(Tổ Quốc) -Tại phiên xét xử chiều 31/8, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ Oceanbank khai mỗi năm đều phải "đi" Tết hàng chục tỷ đồng.
- 28.08.2017 Hôm nay, xét xử đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm tiếp tục hầu toà
- 28.08.2017 Hà Văn Thắm có thể phải đối mặt với khung hình phạt rất cao
- 30.08.2017 Cựu thư ký của Hà Văn Thắm nức nở, kêu “thần kinh yếu nên hay xúc động”
- 31.08.2017 Hàng loạt đồng phạm bị buộc liên đới chịu trách nhiệm cùng với Hà Văn Thắm
Phiên tòa xét xử đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo liên quan hành vi “cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài” và tội “tham ô”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại Toà (Nguồn: Zing.vn) |
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank khai từng có nhiều tiền đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, sàn vàng. Nhưng cho đến nay, ngoài tài sản bị phong tỏa thì không còn tài sản khác.
Trình bày về các mốc thời gian luân chuyển từ PVN sang Oceanbank rồi trở về PVN, bị cáo Sơn khẳng định không ngày nào giữ chức đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank theo thủ tục pháp lý. Khi PVN chưa có quyết định bị cáo giữ bao nhiêu cổ phần đại diện. Sổ cổ đông của OceanBank không có tên bị cáo. Còn các công văn giới thiệu từ PVN chỉ là một trong các điều kiện.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, giai đoạn làm TGĐ Oceanbank chỉ nhận khoảng hơn 69 tỷ đồng. Số tiền đó dùng để chăm sóc khách hàng, bị cáo đã chi hết.
Trước câu hỏi của chủ Toạ rằng số tiền đó chi cho những ai? Nguyễn Xuân Sơn khai đã chi rất hiệu quả cho các đơn vị khách hàng… Ngoài ra còn làm hỗ trợ đồng bào lũ lụt, từ thiện vùng khó khăn…
Khi Chủ tọa đặt vấn đề, số tiền đó có được chi cho lãnh đạo của PVN?, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, đầu mối nhận tiền là cựu kế toán trưởng Ninh Văn Quỳnh của Tập đoàn.
Còn những khoản bị cáo Sơn chi thẳng lên lãnh đạo chủ yếu là vào dịp lễ Tết. Con số này mỗi năm 10 tỷ đồng, trong năm 5 năm là 50 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền để sử dụng cho cá nhân khi nói rằng “Bị cáo không sử dụng cho mình một đồng nào mà Hà Văn Thắm hỗ trợ cho PVN”.
Trước câu hỏi của Chủ toạ rằng theo Luật phòng chống tham nhũng, các món quà biếu trên 500 nghìn đều bị cấm, vậy 200 triệu có còn mang tình nghĩa hay còn mang một ý nghĩa khác?
Nguyễn Xuân Sơn trả lời: “Bị cáo cũng thấy một thực trạng đất nước, truyền thống chi quà dịp lễ tết cho lãnh đạo, doanh nghiệp bị nền kinh tế thị trường làm cho méo mó, đấy cũng là nỗi khổ của doanh nghiệp, được đi tặng quà là tốt lắm rồi. Bản thân bị cáo từ lúc còn làm chức nhỏ cũng đi cùng các đồng chí lãnh đạo đi chúc tết, được đi chúc tết là mừng rồi, đưa quà bé quá thì chẳng ai phân tích đánh giá gì nhưng mình cũng tự cảm thấy không tương xứng”.
Theo bị cáo Sơn, mức quà cũng tuỳ thuộc kích thước, quy mô đơn vị chi, tập đoàn PVN cũng nhìn ngang nhìn ngửa thấy mức chi đó là thông lệ đối với các doanh nghiệp nhà nước. Ở doanh nghiệp tư nhân thì mức này còn cao hơn nhiều.
Toà tiếp tục mời bị cáo Hà Văn Thắm. Trả lời câu hỏi của Chủ toạ rằng các khoản tiền chỉ đạo cho cấp dưới chi cho bị cáo Sơn liệu có phải là tiền chăm sóc khách hàng?
Hà Văn Thắm thừa nhận điều này. “Bị cáo và bị cáo Sơn đã bàn với nhau để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng, Hà Văn Thắm khai.
Khi Toà hỏi căn cứ nào mà Hà Văn Thắm cứ chuyển tiền mà không hạch toán? Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời: “Bị cáo và bị cáo Sơn nói chuyện, các doanh nghiệp không đòi hỏi 1-2% mà tùy theo nhu cầu của khách hàng như nhu cầu chi phí lễ Tết nhưng đảm bảo không vượt quá 1%. Bị cáo cũng hay xem biểu kê thấy có nhiều khoản không kỳ hạn của khách hàng cũng tốt cho ngân hàng nên bị cáo nghĩ quà cáp cũng là hợp lý.
Trước đây, bị cáo cũng buồn khi anh Sơn bị cáo buộc tội chiếm đoạt. Bị cáo cũng có đơn ngày 27/7 trình bày lượng tiền gửi đi bao nhiêu, anh Sơn chủ yếu phụ trách Tập đoàn thôi. Bị cáo cũng không hỏi anh ấy chi cho ai”, Hà Văn Thắm khai trước Toà./.
Hà Giang (T/h)