(Tổ Quốc) - Trong số 145 sinh viên Đại học VinUni vừa ra trường vào ngày 29/6 vừa qua, có 25% tân khoa đã được top trường danh tiếng nhất thế giới nhận vào tạo sau đại học, 32% tân khoa được các Tập đoàn toàn cầu hàng đầu mời làm việc từ khi chưa tốt nghiệp. Thành quả vượt mong đợi này khiến những giảng viên 5 - 6 năm trước từng chia tay những ngôi trường danh giá để đặt hết niềm tin và khát vọng vào ngôi trường 0 tuổi thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Đi theo tiếng gọi của lý tưởng và khát vọng
Ngày 29/6, tham dự Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho 145 sinh viên khóa đầu tiên của VinUni, PGS. Phạm Ngọc Nam dâng trào nhiều cảm xúc. Trong niềm tự hào, hạnh phúc, kí ức như những thước phim quay chậm về những ngày đầu góp sức xây dựng trường, bỗng hiện lên trong tâm trí ông
Cách đây 6 năm, khi đang là Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường kỹ thuật số 1 Việt Nam, PGS. Phạm Ngọc Nam đã quyết định nghỉ việc để tham gia xây dựng Đại học VinUni. Thời điểm đó, VinUni mới chỉ là một dự án… nằm trên giấy. Quyết định này đã khiến người thân và đồng nghiệp của ông ngỡ ngàng.
"Ai cũng khuyên can, lãnh đạo trường gặp riêng để phân tích về các rủi ro, nhưng xây dựng mô hình đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam như khát vọng của VinUni cũng chính là lý tưởng tôi mong đợi", PGS. Phạm Ngọc Nam, nay là Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Điện, Trường Đại học VinUni, chia sẻ.
PGS. Nam cũng chia sẻ thêm, trước đó ông chưa từng nghĩ sẽ rời Đại học Bách khoa Hà Nội vì đã có gần 15 năm gắn bó. Cho đến một ngày, ông tình cờ được đồng nghiệp chuyển tiếp email về việc Vingroup đang chuẩn bị mở trường đại học. Tò mò mở link, ông càng bất ngờ khi biết Vingroup muốn xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam.
"Đó làm khát vọng rất lớn. Khi thấy đối tác đồng hành cùng với Vingroup là Đại học Cornell, tôi rất tin tưởng và nghĩ đây là cơ hội rất tốt để thử thách khả năng của mình. Vì vậy, tôi đã gửi hồ sơ đăng ký và may mắn trở thành giảng viên đầu tiên của Viện Khoa học Máy tính của trường".
Cùng thời điểm đó, ở đất nước cờ hoa cách Việt Nam nửa vòng trái đất, TS. Đỗ Thọ Trường cũng nhận được email mời của Vingroup về nước hợp sức xây dựng Trường Đại học VinUni.
"Mô hình trường đại học Việt Nam hợp tác với quốc tế hoặc trường quốc tế mở cơ sở ở Việt Nam đã có nhiều nhưng xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam, do người Việt Nam thì chưa từng có tiền lệ. Tôi hiểu đây là cơ hội lớn lao nên đã đồng ý ngay, dù điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải chuyển cả gia đình, đưa vợ con về Việt Nam", TS. Đỗ Thọ Trường, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Cơ khí, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni, chia sẻ.
Kể về những ngày đầu gia nhập VinUni, PGS. Nam khẳng định khát vọng xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam chính là động lực mạnh mẽ để tất cả đồng lòng, làm việc đến 200% sức lực. Khi đó, trong ngăn bàn của ông lúc nào cũng có sẵn bánh quy để dự phòng cho những bữa ăn bị lỡ.
Còn TS. Trường lại nhớ mãi những ngày xây dựng chương trình để xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đào tạo. Ông không những phải lo nội dung mà còn phải tự căn chỉnh tài liệu sao cho thật chuẩn mực từ cỡ chữ, giãn dòng… Có những hôm, 20h00 giờ, ông vẫn phải đi xe máy ra phố Tạ Quang Bửu in tài liệu để sáng hôm sau kịp mang đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nộp.
"Đó là những ngày không thể quên, ít người nên mọi người đều làm tất cả các công việc mà mình có thể làm được, sẵn sàng lăn xả để làm. Cái gì cũng đòi hỏi phải tốc độ, phải nhanh: xây dựng chương trình nhanh, xin giấy phép nhanh, xây trường nhanh, ai cũng phải cố gắng hết sức", TS Trường kể.
Sinh viên VinUni đủ năng lực và trưởng thành rất nhanh
Dốc hết sức để xây dựng trường bằng cả cả khát vọng, lý tưởng và sự quyết tâm nên ngày đón những sinh viên đầu tiên của VinUni là ngày không thể quên của PGS. Phạm Ngọc Nam.
"Các em như những đứa con ở trường của mình vậy, đến mức ngay ngày đầu tôi đã thuộc hết tên từng sinh viên. Những gì tốt đẹp nhất, chúng tôi đều muốn dành cho các em, từ các hội thảo, hoạt động ngoại khoá, hàng chục câu lạc bộ, các dự án… đến mức sinh viên bị ngợp vì được chăm sóc quá, có nhiều thứ quá", PGS. Nam cười nói.
Sau 4 năm được gắn bó với các em dưới mái trường VinUni, PGS. Nam cho biết sinh viên không chỉ được dạy kiến thức mà xác định điều quan trọng là tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình. Các em được làm quen với áp lực khi hàng tuần đều có bài tập, môn học nào cũng có các dự án, các deadline dồn dập và sinh viên phải học cách sắp xếp thời gian để có thể hoàn thành. Các em cũng có một kỳ thực tập với chương trình được thống nhất trước với doanh nghiệp nhằm đảm bảo sau kỳ thực tập, tất cả phải đảm bảo được chất lượng yêu cầu. Giảng viên cũng thường xuyên đưa ra các bài tập nằm ngoài nội dung bài giảng để sinh viên buộc phải tìm hiểu mở rộng kiến thức và rèn kỹ năng học chủ động.
"Trong môi trường đó, các em rất áp lực, đặc biệt là trong năm đầu tiên, nhưng với chất lượng đầu vào tinh hoa, các em đủ năng lực thích nghi dần và trưởng thành rất nhanh", PGS. Phạm Ngọc Nam nói.
Hoàn toàn tự tin vào năng lực của các sinh viên vừa tốt nghiệp, điều duy nhất mà TS. Đỗ Thọ Trường muốn nhắn nhủ là các em cần luôn học hỏi, hãy cho đi, hãy giúp đỡ mọi người - đúng như tinh thần nhân văn, vì cộng đồng của mái nhà chung VinUni.
"Nhìn thấy những sinh viên đầu tiên chính thức cất cánh bay cao, trong đó, nhiều em đã được nhận học bổng sau đại học ở các trường danh tiếng thế giới, nhiều em đã có vị trí việc làm ở các công ty lớn trong và ngoài nước, tôi thực sự cảm thấy tự tin, rất vui, hạnh phúc và xúc động, thấy quyết định của mình 6 năm trước thật đúng đắn", TS. Đỗ Thọ Trường chia sẻ.