn nạn này (Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Châu Âu và kể cả ngay tại Trung Quốc...).

Với nhân lực Thanh tra của Sở Du lịch còn hạn chế về số lượng và phương tiện hỗ trợ nghiệp vụ, đặc thù thị trường rộng lớn và tương đối phức tạp, biến chuyển liên tục về hoạt động, sử dụng nhiều hình thức tinh vi cộng với sự kết hợp, móc nối giữa doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và nhân viên lái xe để tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động trái phép.

“Do đó việc giám sát và thu thập chứng cứ vi phạm pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, hành vi hoạt động trái phép diễn ra vào thời điểm ngoài giờ làm việc của lực lượng chức năng hoặc diễn ra trên xe vận chuyển, do đó khó tiếp cận thu thập chứng cứ để làm cơ sở xử lý. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân doanh nghiệp lữ hành, HDV chưa thực sự tích cực trong việc phối hợp trao đổi thông tin với Sở Du lịch và cơ quan chức năng trong việc gìn giữ môi trường du lịch”, ông Cường cho biết.

Đoàn khách du lịch Trung Quốc tham quan Chùa Linh Ứng, Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Theo Phó GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện toàn thành phố với số lượng hơn 3.000 HDV, trong đó có 623 HDV tiếng Trung được cấp thẻ. Số lượng HDV tham gia Câu lạc bộ HDV Đà Nẵng còn hạn chế, đồng thời, Câu lạc bộ chưa đủ khả năng để đại diện, giải quyết quyền lợi cho HDV.

Câu lạc bộ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tham gia với tinh thần tự nguyện, do đó, các HDV có xu hướng tự sinh hoạt theo nhóm, theo ngôn ngữ, chưa có quy định quản lý rõ ràng.

Theo Luật Du lịch 2005, HDV được cấp thẻ có thể hoạt động toàn quốc, không thuộc trách nhiệm quản lý của bất kỳ đơn vị nào, do đó công tác quản lý HDV trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Luật Du lịch mới có hiệu từ ngày 01/01/2018 quy định HDV phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

“Do đó, công tác quản lý HDV sẽ chặt chẽ hơn, Sở Du lịch sẽ sớm triển khai làm việc với doanh nghiệp lữ hành, HDV phổ biến, triển khai Luật Du lịch mới để từng bước đưa hoạt động hướng dẫn viên đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật”, ông Cường cho hay.

Đề xuất lắp camera trên xe vận chuyển du lịch

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, ông Trần Chí Cường đưa ra một số giải pháp. Theo ông Cường, Sở sẽ phối hợp Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng nghiên cứu, tham mưu Bộ GTVT và Bộ VHTTDL bổ sung tiêu chí lắp đặt camera để thẩm định cấp biển hiệu xe vận chuyển phục vụ khách du lịch. Đồng thời, triển khai vận động các đơn vị vận chuyển lắp đặt camera quan sát trên xe vận chuyển du lịch để quản lý và trích xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh kiểm tra khi có yêu cầu (trong tháng 9-10/2017).

Phối hợp với Công an thành phố xử lý các nội dung cần sự phối hợp của các ngành (quản lý tạm trú, tạm vắng người nước ngoài, thị thực nhập cảnh…) theo đơn kiến nghị của tập thể hướng dẫn viên Hoa ngữ Đà Nẵng.

Ông Trần Chí Cường, Phó GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng: " Sở Du lịch sẽ sớm triển khai làm việc với doanh nghiệp lữ hành, HDV phổ biến, triển khai Luật Du lịch mới để từng bước đưa hoạt động hướng dẫn viên đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật". Ảnh: Đức Hoàng

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch. Đồng thời phối hợp với Công an thành phố, Thanh tra Giao thông và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh triển khai kiểm tra thí điểm đoàn khách Trung Quốc của một số công ty lữ hành tại khu điểm để phát hiện và xử lý các trường hợp người nước ngoài được hợp thức hóa vào danh sách đoàn khách nhằm mục đích hoạt động trái phép.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục mời chuyên gia Trung Quốc có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đến Đà Nẵng để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên tiếng Trung. Yêu cầu Câu lạc bộ lữ hành khai thác khách thị trường Hoa ngữ, Chi hội HDV Đà Nẵng có giải pháp quản lý, nâng cao năng lực trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ hướng dẫn viên.

Ngoài ra, tổ chức gặp mặt doanh nghiệp lữ hành, HDV để phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Du lịch mới về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên. Tổ chức đối thoại chuyên đề 3 bên gồm cơ quan quản lý nhà nước (Sở Du lịch, Công an thành phố…), doanh nghiệp lữ hành, Chi hội Hướng dẫn viên và đại diện cộng đồng hướng dẫn viên Hoa ngữ để trao đổi, phản biện các vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định quyền lợi cho doanh nghiệp và HDV”, ông Cường nhấn mạnh và cho biết tiếp tục có văn bản đề nghị các công ty lữ hành không sử dụng người nước ngoài tham gia phiên dịch và hướng dẫn du lịch; có văn bản đề nghị Chi hội HDV Đà Nẵng tuyên truyền để cộng đồng HDV tham gia tích cực trong việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho Sở Du lịch để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ