• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa động đất thương vong nặng nề, một tòa cao ốc tại Indonesia vẫn đứng vững

Thế giới 24/11/2022 12:25

(Tổ Quốc) - Khi một trận động đất 5,6 độ richter diễn ra tại tỉnh Tây Java của Indonesia hôm thứ Hai, ngay cả Jakarta, cách đó ba giờ di chuyển, cũng cảm nhận được sức mạnh của động đất. Khi nhiều người chạy ra khỏi văn phòng để đổ ra đường, người lao động trong một tòa nhà vẫn ở lại.

Họ tiếp tục làm việc như bình thường tại văn phòng của mình trong một tòa nhà chọc trời 51 tầng có tên Menara Astra ở trung tâm thủ đô của Indonesia.

Ưu thế về khả năng chống chịu với rung chấn

Tòa nhà bao gồm văn phòng, phòng trưng bày xe hơi, bảo tàng và cửa hàng. Đây là tòa nhà đầu tiên trên toàn Indonesia sử dụng hệ thống giàn đai được các quốc gia dễ bị động đất khác như Nhật Bản và Mỹ áp dụng từ lâu.

Ông Leonardi Kawidjaja, đến từ công ty thiết kế và kỹ thuật toàn cầu Arup Group, có trụ sở tại Jakarta, cho biết hệ thống giàn đai sẽ kết nối phần lõi của các bức tường và khung bên ngoài để giảm rung động và dịch chuyển trong tòa nhà.

Giữa động đất thương vong nặng nề, một tòa cao ốc tại Indonesia vẫn đứng vững - Ảnh 1.

Menara áp dụng các công nghệ chống chịu thiên tai tiên tiến. Ảnh: MENARA-ASTRA.CO.ID.

Tòa nhà cũng có một "tầng lánh nạn", nơi người lao động có thể trú ẩn trong các tình huống thiên tai khắc nghiệt. Vì hệ thống giàn đai cũng nằm được triển khai ở cả các tầng lánh nạn nên khu vực này sẽ có thêm 1 lớp bảo vệ.

Ông Kawidjaja, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách kết cấu xây dựng tòa nhà cho biết, việc lắp đặt hệ thống đó cho phép Menara Astra có thể chịu được địa chấn trong 500 năm.

Đối với Indonesia, quốc gia nằm dọc theo khu vực "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Menara Astra cũng đã cho thấy cách thành phố của họ có thể chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa trong tương lai. Một dự án hỗn hợp quy mô lớn khác có tên Thamrin 9, nằm cách Menara Astra 20 phút đi xe hơi, cũng đã áp dụng cách tiếp cận tương tự trong quá trình xây dựng.

Tập đoàn Arup cũng đang lắp đặt hệ thống chống động đất trong hai tòa nhà cao tầng hỗn hợp khác đang được xây dựng.

Khi động đất xảy ra, các tòa nhà bị sập do kết cấu yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong, và vì thế việc các tòa nhà có thể chống chịu được rung chấn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đảm bảo tính mạng người dân.

Đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như Indonesia, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống động đất cũng là một cách tiết kiệm tiền. Trong năm 2018, Indonesia đã chịu thiệt hại hơn 2,7 tỷ USD do sự tàn phá của động đất, theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia.

Ông Kawidjaja nói rằng trong khi các tòa nhà cao tầng ở Jakarta đã được thiết kế để chú ý đến động đất từ những năm 1970, các quy tắc thiết kế để chống chịu địa chấn vẫn liên tục được phát triển. Do đó công nghệ chống chịu thiên tai của các tòa nhà cũ đã bị lạc hậu trong thời điểm hiện tại và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi động đất hơn các tòa nhà hiện đại.

Năm 2012, Indonesia đã đưa ra một tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế địa chấn và cập nhật sổ tay hướng dẫn về cải thiện khả năng chống địa chấn trong các tòa nhà lớn hơn. Các tòa nhà cao hơn 40m ở Jakarta phải được thiết kế theo quy tắc Thiết kế Địa chấn Quốc gia Indonesia.

Khó khăn về tài chính tại các khu vực nông thôn

Tuy nhiên, thành công của Menara Astra cũng phản ánh một thực tế khắc nghiệt là các khu vực thành thị có thể dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ thiên tai hơn do sự tập trung quyền lực và của cải nhiều hơn. Trong khi các khu vực nông thôn và nghèo hơn vẫn phải sử dụng cơ sở hạ tầng kém. Menara Astra được PT Astra Land Indonesia, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn của Indonesia, xây dựng.

Sự khác biệt về cơ sở hạ tầng này có thể được nhìn thấy ở Cianjur, Tây Java – nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi trận động đất nông trong tuần này. Ít nhất 271 người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em đang đi học vào thời điểm trận động đất xảy ra. Số lượng người bị thương rất lớn và nhiều người vẫn mất tích. Các nhà chức trách cho biết ít nhất 22.000 ngôi nhà bị hư hại.

Giữa động đất thương vong nặng nề, một tòa cao ốc tại Indonesia vẫn đứng vững - Ảnh 2.

Các khu vực nông thôn chưa được áp dụng các công nghệ mới. Ảnh: Reuters.

Các quan chức chính phủ nói rằng nhiều người đã thiệt mạng khi các tòa nhà sụp đổ và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang ra lệnh xây dựng nhà ở chống động đất như một phần của nỗ lực tái thiết.

Phó Giáo sư Sulfikar Amir đến từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, người nghiên cứu về khả năng chống chịu với thiên tai, cho biết: "Có một khoảng cách về chống chịu thiên tai giữa thành thị và ngoại thành, nông thôn. Vấn đề chính là chi phí. Đối với các tòa nhà của chính phủ và các tập đoàn lớn, tiền có thể không phải là vấn đề lớn. Nhưng đối với các công ty, đại lý và nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn, họ có thể bỏ qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn vì lý do tài chính".

Bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý của Indonesia, cho biết các biện pháp cứng rắn hơn cần được thực hiện để đảm bảo việc tuân thủ tốt hơn các quy định xây dựng phòng chống thiên tai, có thể bao gồm việc áp dụng các hình phạt đối với việc vi phạm.

Bà nói thêm, trong nhiều nỗ lực tái thiết sau các trận động đất, chính phủ Indonesia muốn đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng mới được xây dựng sẽ có khả năng chống chịu được thiên tai. "Lộ trình đã được thực hiện nhưng mọi thứ còn chưa hoàn hảo", bà nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ