• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa khủng hoảng Ukraine: Quan hệ Trung – Nga thử thách phương Tây

Thế giới 09/02/2022 14:46

(Tổ Quốc) - Sự tham gia của ông Putin tại Olympic Bắc Kinh đã gửi đi nhiều tín hiệu tới phương Tây.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện một lập trường thống nhất chống lại Washington. Một tuyên bố chung dài được đưa ra sau cuộc họp kéo dài ba giờ của họ phản đối sự mở rộng thêm của NATO, chỉ trích liên minh mới Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và cảnh báo Washington không nên triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu hoặc châu Á.

Trong một nội dung đề cập đến Mỹ, ông Putin và ông Tập cho biết chính phủ của họ "hết sức cảnh giác về tác động tiêu cực của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực."

Từ một nhà lãnh đạo dường như thân cận với phương Tây, ông Putin đã trở thành một trong những đối tác địa chính trị gần gũi nhất của Trung Quốc. Giờ đây, với việc Moscow và Washington căng thẳng về vấn đề Ukraine, nhiều nguồn tin từ Nga nói rằng Putin đang trông cậy vào Trung Quốc để giúp củng cố sự ủng hộ. Đồng thời, một số chuyên gia còn cho rằng mối quan hệ này có thể đặt ra những thách thức mới đối với các nhà hoạch định quân sự Mỹ trong bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh giành vị thế siêu cường.

Nga tìm kiếm ủng hộ từ Trung Quốc

Ông Sergey Karaganov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, đồng thời là cố vấn lâu năm của Điện Kremlin cho biết: "Trung Quốc là bước đệm chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, chúng tôi có thể dựa vào đó để được hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế."

Nhu cầu về điều đó có thể đang tăng lên từng ngày.

Giữa khủng hoảng Ukraine: Quan hệ Trung – Nga thử thách phương Tây - Ảnh 1.

Chịu nhiều sức ép từ phương Tây, Mỹ và Nga đang xích lại gần nhau. Ảnh: Nikkei.

Kể từ mùa thu năm ngoái, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công. Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc có các kế hoạch như vậy, đồng thời yêu cầu phương Tây đưa ra ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ ngừng mở rộng về phía đông cũng như rút lực lượng về các vị trí như năm 1997.

Nếu ngoại giao thất bại, ông Putin đe dọa sẽ có một phản ứng "kỹ thuật quân sự", trong khi chính quyền Joe Biden cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Moscow cũng sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế Nga và các quan chức cấp cao, bao gồm cả chính ông Putin.

Cho đến nay, Trung Quốc đã lên tiếng thận trọng ủng hộ Nga. "Phía Trung Quốc thông cảm và ủng hộ các đề xuất mà Liên bang Nga đưa ra về các đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài ở châu Âu", tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau hội nghị tại Bắc Kinh viết. Tương tự như vậy, trong cuộc điện đàm hồi tháng trước với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thúc giục Washington giải quyết "những lo ngại về an ninh chính đáng của Nga".

Nhiều tiếng nói nổi bật của Nga hoan nghênh tín hiệu này. "Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là người đứng đầu Trung Quốc đã công khai ủng hộ các đề xuất an ninh của Nga", Thượng nghị sĩ Vladimir Dzhabarov, phó trưởng ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang, nói với tờ Parliamentskaya Gazeta.

Adalbi Shkhagoshev, một thành viên của Ủy ban An ninh và Chống Tham nhũng của Duma Quốc gia, nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng tuyên bố chung là "phát pháo chính trị hạng nặng."

Ở Trung Quốc, tờ Global Times ca ngợi sự khởi đầu của "kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới không do Mỹ định hình".

Trung – Nga không chỉ là quan hệ 'tiện lợi'

Lyle Goldstein, nhà phân tích tại Tổ chức ưu tiên quốc phòng có trụ sở tại Washington và là cựu giáo sư nghiên cứu tại Đại học hải chiến Mỹ cho rằng nếu Moscow và Bắc Kinh tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị và quân sự, Washington có thể bị phóng đại quá mức một cách nguy hiểm.

Kể từ năm 2019, Nga và Trung Quốc đã cùng nhau thực hiện các cuộc tuần tra hàng năm bằng máy bay ném bom tại các vùng biển lân cận. Vào tháng 10/2021, một nhóm tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã lần đầu tiên đi vòng quanh đảo Honshu chính của Nhật Bản. Chỉ một tháng sau, Bắc Kinh và Moscow đã ký một lộ trình quốc phòng 4 năm với cam kết "tăng cường hợp tác trong các cuộc tập trận chiến lược, tuần tra chung và các lĩnh vực khác".

Goldstein cho rằng Mỹ "không chuẩn bị cho chiến tranh ở châu Âu và châu Á. Việc bố trí lực lượng không chỉ là không đủ, thậm chí là không chặt chẽ."

Theo Andranik Migranyan, giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow và là cố vấn không chính thức của tổng thống Nga, Trung Quốc là sự lựa chọn hợp lý do sức mạnh kinh tế và sự cứng rắn ngày càng tăng của chính sách đối ngoại.

Ông lập luận: "Đây là một quyết định được thúc đẩy không phải bởi cảm tính, mà bởi sự cần thiết, bởi vì nếu bạn thấy mình bị bao vây và bị bóp nghẹt về tài chính, thì tất nhiên bạn sẽ tìm kiếm đối tác mà bạn có thể đẩy lùi áp lực này. Lựa chọn hiệu quả và thực tế nhất đối với Nga là Trung Quốc vì đây là quốc gia cũng nhận thấy mình đang chịu áp lực của Mỹ và có tham vọng dẫn đầu toàn cầu của riêng mình."

Mặc dù Trung Quốc chưa công nhận việc sáp nhập Crimea, nhưng nước này đã tránh chỉ trích nước láng giềng phương bắc và từ chối tuân thủ các lệnh trừng phạt. Kim ngạch thương mại Trung - Nga kể từ năm 2014 đã tăng từ 88,4 tỷ USD năm 2014 lên hơn 125 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, theo số liệu thống kê của Nga. Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy con số cả năm vượt quá 140 tỷ USD, được thúc đẩy bởi các dự án năng lượng.

Nga đã chào đón những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei Technologies. Nước này cũng đang theo đuổi các dự án với Trung Quốc trong không gian, bao gồm cả kế hoạch thành lập một cơ sở nghiên cứu chung trên mặt trăng.

Trong khi họ không còn liên minh quân sự chính thức, ông Putin và ông Tập cho biết tình bạn "không có giới hạn - không có vùng 'cấm'".

Trong một ghi chú được công bố hôm thứ Hai, Tom Miller tại Gavekal Research đã viết rằng mối quan hệ Nga-Trung không còn bị coi là chỉ đơn thuần là một "trục tiện lợi".

"Mỹ và các đồng minh của họ theo truyền thống coi Trung Quốc và Nga là những thách thức riêng biệt, làm việc song song thay vì hợp tác. Điều đó đang thay đổi", Miller nói.

Cũng như Trung Quốc ủng hộ lập trường của Nga đối với NATO, Moscow đã cùng với Bắc Kinh chống lại các liên minh do Mỹ dẫn đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đối thoại An ninh 4 bên và đặc biệt là AUKUS.

Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tạp chí có ảnh hưởng Russia in Global Affairs, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự phối hợp khá quan trọng trong vấn đề này vì Trung Quốc tuyên bố rằng việc mở rộng NATO là sai dù vấn đề không liên quan trực tiếp đến họ. Nga cũng làm như vậy đối với các hiệp ước khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương."

"Điều quan trọng là phải cho thấy rằng Trung Quốc và Nga đang đi cùng một hướng", Maslov nói, "bởi vì bản thân Nga không phải là một bên có ảnh hưởng lớn ở thế giới châu Á."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ