• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Giằng co” Mỹ-Trung, Bắc Kinh bắt đầu tung đòn trả đũa?

Thế giới 24/03/2018 16:00

(Tổ Quốc) - Trung Quốc có thể nhắm tới đậu tương, ô tô và máy bay từ Mỹ, trong các biện pháp trả đũa quyết định áp thuế của Tổng thống Trump.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm thứ Bảy (24/3), Phó Thủ tướng nước này, ông Lưu Hạc tuyên bố, Mỹ đã coi thường các luật lệ thương mại khi tiến hành cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ, và Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của mình.

Cuộc điện thoại giữa ông Mnuchin và ông Lưu là sự kiện liên lạc cấp cao nhất giữa hai chính phủ kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các kế hoạch áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc trị giá tới 60 tỷ USD ngày 22/3 vừa rồi.

Theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một chuyên gia kinh tế từng được đào tạo tại Đại học Harvard, đã nói với Bộ trưởng Mnuchin rằng, Trung Quốc vẫn hy vọng cả hai bên sẽ duy trì sự “sáng suốt” và cùng nhau giữ cho mối quan hệ thương mại song phương được ổn định.

Trong khi đó, Washington tỏ ra lo ngại trước những hành động được coi là không phù hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sau cuộc điều tra kéo dài 8 tháng theo Điều khoản 301 của Bộ luật Thương mại Mỹ năm 1974. Washington cũng thúc ép Trung Quốc cắt giảm mức thặng dư thương mại lên tới 375 tỷ USD với Mỹ. 

Ông Lưu Hạc khẳng định, bản báo cáo điều tra theo Điều khoản 301 là “vi phạm các luật lệ thương mại quốc tế và không có lợi cho cả Trung Quốc, Mỹ và thế giới”.

“Trung Quốc đã chuẩn bị và có sức mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình,” ông nói.

Trung Quốc đã chuẩn bị và sẵn sàng đối phó

Bắc Kinh đã cho thấy sự sẵn sàng trả đũa của mình khi hôm thứ Sáu (23/3) đưa ra các kế hoạch áp thêm thuế lên 3 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu vào nước này từ Mỹ, bao gồm cả hoa quả và rượu.

Các biện pháp trên được coi là đòn đáp trả cho việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm – bắt đầu có hiệu lực cũng từ ngày 23/3. Theo tờ Thời đại Hoàn Cầu của Trung Quốc, Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu xem xét các biện pháp trả đũa.

“Chúng tôi tin, đó chỉ là một phần trong các đòn đối phó của Trung Quốc, và đậu nành và các sản phẩm nông sản khác của Mỹ sẽ bị nhắm tới,” tờ báo này viết.

Còn tờ Nhật báo Nhân dân cũng bình luận rằng, Washington đã khăng khăng chọn hành động một cách “bốc đồng và thiếu suy nghĩ”, bất chấp những nỗ lực tích cực từ Trung Quốc.

Nước Mỹ không nên đánh giá thấp sự quyết tâm bảo vệ bản thân của Trung Quốc, Nhật Báo Nhân dân tuyên bố.

Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Đậu tương, ô tô và máy bay

Một cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh rằng, phản ứng của Bộ Thương mại Trung Quốc cho đến thời điểm này còn khá yếu ớt.

“Nếu tôi ở trong chính phủ, tôi có lẽ sẽ nhắm vào đậu tương đầu tiên, sau đó là ô tô và máy bay,” ông Lou Jiwei, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Quỹ an ninh xã hội (NCSSF) nói.

Các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ cũng e sợ khả năng Trung Quốc – hiện đang nhập khẩu hơn 1/3 tổng sản lượng đậu tương của Mỹ, có thể giảm sức mua các sản phẩm nông nghiệp, khiến ngành nông nghiệp của Mỹ gặp nhiều tổn thương.

Năm ngoái, xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc ở mức 19,6 tỷ USD, với đậu tương chiếm tới 12,4 tỷ USD.

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc lên đậu tương Mỹ sẽ đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới Iowa, một bang của nước Mỹ từng ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, đồng thời là quê nhà của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.

Bên cạnh đó, máy bay Boeing cũng thường được nhắc tới như là một mục tiêu mà Trung Quốc có thể nhắm tới.

Trong diễn đàn phát triển trên, nhiều nhà điều hành cấp cao phương Tây đã lên tiếng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh.

Phát biểu tại diễn đàn, Larry Fink, CEO của tập đoàn Blackrock Inc. cho biết, cả hai nước đều có lợi ích từ toàn cầu hoá. “Tôi tin rằng, đó là một cuộc đối thoại – và có thể cần phải có một vài chỉnh sửa trong thương mại và chính sách thương mại. Nó không cần phải được thực hiện một cách công khai; mà có thể được làm một cách riêng tư”, ông Fink nói.

Còn CEO của Apple Tim Cook mong chờ “những cái đầu bình tĩnh” giữa leo thang căng thẳng.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất thiết bị phần cứng như Apple. Những công ty này đều lắp ráp phần lớn sản phẩm của mình tại Trung Quốc trước khi xuất khẩu sang quốc gia khác.

Hàng hoá điện tử và công nghệ là những sản phẩm từ Trung Quốc được nước Mỹ nhập khẩu nhiều nhất.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ