(Tổ Quốc) - “Sau khi có báo cáo, Sở đã có văn bản báo cáo với thành phố hướng giải quyết và hướng khắc phục những vi phạm này. Hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố”, tân Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết.
- 12.10.2018 Dân tiếp tục bao vây nhà máy thép
- 07.10.2018 Lãnh đạo nhà máy thép nói gì về kết luận thanh tra?
- 02.10.2018 Số phận nào đối với hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc?
- 23.06.2018 Đà Nẵng thanh tra hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường
- 26.03.2018 Đà Nẵng cho “nhà máy thép gây ô nhiễm” hoạt động trở lại trong 6 tháng
Sáng 6/11, Chương trình Hội đồng Nhân dân với cử tri lần thứ 4 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung.
Tại Chương trình, liên quan đến vấn đề của hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana – Úc (đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) thời gian qua người dân liên tiếp bao vây, ngăn cản không cho nhà máy hoạt động sản xuất vì cho rằng ô nhiễm và muốn rõ ràng "dân di dời hoặc nhà máy di dời", ông Nguyễn Nho Trung đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói rõ tiến độ xử lý hai nhà máy Dana – Ý, Dana – Úc như thế nào? Khi nào có thể kết thúc việc này?.
Chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố!
Nói về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Thực hiện kết luận Thanh tra ngày 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những việc liên quan tới chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó xử lý vi phạm liên quan tới môi trường.
"Sở đã có báo cáo ngày 30/10 liên quan đến việc xử lý ô nhiễm hai nhà máy Dana – Úc, Dana – Ý. Đối với nhà máy Dana - Úc bị vi phạm 4 hành vi, Dana - Ý vi phạm 3 hành vi (đã có báo cáo cụ thể). Trong xử lý vi phạm thì thực hiện theo Nghị định 115/2016, trong đó liên quan những hành vi mà hai nhà máy vi phạm thì tinh thần là xử phạt với số tiền tương ứng, đồng thời tạm dừng hoạt động trong 6 tháng. Tuy nhiên, trong 6 tháng nếu hai nhà máy khắc phục được những vấn đề vi phạm thì có thể cho phép hoạt động lại được", ông Hùng nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Theo ông Hùng, sau khi có báo cáo, Sở đã có văn bản báo cáo với thành phố hướng giải quyết và hướng khắc phục những vi phạm này. Hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về vấn đề này.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết, ô nhiễm môi trường hai nhà máy thép nó cũng là một trong những vấn đề đặt ra hiện nay đối với những nhà máy khác tại khu công nghiệp Liên Chiểu, chứ không riêng gì hai nhà máy thép này. Và vi phạm chủ yếu hiện nay vẫn là câu chuyện khoảng cách cách ly (khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư - PV). Theo quy chuẩn thì khoảng cách ly này quy định rất khắt khe, đặc biệt đối với các cơ sở nguy hại thì khoảng cách ly phải từ 500-1.000 mét.
"Tuy nhiên, vừa rồi nghiên cứu một số quy chuẩn thì có một nội dung thế này: Nếu khi có điều kiện che chắn thuận lợi, có biện pháp khử chất độc hại và đảm bảo thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giảm bớt kích thước khoảng cách ly. Điều đó có nghĩa rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta rất khó để giải quyết câu chuyện để đảm bảo khoảng cách ly theo quy chuẩn, bởi lẽ đô thị phát triển thì luôn luôn là như thế. Chúng ta thử hỏi đặt ra, nếu đảm bảo khoảng cách ly từ 500-1.000 mét thì lấy đâu ra đất để phát triển đô thị?, trong khi đó quy chuẩn thì ghi rất rõ trong điều kiện mà anh có thể ứng dụng những công nghệ mà có thể khử chất độc, đảm bảo được các tiêu chuẩn xả thải về ô nhiễm môi trường thì các cơ quan chức năng có thể xem xét để giảm khoảng cách ly này", ông Hùng nói.
Khoảng cách giữa nhà máy và nhà dân quá gần nhau. Ảnh: Đức Hoàng
Theo ông Nguyễn Nho Trung, cần phải dứt điểm chỗ này, không để kéo dài. "Nếu để kéo dài thì ảnh hưởng nhiều lắm, người dân thì suốt ngày cho rằng dân đi hay dân ở, còn doanh nghiệp nói sản xuất không được, phải trả lãi suất cho ngân hàng, lo cho công nhân. Chúng ta cũng thấy được nỗi niềm của doanh nghiệp khi người ta phải dừng sản xuất như thế này. Nên tôi đề nghị sớm có giải pháp, phải dứt điểm trên cơ sở đảm bảo quy định, vận dụng làm sao đó hài hòa lợi ích của nhà nước, của nhân dân, của doanh nghiệp. Và báo cáo việc này trước kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2018", ông Trung nói.
Trong lúc đó, đại diện VCCI có ý kiến rằng "sớm dứt điểm" là bao lâu (cần có thời gian cụ thể) chứ một ngày dừng hoạt động sản xuất thì doanh nghiệp họ thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch Đà Nẵng: "Chúng ta giải quyết một hậu quả cực kỳ khó khăn liên quan đến hai nhà máy thép"
Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Một số vi phạm của nhà máy đã tiến hành xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật. Sai phạm của các cơ quan tham mưu cũng như UBND thời kỳ trước về việc cấp phép không đúng cũng sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Thơ, vấn đề lớn nhất đặt ra của nhà máy thép hiện nay là gì? Tất cả các sai phạm của họ liên quan đến vấn đề xử lý chất thải, chất thải rắn, xử lý khói thải ra và tiếng ồn thì có vi phạm. Nhưng nếu như nhà máy được đặt trong khu vực được quy hoạch đầy đủ, quy hoạch đúng chuẩn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Người dân vây nhà máy thép Dana - Ý vào ngày 12/10 vừa qua. Ảnh: Đức Hoàng
"Cái sai của chúng ta là đặt nhà máy, bố trí nhà máy bên cạnh khu dân cư. Khu dân cư đó chúng ta cũng đã có cam kết giải tỏa nhưng cuối cùng chúng ta không giải tỏa, để dân tiếp tục làm nhà, càng ngày càng tiến sát gần nhà máy", ông Thơ nhấn mạnh và cho biết khi cơ quan chức năng kết luận xử phạt nhà máy và có thể tiến tới tạm dừng hoạt động chứ chưa đủ cơ sở để đóng cửa nhà máy, chỉ dừng hoạt động để người ta khắc phục thời gian từ 3-6 tháng.
"Vấn đề đặt ra là khi họ khắc phục xong rồi người ta có hoạt động được hay không? Với lại cự ly cách khu dân cư chỉ mấy chục mét như vậy thì ai bảo đảm rằng nhà máy sẽ được hoạt động và để họ tiếp tục khắc phục. Đó là dấu hỏi lớn đặt ra. Khi nhà máy khắc phục hoàn toàn về vấn đề môi trường từ 3-6 tháng thì chính quyền địa phương có vận động nhân dân để họ tiếp tục hoạt động sản xuất hay không?
Chúng tôi đã giao cho anh Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch) chỉ đạo vấn đề này, nhưng thời gian sau này đề nghị thêm anh Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch) giúp thêm, cùng với các sở ban ngành để có câu trả lời cho thỏa đáng.
Sắp tới, vấn đề quy trình vẫn thực hiện tức là vẫn phải xử phạt theo đúng pháp luật và có thể tiến tới ra quyết định tạm dừng hoạt động để khắc phục. Nhưng câu hỏi sắp tới là câu hỏi mà các sở ban ngành, cơ quan chức năng và kể cả cơ quan cao hơn cũng phải nghiên cứu để giải quyết rốt ráo vấn đề này, chứ không để kéo dài mãi mãi được. Chúng ta giải quyết một hậu quả cực kỳ khó khăn liên quan đến hai nhà máy thép", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.