(Tổ Quốc) - Huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) là một trong những địa phương một kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú. Hiện nay, huyện Lệ Thủy có 20 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp tỉnh; có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Để phát huy được giá trị truyền thống gắn với du lịch để phát triển kinh tế đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó những việc làm cụ thể, thiết thực, tuổi trẻ huyện Lệ Thủy đã và đang góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống này…
Có thể khẳng định ràng, trên cơ sở Chỉ thị số 24 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ trên địa bàn"; lực lượng Đoàn Thanh niên huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống cho đoàn viên, thanh niên; tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tổ chức các chương trình về nguồn, đến với địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ… với hơn hang trăm đợt hành trình về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ, nói chuyện truyền thống. Qua đó đã giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đi trước; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, Đoàn Thanh niên huyện Lệ Thủy đã có những cuộc vận động từ đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực đã được tôn vinh, nhân rộng, trong đó có những tập thể, cá nhân đã có những đóng góp trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Lệ Thủy. Qua đó, tạo ra sự lan tỏa sâu rộng, có tác dụng giáo dục tích cực đối với thanh thiếu niên.
Các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều được các đoàn viên, thanh niên tham gia bảo tồn, gìn giữ một cách tích cực. Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cấp Đoàn Thanh niên huyện Lệ Thủy đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các câu lạc bộ, lớp truyền dạy hò khoan Lệ Thủy, các đội văn nghệ của thôn, bản, tổ dân phố.
Hội đồng Đội huyện Lệ Thủy cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành lập các câu lạc bộ hò khoan ở tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Mỗi câu lạc bộ hò khoan ở các trường học đã thu hút khoảng 30 em học sinh tham gia. Các em học sinh được các nghệ nhân, thầy cô giáo cho làm quen, truyền dạy những làn điệu hò mái xắp, mái chè, mái đẩy... Câu lạc bộ hò khoan là nơi để các em có khả năng và năng khiếu được bộc lộ, thể hiện tài năng của mình, góp phần xây dựng môi trường "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" và lưu giữ bản sắc văn hóa của quê hương Lệ Thủy anh hùng.
Bên cạnh việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, để gắn kết giữa văn hóa và phát triển du lịch được tuổi trẻ huyện Lệ Thủy xác định đó là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Nhiều đội, nhóm hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh đến với người dân và du khách. Tại các lễ hội như Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lễ hội Chùa Hoằng Phúc...
Một số đoàn viên, các chi đoàn cơ sở đã hướng đến việc phát triển kinh tế nhờ việc kinh doanh, phát triển du lịch nội địa, cung cấp cho du khách các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng nông sản chất lượng cao có tại địa phương mình…
Trong thời gian tới, Huyện đoàn Lệ Thủy sẽ tiếp tục đổi mới hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ số và triển khai gắn mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm đến cho người dân và du khách, để mọi người hiểu thêm về mảnh đất, con người xứ Lệ.
Có thể khẳng định rằng, với một kho báu là 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Hò khoan Lệ Thủy; Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang; Lễ hội cầu ngư Quảng Bình; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam; Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều. Để phát triển kinh tế trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mỗi hành động, việc làm của lực lượng thanh niên sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.