(Tổ Quốc) - Trong cuộc trao đổi ngắn với một cựu giáo viên văn tại Hà Nội với một câu hỏi ngắn duy nhất: Tại sao lại như vậy?! khi thắc mắc về "hiện tượng cực kỳ buồn và đáng xấu hổ trong ngành giáo dục" này, bà lý giải căn nguyên chủ yếu nằm trong năm vấn đề.
- 18.01.2019 Công an Thái Nguyên vào cuộc xác minh cô giáo bị 'tố" bắt học sinh tự tát phạt 50 cái
- 05.12.2018 Bộ GDĐT đề nghị xác minh, báo cáo sự việc học sinh lớp 2 bị cô giáo xử phạt bằng cách cho bạn cùng lớp tát
- 24.11.2018 Bộ GDĐT yêu cầu xử lý nghiêm cô giáo phạt tát học sinh 231 cái
- 05.11.2018 Cô giáo bị đình chỉ khi phạt học sinh tự tát 32 cái
- 16.10.2018 Cô giáo bắt học sinh tát nhau có thể bị phạt 20 triệu đồng và đình chỉ dạy 6 tháng
Năm 2018 truyền thông Việt Nam rúng động bởi hàng loạt sự vụ liên quan tới những cái tát học đường thì chỉ ngay những ngày đầu năm 2019, con số 50 cái tát tiếp tục khiến những ai quan tâm tới giáo dục không khỏi giật mình bởi một giáo viên dạy tại trường Tiểu học Trung Thành, TP. Thái Nguyên lại bị phụ huynh học sinh tố là sử dụng hình phạt là những cái tát đối với con em họ.
Báo chí, truyền thông phải tốn rất nhiều giấy mực, mạng xã hội dậy sóng không biết bao nhiêu lần, dường như cả xã hội tỏ ra bất bình trước những hành vi và cách ứng xử của các giáo viên này… vậy tại sao những giáo viên này lại không nghe không biết mà vẫn tiếp tục dùng những hình phạt là những cái tát như vậy trong lớp học mà họ dạy? Phải chăng những giáo viên này không hề nghe, xem hay đọc thông tin, tình hình đời sống xã hội hằng ngày? Việc này cho thấy khả năng nắm bắt thông tin của các giáo viên này quá kém, hoặc họ không còn thời gian để biết thêm các thông tin khác ngoài phạm vi nghề nghiệp, ngoài những giờ giảng dạy chuyên môn trên lớp.
Ảnh minh họa
Sau mỗi lần giáo viên dùng những hình phạt này đối với các học sinh trong lớp học đã có những hình phạt được đưa ra, nhẹ thì kỷ luật cảnh cáo, nặng thì đưa ra khỏi ngành, truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giữ giáo viên để điều tra, những người gây ra các hành vi phản giáo dục đã phải trả những cái giá quá đắt cho hành vi của mình, vậy tại sao những hành động này vẫn tiếp diễn? Phải chăng họ coi thường pháp luật, hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật mà xử sự với học sinh như vậy? Chỉ có thể lý giải là do sự thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận nhà giáo.
Thời gian gần đây chúng ta nói nhiều về đạo đức con người đang xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là trong giáo dục. Phải chăng đạo đức nghề giáo xuống cấp trầm trọng là do lâu nay có một thứ quyền uy trong giáo dục, quyền lực trong giáo dục, giáo viên tự cho mình có quyền uy cao nhất trong lớp học và bắt học sinh phải làm theo yêu cầu của mình. Khi giáo viên còn tự cho mình quyền được tự quyết định mọi hành vi, mọi hoạt động trong lớp học, tự đặt ra những quy định, những hình phạt và bắt học sinh phải thực hiện theo mà không có sự tôn trọng, bình đẳng trong lớp học, giữa người học với người dạy thì khi đó sẽ khó tránh được việc học sinh phải tuân theo những "luật" do giáo viên bắt thực hiện trong lớp. Thậm chí một hiệu trưởng còn dùng biện pháp sử dụng phiếu câu hỏi để lấy thông tin xác minh từ chính những em nhỏ thực hiện các hành vi đó, khiến tâm hồn các em một lần nữa bị tổn thương.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính áp lực sĩ số, áp lực thành tích, áp lực từ chương trình… khiến các giáo viên mất kiểm soát, mất bình tĩnh, khi xử lý các tình huống xảy ra trong lớp. Đây cũng là một thực trạng mà các chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ suốt thời gian qua. Cũng chính vì thành tích mà nhiều vụ việc tương tự đã bị nhà trường, địa phương che giấu, khiến những việc làm sai trái, vi phạm đạo đức nhà giáo này "nở rộ". Cũng cần phải nói rằng trong thời đại công nghệ 4.0, khi mạng xã hội phát triển thì đây chính là một kênh thông tin, một địa chỉ để các học sinh và cha mẹ học sinh tìm đến, phản ánh những tiêu cực trong ngành giáo dục, vì thế xã hội mới dậy sóng và những sự vụ mới bị phát hiện và lan truyền rộng khắp, khiến nhiều chuyên gia, lãnh đạo, các cơ quan quản lý giáo dục… phải lên tiếng.
Thế nhưng cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là tiền lương trả cho giáo viên hiện nay quá thấp nên việc tuyển chọn các sinh viên vào đào tạo ngành sư phạm, chuẩn đầu vào thấp so với các ngành khác, nhiều sinh viên lựa chọn học ngành sư phạm bởi không còn lựa chọn nào khác, thêm vào đó chương trình đào tạo trong các trường sư phạm không chú trọng các môn tâm lý mà nặng về các môn lý thuyết, chuyên môn… Nhiều địa phương hiện thiếu giáo viên trầm trọng (PV: theo thống kê, cả nước thiếu khoảng 76.000 giáo viên các cấp, chủ yếu ở cấp học mầm non, tiểu học), Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ cũng như các cơ quan quản lý ngành cũng đang phải tìm cách để giải bài toán thiếu giáo viên này.
Một lát cắt nhỏ qua cái nhìn của nhà giáo lâu năm trong nghề cho thấy những tổn thương mà học sinh có thể sẽ vẫn phải tiếp tục đối diện. Nguyên nhân đã rõ ràng, có lẽ phần lời giải dành cho các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng về giáo dục.
Hàng ngày con em chúng ta vẫn phải sống và học tập trong môi trường giáo dục như vậy nên phụ huynh chỉ dám hy vọng những người đang trực tiếp đứng trên bục giảng dành thời gian nhìn nhận lại công việc của mình, xem mình có thực sự yêu nghề và yêu mến trẻ em, có thực sự muốn dành tâm huyết để xây dựng thế hệ học sinh tương lai cho đất nước hay không.
Việc thay đổi và quyền quyết định là từ con người, từ chính những lao động trong lĩnh vực, ngành nghề đó. Chỉ có nhận thức được thay đổi theo cách đúng đắn, chuẩn mực, tích cực thì mới hy vọng phần nào thay đổi được hiện trạng giáo dục.