(Tổ Quốc) - Đây là quan điểm của nhà thơ Anh Ngọc trả lời báo điện tử Tổ Quốc về Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh…
- 17.02.2017 Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn
- 23.02.2017 Khi xét duyệt giải thưởng, chúng ta cần có sự xem xét toàn diện
- 24.02.2017 Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ về công tác xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”
- 02.03.2017 Thủ tướng giao Bộ VHTTDL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
- 03.03.2017 Khẩn trương tham mưu sửa những điểm chưa phù hợp trong việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh
- 21.04.2017 Thêm 7 tác giả được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Nhà thơ Anh Ngọc (ảnh: NVCC) |
PV: Trong số các nhà văn, nhà thơ được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (VHNT) năm nay có nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn. Đây cũng là hai nhà thơ trong số nhiều văn nghệ sĩ nằm trong danh sách được xét tặng bổ sung đợt sau. Theo ông thì việc xét tặng bổ sung này nói lên điều gì?
Nhà thơ Anh Ngọc: Việc hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lần này thuộc danh sách xét bổ sung (lần đầu chưa có tên) theo tôi nghĩ là một việc bình thường, nhưng dễ dàng nhận thấy là nó cũng nói lên vài điều: trước hết, trong lần quyết định đầu tiên (mà trước nay thường chỉ có một lần như thế mà thôi) những người trong các Hội Đồng bình xét đã có phần thiếu chính xác, chủ quan và nhất là bị ràng buộc vì một vài quy định không hợp lý. Điều thứ hai là, nhờ có các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, đông đảo công chúng đã nói lên được cách đánh giá của mình và mừng nhất là cuối cùng các cấp có thẩm quyền đã biết lắng nghe dư luận, mạnh dạn sửa những bất cập… để cuối cùng có quyết định bổ sung rất hợp lý và kịp thời. Đặc biệt trong các cấp có thẩm quyền thì có những cấp cao nhất như các vị đứng đầu Chính Phủ đã rất thực sự cầu thị, thực sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của số đông công chúng, đó là một điều rất đáng hoan nghênh.
PV: Thưa nhà thơ Anh Ngọc, có ý kiến cho rằng, phần thưởng lớn nhất của người cầm bút là được công chúng nhớ đến tác phẩm, bất chấp thời gian. Ý kiến của nhà thơ như thế nào?
Nhà thơ Anh Ngọc: Không sai. Đó là phần thưởng vô giá và chính xác nhất. Nhưng nhìn ra sự đánh giá đó nhiều khi cũng không dễ dàng vì rất trừu tượng, không thể nhãn tiền như sự đánh giá có bằng chứng cụ thể như sự bỏ phiếu của các cá nhân và tập thể. Vì vậy nếu được sự công nhận của những tổ chức và cá nhân cụ thể, nhất là những người đó lại có uy tín trong giới Văn học nghệ thuật, có nhãn quan chính xác và thực sự công tâm thì dĩ nhiên là rất tốt. Hơn nữa, những sự công nhận mang tính pháp quy của xã hội, nhất là ở cấp rất cao như Giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh dĩ nhiên là sự vinh danh lớn, không thể nói cách nào khác. Tất nhiên, điều quan trọng là cách tổ chức xét Giải phải chính xác và công tâm, không để lọt vào những tệ nạn như thiên vị, móc ngoặc hay chạy chọt v.v….
PV: Nhưng lại có một thông tin cho rằng “điều kiện” để nhà văn, nhà thơ được hiện diện trong “Bảo tàng Văn học Việt Nam” là phải có Giải thưởng Nhà nước về VHNT trở lên. Ông có đồng tình với “điều kiện” này không, vì sao?
Nhà thơ Anh Ngọc: Hình như là thế. Tôi nghĩ Bảo tàng Văn học có nhiệm vụ lưu giữ các kỷ vật, hình ảnh… về các hoạt động lịch sử của nền Văn học nước nhà từ xưa đến nay, với sự hiện diện thành từng khu vực riêng của các cá nhân nhà văn, thì họ cũng phải ưu tiên cho những tác giả có cống hiến được công nhận một cách chính quy trước đã, điều đó cũng hợp lý, vì số lượng Hội viên Hội nhà văn rất đông, khó có thể có hàng ngàn vị trí trưng bày riêng được… Tuy nhiên, có thể có những nhà văn không hoặc chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng có những kỷ vật bổ ích gắn với những chất liệu có thể tôn vinh hoạt động Văn học nghệ thuật thì cũng cần được lưu giữ và trưng bày, tôi nghĩ vậy.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn (ảnh TL) |
PV: Cùng là người cầm bút, theo ông thì Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT này có ý nghĩa như thế nào với sự nghiệp thơ ca của hai cố nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn?
Nhà thơ Anh Ngọc: Với hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn đã quá cố thì rõ ràng mọi tôn vinh của hôm nay chỉ là việc của chúng ta, những người đang sống mà thôi. Nhưng điều đó vẫn rất quan trọng, vì nó xác định giá trị các tác phẩm của người đã khuất một cách công bằng, nó khích lệ những người làm Văn học nghệ thuật hôm nay và mai sau, nó an ủi động viên những người thân và bạn bè, đồng nghiệp của các anh chị, nó chứng minh rằng đất nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao đóng góp của các thế hệ Văn nghệ sĩ đi trước cho sự nghiệp Văn học nghệ thuật nước nhà.
PV: Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT dành cho nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Xuân Quỳnh năm nay có ý nghĩa như thế nào đối với nền VHNT nước nhà?
Nhà thơ Anh Ngọc: Như đã nói ở trên, việc sau khi đã có quyết định ban đầu về danh sách các nhà văn, nhà thơ trúng Giải, nhưng khi nghe thấy dư luận chưa tán đồng và có những bức xúc chính đáng vì những thiếu sót - như việc thiếu vắng nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh - các cơ quan có thẩm quyền đã kiên quyết xem xét và bổ sung thêm là một việc làm chưa có tiền lệ, rất đáng hoan nghênh. Vì vậy, với việc này, tôi nghĩ các nhà hoạt động VHNT nước ta sẽ có thêm niềm tin vào việc tổ chức xét Giải thưởng của các cơ quan có thẩm quyền của chúng ta, và tin rằng từ nay việc xét Giải sẽ được tiến hành kỹ lưỡng, công tâm và hợp lý hơn, để Giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh sẽ ngày càng có uy tín hơn trong lòng công chúng.
* Cảm ơn nhà thơ!
Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc (Nghệ An). Ông từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Những tác phẩm đã in của nhà thơ Anh Ngọc bao gồm: Hương đất màu cờ, Ngàn dặm và một bước, Sông Mê Kông bốn mặt, Điệp khúc vô danh, Thơ tình rút từ nhật ký, Sông núi trên vai, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi, Ba cuộc đời một trái bóng, Nhớ thế kỷ hai mươi, Trò chuyện với mưa xuân…
Nhà thơ đã đoạt giải A cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, giải thưởng văn học Sông Mê Kông, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.
Hiền Nguyễn (thực hiện)