• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giao thương châu Á – châu Phi đón nhiều tín hiệu mới

Thế giới 02/08/2023 11:05

(Tổ Quốc) - Theo chuyên trang phân tích quốc tế Atlantic Council, khi nói đến thương mại Á-Phi, nhiều người nghĩ đến Trung Quốc đầu tiên. Nhưng còn rất nhiều quốc gia châu Á khác đang đẩy mạnh giao thương với lục địa này.

Ví dụ đầu tiên là Hàn Quốc – lâu nay vẫn là một đối tác truyền thống của châu Phi. Trong những năm gần đây, Seoul đã liên tục đẩy mạnh các sáng kiến thương mại, đầu tư và phát triển, đồng thời mở rộng đáng kể khối lượng giao dịch với châu Phi.

Hàn Quốc ngày càng quan tâm tới châu Phi

Đối với các nền kinh tế châu Phi, những tín hiệu trên đưa Hàn Quốc trở thành một đối tác tiềm năng và là một nguồn tài chính đáng kể khi lục địa này tìm kiếm sự hỗ trợ cho dân số ngày càng tăng của mình. Và đây cũng là một tin đáng hoan nghênh ở Washington - vốn từ lâu đã khuyến khích các đồng minh châu Á áp dụng các chính sách đối ngoại chủ động hơn để gia tăng vị thế và đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của các siêu cường khác tại các nước đang phát triển.

Vào năm 2022, mức tăng trưởng hàng năm của khối lượng thương mại song phương là 29%, với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD:

Theo quan điểm của Hàn Quốc, sự hiện diện ngày càng tăng ở châu Phi nằm trong chiến lược của Tổng thống Yoon Suk-Yeol muốn đưa nước này trở thành một "quốc gia then chốt toàn cầu", phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường mới và tăng cường sức mạnh mềm của Seoul. Trong nỗ lực mới nhất nhằm mở rộng quan hệ với châu Phi trong tháng 7, chính quyền của ông Yoon đã công bố sáng kiến K-Ricebelt nhằm thúc đẩy sản xuất gạo ở 8 quốc gia châu Phi.

Giao thương châu Á – châu Phi đón nhiều tín hiệu mới - Ảnh 1.

Giao thương của châu Phi với các quốc gia châu Á liên tục tăng. Trong đó, chỉ số với Hàn Quốc cho thấy tín hiệu rất đáng kể. Ảnh: Atlantic Council.

Bên cạnh đó, ông Yoon cũng sẽ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi trong "Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-Châu Phi" vào năm tới. Trong khi Hàn Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, bao gồm các cuộc họp tham vấn chính sách Hàn Quốc-Liên minh châu Phi và Đối thoại Seoul về châu Phi, thì sự kiện năm tới sẽ có thêm sự tham gia của các cấp lãnh đạo cao hơn.

Đa dạng lựa chọn hợp tác

Thương mại bùng nổ giữa Hàn Quốc và châu Phi chỉ là một trong nhiều minh chứng về mối liên hệ giữa hai châu lục. Trong khi Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng thương mại giữa châu Phi và châu Á, thương mại của châu Phi cũng tăng nhanh với các nền kinh tế lớn khác ở châu Á. Ấn Độ đã nổi lên như một đối tác đặc biệt quan trọng. Kể từ năm 2000, thương mại Ấn Độ-châu Phi đã tăng hơn 20 lần lên hơn 97 tỷ USD về khối lượng thương mại song phương, thậm chí còn vượt qua cả khối lượng thương mại giữa châu Phi và Mỹ.

Đáng chú ý, mô hình thương mại của châu Phi với các đối tác đều có một số nét giống nhau. Trong giao thương giữa châu Phi với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, những nước này chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô (đặc biệt là nhiên liệu và hàng hóa) từ châu Phi, trong khi họ xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa đã chế tạo.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt. Không giống như với Trung Quốc, các mối quan hệ thương mại của Ấn Độ và Hàn Quốc với châu Phi cũng cân bằng hơn đáng kể. Mức thâm hụt thương mại 47 tỷ USD của châu Phi với Trung Quốc vào năm 2022 là 16,7% tổng khối lượng thương mại, vượt xa mức thâm hụt lần lượt là 4,5 tỷ USD (4,6%) và 1,7 tỷ USD (9,6%) của châu Phi với Ấn Độ và Hàn Quốc.

Trong tương lai xa, những đối tác này có thể trở nên quan trọng hơn đối với các nền kinh tế châu Phi nếu sự kết nối của châu lục này với Trung Quốc giảm bớt. Hiện tại, đã có một số dấu hiệu cảnh báo cho nguy cơ này.

Thứ nhất, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 còn chậm và đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Nhập khẩu của châu Phi sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế giảm và tình trạng nhân khẩu học trì trệ có thể sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa châu Phi.

Thứ hai, Trung Quốc đã giảm quy mô cho vay trong bối cảnh gánh nặng nợ ngày càng không bền vững ở châu Phi. Do đó, có thể sẽ có ít dự án cơ sở hạ tầng hơn để tăng cường kết nối kinh tế giữa 2 bên. Hội chợ triển lãm thương mại và kinh tế Trung Quốc-châu Phi trong tháng này cũng phần nào cho thấy xu hướng này. Các giao dịch trị giá 10,3 tỷ USD tại Hội chợ năm nay chưa bằng một nửa so với các giao dịch được ký vào năm 2021.

Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi cho đến nay về tổng khối lượng giao dịch. Nhưng giao thương 2 châu lục vẫn đang liên tục được phát triển, dù có hay không có Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ