(Tổ Quốc) - Thành tựu văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Tọa đàm giới thiệu giá trị bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam"; Thống nhất triển khai Con đường gốm sứ là những thông tin văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội trong ngày 22/7.
Thành tựu văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Thành tựu văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô.
Theo Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dấu mốc, tạo đà để văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển, gặt hái được những thành tựu nhất định. Một thập kỷ qua, đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và đi vào đời sống.
Bên cạnh việc tiếp tục phản ánh các vấn đề lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi mang tầm khái quát mới, văn học, nghệ thuật Thủ đô có sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều khía cạnh cuộc sống đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật hôm nay.
Văn học, nghệ thuật Thủ đô cũng đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nhạy bén và mạnh dạn phơi trần, lên án, tố cáo cái xấu, độc ác, đen tối, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Tính chiến đấu của văn học, nghệ thuật có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội thời gian qua.
Tại tọa đàm, các văn nghệ sĩ đại diện cho từng chuyên ngành đã nêu bật những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua. Cụ thể, trong lĩnh vực văn học, đội ngũ các nhà văn nhiều thế hệ gắn bó với Hà Nội vẫn không ngừng tìm tòi bút pháp, đổi mới cách thể hiện, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào về Hà Nội hôm nay, trong đó có những tác phẩm được giải thưởng cao ở Trung ương và Hà Nội, như: "Đội gạo lên chùa" (Nguyễn Xuân Khánh), "Thành phố đi vắng" (Nguyễn Thị Thu Huệ), "Làn gió chảy qua" (Lê Minh Khuê), "Thị dân" (Nguyễn Việt Hà)...
Ngoài ra, đã có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật sân khấu từ kịch nói, cải lương, chèo, múa rối, xiếc... ra đời, đều đặn "sáng đèn" phục vụ khán giả. Bên cạnh đó, Hà Nội đã xuất hiện những đơn vị sân khấu xã hội hóa chất lượng, định hình phong cách như Sân khấu Lệ Ngọc, đoàn kịch LucTeam... đem lại đời sống nghệ thuật phong phú cho khán giả.
Âm nhạc Thủ đô cũng có một thập niên sôi nổi với nhiều ca khúc về Hà Nội đi vào đời sống: Nhạc kịch "Hoa lửa" (Ngô Quốc Tính), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường), "Xẩm 12 mùa hoa Hà Nội" (Nguyễn Quang Long)... Những chương trình nghệ thuật đặc sắc như: "Hà Nội, ngày... tháng... năm - Những thanh xuân rực rỡ" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), "Tình yêu Hà Nội"..., tạo nên nét đặc sắc của âm nhạc Thủ đô. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc..., đều có những tác phẩm mới, phản ánh đời sống đương đại của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.
Nhân dịp này, các văn nghệ sĩ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tuy số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật tăng, đồng đều, song vẫn thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Qua đây, Thường trực Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội mong muốn các văn nghệ sĩ Thủ đô tích cực cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật có chất lượng, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và xa hơn là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tọa đàm giới thiệu giá trị bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam"
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" TP Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Câu lạc bộ "Trái tim người lính" phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm gặp mặt tác giả, nhân chứng lịch sử, giới thiệu giá trị của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".
Lần đầu tiên hai cuốn nhật ký nổi tiếng "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng với 29 tác phẩm nhật ký thời chiến khác được in chung trong một bộ sách, với tên gọi: "Nhật ký thời chiến Việt Nam".
Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24cm, được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại buổi tọa đàm, các tác giả, thân nhân tác giả và nhân chứng lịch sử đã chia sẻ về sự trở về của những cuốn nhật ký chiến trường cùng hành trình từ những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam". Mỗi tác giả trở về sau chiến tranh đều có một số phận riêng biệt và mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn.
Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" TP Hà Nội và CLB "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau. Phải mất thời gian tới 16 năm (từ năm 2004), nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này.
Cũng trong buổi tọa đàm, CLB "Trái tim người lính"-một diễn đàn của các cựu chiến binh trên mạng xã hội facebook, công bố Cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhằm bổ sung tư liệu cho bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam", đồng thời, phát động Cuộc thi viết "Tình yêu trong chiến tranh".
Thống nhất triển khai Con đường gốm sứ theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất về chủ trương triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội, đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân, theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư..., thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu; lên phương án tổng thể về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Đề án, báo cáo UBND thành phố để trình Thường trực Thành ủy trước ngày 25/7/2020.
Đối với các đoạn cũ đã thực hiện của Con đường gốm sứ Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch duy tu và tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Mục tiêu của dự án sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này. Nhằm phục vụ dự án, con đường gốm sứ bị phá hơn 300m.
"Con đường gốm sứ" bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".