(Tổ Quốc) - Mùa lễ cưới ở Ấn Độ được xem như một mùa kinh doanh lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, các đám cưới ở Ấn Độ không còn quá lớn như trước đây.
Theo CNBC, thông thường, lễ cưới ở Ấn Độ được xem như một sự kiện trọng đại kéo dài suốt một tuần với đầy đủ các nghi lễ tôn giáo phức tạp, trang phục lộng lẫy, ca hát, nhảy múa, và tất nhiên là rất nhiều đồ trang sức.
Nhiều cặp đôi ở Ấn Độ lựa chọn thời điểm kết hôn là vào tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sa, được xem là khoảng thời gian tốt lành trong văn hóa Ấn Độ. Theo trang Nikkei Asia, cơ quan thương mại thuộc Liên đoàn Thương nhân Toàn Ấn (CAIT) đã ước tính rằng 3,2 triệu đám cưới ở Ấn Độ đã diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 trong năm ngoái. Việc các cặp đôi ở Ấn Độ tổ chức rất nhiều lễ cưới vào thời điểm này mang lại khoảng 3,75 nghìn tỷ rupee (46 tỷ USD) cho các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động tổ chức lễ cưới, tăng mạnh so với thống kê là 2,5 nghìn tỷ rupee vào năm 2019.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những đám cưới xa hoa ở Ấn Độ thường thu hút tới 1000 khách mời và đi kèm với mức giá chi trả cho đám cưới rất đắt đỏ. Đến nay, suy nghĩ của thế hệ thiên niên kỷ tại Ấn Độ đã thay đổi và nhiều người trẻ cho rằng càng ít phong tục và tiệc cưới tối giản thì càng tốt.
Tina Tharwani, đồng sáng lập công ty tổ chức đám cưới Shaadi Squad có trụ sở tại Mumbai cho biết các cặp đôi trẻ ngày nay đang rời xa những đám cưới kiểu Ấn Độ truyền thống "hoành tráng" để hướng tới những lễ cưới đơn giản với danh sách khách mời ít hơn. Ông Tharwani cho biết dịch vụ tiệc cưới ngày nay thường mang đến cho khách mời trải nghiệm cá nhân hóa hơn tại sự kiện, thay vì biến nó thành cuộc cạnh tranh để xem ai có thể tổ chức một đám cưới xa xỉ nhất.
Bên cạnh đó, Smita Gupta, người sáng lập công ty tổ chức đám cưới Wedlock Events có trụ sở tại Delhi cũng đồng tình với quan điểm này.
"Sự thành công của đám cưới trước đây rõ ràng phụ thuộc vào khách mời nhưng ngày nay các cặp đôi thường tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm của khách", Smita Gupta nhận định.
Manika Singh, 29 tuổi sẽ kết hôn vào tháng 12 năm 2023 và dự định chỉ mời tối đa 250 khách cho lễ cưới sẽ tổ chức tại Công viên Quốc gia Jim Corbett ở Uttarakhand.
"Nếu bạn mời càng nhiều khách đến dự đám cưới của mình thì bạn chỉ phải trả thêm tiền mà thôi", Manika Singh nhấn mạnh.
Việc thuê địa điểm trong hai ngày sẽ khiến cặp đôi phải trả 1.500.000 rupee (18.400 USD), hoặc nhiều hơn khoảng 600.000 rupee (7.400 USD) so với trước đại dịch vì lạm phát cao hơn.
Chi phí ăn uống không hề rẻ
Theo mong muốn của cha mẹ, Singh sẽ tổ chức tiệc ăn vào buổi trưa với sự tham gia của 300 khách tại nhà trước lễ cưới.
"Tôi thậm chí sẽ không biết một nửa số khách mời vì đều là người quen của bố mẹ bạn", Singh nói.
Mặc dù các cặp vợ chồng cắt giảm quy mô đám cưới nhưng họ vẫn phải chi tiêu nhiều cho lễ cưới. Gupta cho biết ngay cả khi danh sách khách mời ít hơn, việc chi tiêu lớn cho địa điểm, đồ ăn và đồ trang trí vẫn là tiêu chuẩn không thể bỏ. Singh thừa nhận lạm phát đã đẩy giá lương thực lên cao và giá gạo "đã tăng vọt". Theo hãng Reuters, mặc dù lạm phát bán lẻ của Ấn Độ đã giảm từ 5,88% trong tháng 11 xuống 5,72% trong tháng 12 nhưng giá ngũ cốc và sữa vẫn tiếp tục tăng.
Singh dự đoán đồ ăn là mặt hàng đắt nhất trong cả bữa tiệc trưa và tiệc cưới vào tháng 12. Mặc dù đã quyết định giảm số lượng khách mời trong đám cưới của cô nhưng thay vào đó, chi nhiều hơn cho trang phục và trang sức đã mất khoảng 700.000 rupee (8.600 USD).
Vàng tăng giá? Không phải vấn đề
Vào tuần trước, giá vàng đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua với mức 1.877 USD/ounce. Ramesh Kalyanaraman, Giám đốc điều hành của Kalyan Jewelers cho biết điều đó không ngăn cản các cặp vợ chồng sắp cưới mua vàng cho ngày trọng đại của họ.
"Chi phí cao không hề ngăn cản các cặp đôi thực hiện các giao dịch mua lớn vào ngày trọng đại nhưng một số cặp đội sẵn sàng đợi vài tuần để xem giá có giảm hay không. Đây không phải là sự sụt giảm doanh số bán hàng mà là sự chậm trễ trong việc mua hàng", ông Ramesh Kalyanaraman nhận định.
Kalyanaraman nhận định giá tiền mua trang sức cưới cao hơn nhiều trong thời kỳ đại dịch vì mọi người không thể chi tiền cho hoạt động giải trí hoặc thuê sảnh cưới lớn do các hạn chế của Covid-19.
"Trang sức vàng không phải là phụ kiện thời trang; nó thực sự là một phần của mọi phong tục và nghi lễ," Kalyanaraman nói.
Ông Kalyanaraman nói rằng ở một số thành phố của Ấn Độ, cha mẹ bắt đầu mua vàng cho con gái từ khi mới sinh và sẽ tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập khi chúng lớn lên. Nhiều món mua tích góp từ trước sẽ sử dụng trong ngày cưới của con cái họ.
Tuy nhiên, giới trẻ ngày này đã nghĩ khác. Với Singh, cô sẽ không trang điểm bằng những đồ trang sức đắt tiền. Cô ấy sẽ chỉ mua một bộ trang sức mới và đeo một bộ khác từ lễ đính hôn của mình. Phần còn lại, cô ấy "chỉ đeo đồ trang sức giả"./.