(Tổ Quốc) -Từ nay đến thời điểm triển khai chương trình phổ thông mới chỉ còn hơn 1 năm rưỡi, câu hỏi đặt ra là “Liệu giáo viên có thể bảo đảm việc thay đổi phương pháp dạy và học, đặc biệt là dạy học tích hợp, hay không?”
Khó khăn của giáo viên
Để chuẩn bị cho học tích hợp liên môn trong thời gian tới theo chương trình mới, các Phòng Giáo dục đã nhanh chóng tổ chức những tiết dạy mẫu nhằm giúp giáo viên làm quen với phương pháp dạy mới. Tuy nhiên, việc làm quen với phương pháp dạy mới vẫn khiến nhiều giáo viên cảm thấy lúng túng.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là, liệu đội ngũ giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu dạy học tích hợp hay chưa? Ví dụ như, giáo viên dạy vật lý không có nghĩa là có thể dạy được cả kiến thức môn hóa và sinh. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh quá trình đào tạo cũng như sớm lên kế hoạch tập huấn cho giáo viên các cấp để đáp ứng được chương trình một cách nhanh nhất.
Giảng dạy chương trình mới: Giáo viên khó hay dễ? (Ảnh: Fixi.vn) |
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng là nỗi lo của ngành giáo dục khi triển khai chương trình mới, bởi tình trạng quá tải về quy mô học sinh là khó khăn chung của giáo dục tiểu học hiện nay. Trên lý thuyết, quy mô lớp tiểu học cao nhất là 35 học sinh nhưng thực tế, phần lớn các trường của Hà Nội đều có sĩ số lên đến 50-60 em. Lãnh đạo nhiều trường của Hà Nội cũng cho rằng, dù rất quyết tâm song sĩ số lớp học đang là trở ngại đối với việc triển khai tại các trường.
Giải pháp cho giáo viên
Trước những băn khoăn trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới, cho hay ngay từ khi xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT đã quan tâm đến việc kiểm tra, điều tra số lượng đội ngũ giáo viên ở từng môn học, cấp học; rà soát xem các giáo viên này còn cần gì để bồi dưỡng. Theo GS Thuyết, với những môn học mới, tích hợp nhiều môn như khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở THCS, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học thêm một số tín chỉ để có thể một mình dạy một môn.
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn cho biết: “Với môn Ngữ văn, việc mở độ rông cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo là rất cần thiết. Nhưng để đáp ứng với chương trình mở thì một trong những yêu cầu của thi cử là chuẩn chương trình và không căn cứ vào bất cứ một cuốn sách giáo khoa nào. Vì vậy, người ra đề phải căn cứ vào cấp học của học sinh để soạn ra đề thi phù hợp. Đồng thời học sinh cần phải vận dụng kỹ năng phân tích đề, dựa trên lý thuyết đã được học để vận dụng làm bài.”
Trả lời câu hỏi về việc kế thừa của chương trình tổng thể với Đề án năm 2020, GS Nguyễn Lập cho biết thêm: “Chương trình mới kế thừa rất nhiều những thành tựu mà chương trình 2020 đã đạt được và thí điểm trong thời gian qua.”
Cụ thể, chuẩn năng lực mà Việt Nam đã đề ra theo chuẩn năng lực CFO. Trong thời gian thí điểm vừa qua, nền tảng thí điểm của chương trình 2020 và SGK đã được nhắc đến, tham khảo và đóng góp xây dựng chương trình mới này. Ví dụ, dựa theo thành tựu thí điểm của chương trình 2020, chương trình mới phân bổ môn Tiếng Anh 4 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, 3 tiết/tuần đối với cấp THCS và THPT.
Trên cơ sở nền tảng và kinh nghiệm trong quá trình dạy học ở từng trường, từng cấp học, giáo viên có thể đáp ứng được. GV được sự trợ giúp thông qua tập huấn của Sở, Bộ có ý thức rõ rệt thay đổi nhận thức để giúp người học kiến tạo nên kiến thức của mình. Vì vậy, với sự tập huấn chu đáo của Bộ, các cơ quan quản lý địa phương thì giáo viên hoàn toàn không phải lo ngại. Bộ đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, tập huấn về xây dựng và có bước chạy đà cho chương trình, giáo viên đã tiếp cận với môn học.
Bên cạnh đó, phải đặt ra nguyên tắc xây dựng để xuất phát từ cơ sở vật chất và giáo viên, sử dụng năng lực hiện tại của giáo viên và nội dung được đăng tải.
Ngoài ra, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, các địa phương cần bảo đảm đúng Điều lệ trường học - 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với THCS, bởi nếu một lớp mà 60 học sinh thì rất khó cho giáo viên trong việc dạy học, đưa các em tham quan, trải nghiệm.
Kim Chi