(Tổ Quốc) - Quốc gia nào đạt được nhiều lợi ích nhất trước những sóng gió mà EU đang phải trải qua liên quan tới sự kiện Brexit?
Tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết, Trung Quốc "cùng lúc là một đối tác hợp tác với những nước mà EU có các mục tiêu gắn bó; một đối tác đàm phán với những nước EU cần phải tìm kiếm sự cân bằng lợi ích; một đối thủ kinh tế theo đuổi tham vọng dẫn đầu công nghệ; và một đối thủ hệ thống thúc đẩy các mô hình điều hành khác".
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ. Thiết lập một chính sách thống nhất về cách tương tác với Bắc Kinh, luôn là một vấn đề chủ chốt cho Brussels, và là một trong những điều EU khó được phép phạm sai lầm.
Tuy nhiên, ngay trong khi EU đang có sự bất đồng về việc làm sao có thể tìm kiếm được sự cân bằng, với một số thành viên, nổi bật nhất là Đức – đang ngày càng gia tăng thái độ cứng rắn với Bắc Kinh về cả kinh tế và an ninh; trong khi các nước khác tỏ ra "vồn vã" trước những khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Italy và Trung Quốc
Mới đây, các nhà lãnh đạo Italy đã "trải thảm đỏ" đón chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du tới Rome. Italy là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là thành viên G 7 đầu tiên tham gia sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" do ông Tập khởi xướng.
Theo Lucrezia Poggetti, một học giả tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, động thái của Italy không chỉ là một thắng lợi cho Bắc Kinh, mà còn tạo ra lợi thế trước một EU rộng lớn hơn trong những vấn đề quan trọng trong tương lai.
"Trung Quốc rất muốn thương thảo với từng nước châu Âu một, thay vì cả khối", bà Poggetti nói. "Trong quan hệ song phương, Trung Quốc ở thế trên bởi vì quyền lực kinh tế khổng lồ chiếm ưu thế so với các quốc gia châu Âu riêng lẻ".
Một ví dụ điển hình là Hy Lạp và Hungary – hai đồng minh của Trung Quốc tại châu Âu, đều đã phủ nhận những chỉ trích mà Bắc Kinh phải đối mặt liên quan tới Biển Đông. Năm 2017, Athens từng can thiệp để chặn một tuyên bố của EU về nhân quyền Trung Quốc.
"Trong cả hai trường hợp, Hy Lạp lo sợ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng, từ đó mất đi những cơ hội kinh tế mà Bắc Kinh đã hứa hẹn; vì vậy, họ chọn làm mất lòng EU", Poggetti nói. "Hungary thậm chí còn cởi mở hơn với Trung Quốc về mặt chính trị".
Củ cà rốt của Trung Quốc
Trong khi Bắc Kinh có mối quan hệ lịch sử gắn bó với một số nước châu Âu, những diễn biến gần đây cho thấy, bản thân các thành viên EU cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ về thái độ với Trung Quốc.
Trung Quốc rất muốn thương thảo với từng nước châu Âu một, thay vì cả khối.
Lucrezia Poggetti
Bruno Macaes, một cựu Bộ trưởng Bồ Đào Nha cảnh báo, Trung Quốc đang bị sử dụng như một vũ khí bởi chính các nước châu Âu, nhằm tìm kiếm lợi thế cân bằng lẫn nhau. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng tận dụng sự chia rẽ giữa mới và cũ để phục vụ cho lợi ích của mình.
"Vấn đề là EU không có cơ chế hiệu quả để quản lý các xung đột nghiêm trọng giữa các nước thành viên, khiến các quốc gia thuộc EU phải mượn tới yếu tố bên ngoài để giải quyết các hiện trạng của mình", ông Macaes nhận định. Theo ông, cơ hội để Trung Quốc tìm được các đối tác mới đang ngày càng gia tăng.
"Thậm chí còn dễ hơn cho Bắc Kinh nếu muốn gây ra chia rẽ giữa EU và các chính phủ hoài nghi EU", bà Poggetti phân tích. "EU cần phải chuẩn bị cho những bước lùi từ Italy – một thành viên có ảnh hưởng trong vai trò nước sáng lập EU và là nền kinh tế lớn thứ ba của khối đồng tiền chung – về một chính sách Trung Quốc của châu Âu".
Brexit có lẽ là sự chia rẽ lớn nhất. Cả các chính trị gia châu Âu và Anh đều lo ngại rằng, một nước Anh bên ngoài EU có thể trở thành một đối thủ thay vì một đồng minh như Na Uy hay Thụy Sỹ. Đầu tư và thương mại từ Trung Quốc sẽ là lĩnh vực cạnh tranh chủ chốt.
Một nước Anh tiến hành Brexit thành công - được "tiếp sức" bởi các hợp đồng thương mại với Trung Quốc, cũng có thể khuyến khích các nước EU khác tự đi theo con đường riêng của mình.
Jonathan Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham cho rằng, "sức mạnh của EU trong thương mại quốc tế và đối ngoại được định hình thông qua hành động một cách thống nhất".
Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc đối mặt với EU ở nhiều lĩnh vực và do nhiều lý do khác nhau; do đó, động lực để làm yếu đi năng lực hành động thống nhất của EU – là rất lớn.
Jonathan Sullivan
"Vì vậy, nếu bất kỳ nước nào muốn thâm nhập vào một lĩnh vực nào đó tại châu Âu thì những nỗ lực thúc đẩy chia rẽ hoặc tiếp cận từng thành viên một và xử trí một cách riêng rẽ - là một chiến lược có hiệu quả", ông Sullivan chỉ ra. "Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc đối mặt với EU ở nhiều lĩnh vực và do nhiều lý do khác nhau; do đó, động lực để làm yếu đi năng lực hành động thống nhất của EU – là rất lớn".
Áp lực từ bên ngoài
Macaes và các chuyên gia đều nhấn mạnh, Bắc Kinh không phải là cường quốc nước ngoài duy nhất đang tìm cách làm "tan rã" sự đoàn kết của châu Âu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đưa ra những lợi ích kinh tế và ngoài giao, với hy vọng các nước châu Âu có thể "quay lưng" lại với Brussels trong một số vấn đề, ví dụ như thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Ông Trump đã chỉ trích Đức về quốc phòng, treo những phần thưởng chính trị cho Ba Lan và Anh; cũng như khen ngợi hết cỡ liên minh Italy...", ông Macaes phân tích. "Trong khi Nga tỏ ra còn khá vụng về, Trung Quốc hiểu cách để tự đưa mình vào những cuộc tranh luận này".
Để giải quyết thách thức trên, cần phải có một thứ mà các chính sách của châu Âu tỏ ra đang rất thiếu trong thời gian gần đây, chính là sự đoàn kết.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù tạo ra sự chia rẽ lớn, nhưng sức ép bên ngoài lại cũng giúp đưa toàn EU tiến về cùng hướng. Các nước thành viên giờ đây bắt đầu cân nhắc cái giá phải trả khi một mình "dính dáng" với một cường quốc lớn như Trung Quốc, đồng thời tái thực thi các chính sách phục vụ cho mục đích ban đầu của khối.
Ngoài ra, áp lực bên ngoài còn mở lối cho những cải cách chính sách vốn được chờ mong từ rất lâu, cho phép tất cả các thành viên EU đều được hưởng lợi một cách công bằng.