(Tổ Quốc) - Cho dù đại dịch có xảy ra hay không thì vẫn có một số điểm nóng toàn cầu tiếp tục… nóng và không hề bị gián đoạn.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19, trong đó có cả Iran lẫn đối thủ Israel. Triều Tiên đã đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài và tuyên bố không có ca lây nhiễm bất chấp nghi ngờ từ một số chuyên gia quốc tế.
Ba quốc gia trên đều là các điểm nóng địa chính trị trong nhiều thập kỷ qua. Và ngay cả khi toàn cầu đang tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống lại bệnh dịch thì Iran, Israel và Triều Tiên vẫn trở thành tâm điểm thế giới trong những ngày gần đây.
Hai năm trước, khoảnh khắc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên bắt tay nhau tại Singapore – đã khiến cả cộng đồng quốc tế phải kinh ngạc. Ba hội nghị thượng đỉnh trôi qua, tiến trình giải giáp hạt nhân và dỡ bỏ trừng phạt vẫn đang dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, trong những ngày qua, câu hỏi hiện gây tranh cãi nhiều nhất lại là: Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang ở đâu và tình hình sức khỏe của ông ra sao?
Khi Mỹ tiến hành ám sát tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani, một số người đã nghĩ tới viễn cảnh nổ ra một cuộc xung đột mang tính toàn cầu. May mắn thay, điều đó không xảy ra mặc dù đã có tới 176 thường dân thiệt mạng trong sự kiện một máy bay của Ukraine bị Tehran "vô tình" bắn hạ vì nhầm là máy bay ném bom của Mỹ. Tuy nhiên, trong tuần này, căng thẳng giữa Tehran và Washington lại một lần nữa bùng lên bất chấp việc Iran đang phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19 bùng phát và một nền kinh tế vốn đã suy yếu vì trừng phạt, trong khi bản thân Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVId-19 cao nhất thế giới.
Và sau 16 tháng nền chính trị gần như tê liệt, tuần này, chính phủ liên minh của Israel đã tìm được sự đồng thuận duy nhất (bên cạnh chính sách COVID-19) để đưa vấn đề sáp nhập một số khu ở Bờ Tây trở lại bàn thảo luận. Đây được coi là bước mào đầu để hiện thực hóa kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Theo bà Ariane Tabatabai, một học giả chuyên nghiên cứu về Trung Đông tại Quỹ Marshall, việc những xung đột lâu năm như vậy vẫn tồn tại ngay giữa mùa dịch COVID-19 không phải là điều đáng ngạc nhiên. "Một khi khủng hoảng bắt đầu", bà Tabatabai nói, "họ sẽ không dừng lại trừ khi các bên khác nhau có mong muốn chính trị là có thể chấm dứt nó. Và một điều gì đó với những yếu tố quan hệ sâu sắc ở cả mức quốc gia và quốc tế chắc chắn sẽ khiến các vấn đề đang tồn tại trở nên trầm trọng hơn".
Chủ tịch Triều Tiên đang ở đâu?
Sau một loạt thông tin gây sốc xuất hiện từ đầu tuần, giới chức Hàn Quốc cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn điều hành sự vụ của đất nước như bình thường. Seoul cũng thừa nhận, không có bằng chứng rằng ông Kim vừa trải qua phẫu thuật liên quan tới tim mạch hay đang có tình trạng sức khỏe xấu. Tuy nhiên, nơi ở hiện tại của người đứng đầu Triều Tiên vẫn còn là một bí ẩn. Theo tình báo Hàn Quốc, ông Kim đang ở một địa điểm ngoài Bình Nhưỡng cùng tùy tùng thân cận. Washington nói, họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, còn Tổng thống Trump phát biểu trong họp báo rằng, thông tin ông Kim "bị ốm nặng" là "không đúng".
Tin đồn bùng phát do ông Kim bất ngờ vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Il-sung hôm 15/4. Lần cuối cùng Chủ tịch Triều Tiên xuất hiện trước công chúng là trong một cuộc họp về COVID-19 ngày 11/4. Khả năng ông Kim gặp vấn đề về sức khỏe cũng đã làm dấy lên những cuộc thảo luận về người kế thừa ông trong trường hợp xấu nhất.
Iran thể hiện sức mạnh quân sự giữa dịch bệnh bùng phát
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vừa khiến thế giới ngạc nhiên khi tiến hành phóng thành công một vệ tinh quân sự thuộc chương trình vũ trụ bí mật quốc gia. Cũng trong tuần này, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh chìm bất kỳ tàu Iran nào "động chạm" tới quân đội Mỹ. Iran là một trong những tâm dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trên thế giới. Các chuyên gia trong và ngoài nước không thực sự tin tưởng vào số liệu thống kê chính thức liên quan tới đại dịch của chính quyền Iran.
"Iran đương nhiên là tận dụng cơ hội COVID-19 đang hoành hành tại Mỹ vào lúc này", bà Tabatabai đánh giá "Một mặt, họ [Tehran] đang cố gắng chuyển hướng chú ý dư luận khỏi những phản ứng của họ trước đại dịch; mặt khác, họ nhận định Mỹ đang ở thời điểm yếu ớt nhất, do đó, họ muốn sử dụng điều này để gia tăng chi phí của chiến lược gây sức ép tối đa, nhằm buộc Mỹ phải kết thúc nó".
Israel muốn sáp nhập Bờ Tây đang bị chiếm đóng
"Người tình nghi nhận hối lộ Netanyahu và người đánh cắp phiếu bầu Gantz thành lập một liên minh", tờ báo Israel Haaretz miêu tả về hiệp định chia sẻ quyền lực giữa thủ tướng và đối thủ chính trị một thời.
Phép thử chủ chốt nhất cho liên minh sẽ là khả năng sáp nhập một phần lớn Bờ Tây. Một động thái như vậy sẽ phá hủy hy vọng thành lập một quốc gia Palestine độc lập cũng như đối mặt với nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Mặc dù chính phủ Israel đang dành ưu tiên cho cuộc chiến chống lại COVID-19 trong 6 tháng đầu tiên mới thành lập, ông Netanyahu vẫn thành công thuyết phục "đối thủ trở thành đối tác" Benny Gantz đồng ý đưa các kế hoạch sáp nhập ra thảo luận trong nội các từ ngày 1/7.