• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa leo thang nguy cơ xung đột với Nga, Ukraine tăng cường binh lực

Thế giới 02/02/2022 10:47

(Tổ Quốc) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã ký sắc lệnh tăng cường 100.000 quân cho lực lượng vũ trang của Ukraine trong vòng 3 năm và tăng thêm lương cho binh lính.

Về động thái này, ông Zelenskiy kêu gọi các nhà lập pháp Ukraine bình tĩnh và tránh hoảng sợ, nói rằng ông ra lệnh gia tăng lực lượng quân sự "không phải vì chúng ta sẽ sớm xảy ra chiến tranh ... mà để sớm và trong tương lai sẽ có hòa bình ở Ukraine".

Nga đã điều hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine, đồng thời phủ nhận kế hoạch tấn công nước này. Mỹ và các đồng minh thời gian gần đây cảnh báo sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt cứng rắn nếu Moscow thực hiện một cuộc tấn công như vậy.

Lực lượng vũ trang của Ukraine hiện có khoảng 250.000 người, thấp hơn nhiều so với sức mạnh tổng thể của Nga là khoảng 900.000 người. Ukraine cho biết họ đang làm việc với Ba Lan và Anh để tăng cường hợp tác "trong bối cảnh Nga đang tiếp tục gây hấn".

Phương Tây ủng hộ mạnh cho Ukraine

Trong chuyến thăm tới Kyiv, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ giúp Ukraine cung cấp khí đốt và vũ khí, cũng như viện trợ nhân đạo và kinh tế.

Ông Morawiecki cho biết: "Sống gần một nước láng giềng như Nga, chúng tôi có cảm giác như đang sống dưới chân núi lửa". Nhà lãnh đạo này đồng thời hứa hẹn với Ukraine về hỗ trợ đạn dược, bom cối, hệ thống phòng không di động và máy bay giám sát không người lái.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có cuộc gặp với ông Zelenskiy trong ngày thứ Ba. Động thái này phần nào thể hiện lập trường chung của phương Tây là ủng hộ cho Ukraine và cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng ông sẽ phải trả giá đắt cho bất kỳ hành động gây hấn nào.

Giữa leo thang nguy cơ xung đột với Nga, Ukraine ra tin tăng quân - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine đang rất cảnh giác trước mọi động thái của Nga. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi kêu gọi Nga lùi bước và tham gia đối thoại để tìm ra một giải pháp ngoại giao và tránh đổ máu thêm", ông Johnson cho biết trong một bài phát biểu trước khi ông đến thăm Ukraine.

"Là một người bạn và một đối tác dân chủ, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ủng hộ chủ quyền của Ukraine khi đối mặt với những bên tìm cách phá hủy nó."

Phương Tây tuần trước đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Nga, về việc cấm Ukraine gia nhập NATO và rút các lực lượng NATO khỏi Đông Âu, đồng thời bày tỏ sẽ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin nếu Moscow đồng thuận.

Nga vẫn chưa đưa ra tín hiệu về động thái tiếp theo của mình và Điện Kremlin nhắc lại rằng ông Putin sẽ đáp trả "khi ông ấy cho là cần thiết".

Tuần trước, ông Putin cho biết, dù Mỹ và NATO chưa giải quyết các yêu cầu an ninh chính của Moscow nhưng Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán.

Hôm thứ Ba, ông Putin đã điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi. Văn phòng của Tổng thống Italy cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp "bền vững và lâu dài" cho cuộc khủng hoảng và xây dựng lại một "bầu không khí tin cậy lẫn nhau".

Ông Draghi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng ở Ukraine "trước những hậu quả nghiêm trọng nếu cuộc khủng hoảng này có thể leo thang hơn nữa".

'Phải đoàn kết'

Bất chấp việc Nga tăng cường quân số tại khu vực biên giới, ông Zelenskiy đã nhiều lần phản đối cảnh báo của Mỹ và các đồng minh NATO khác rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

"Chúng ta phải đoàn kết chính trị trong nước. Bạn có thể đối lập với chính phủ, nhưng bạn không thể đối lập với Ukraine", ông Zelenskiy nói với các nhà lập pháp.

"Bạn có thể coi thường ... chính phủ, tổng thống, nhưng bạn không thể coi thường người dân của mình, gieo rắc hoảng sợ để gặt hái lợi ích chính trị, đưa mọi người vào tình trạng báo động", nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.

Bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm tàng nào về Ukraine đối với Moscow cũng sẽ dựa trên những lệnh cấm vận đã áp đặt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai chống chính phủ ở miền đông Ukraine vào năm 2014. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga đã làm suy yếu hành động của phương Tây, đặc biệt là giữa mùa đông lạnh giá hiện tại.

Kể từ khi Washington chính thức đưa ra trả lời cho các đề xuất an ninh của Nga vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lần đầu tiên đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày thứ Ba.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai cho biết, Mỹ đã nhận được văn bản đáp lời từ Nga về vấn đề này.

Một nguồn tin ngoại giao cấp cao nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng bức thư có câu hỏi của Ngoại trưởng Lavrov cũng được gửi tới các thành viên NATO khác để giúp những người đồng cấp của Moscow tại phương Tây hiểu khái niệm " an ninh không thể phân chia".

Moscow cho rằng việc NATO bổ sung 14 thành viên mới ở Đông Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh gây ra mối đe dọa đối với Nga và NATO đang vi phạm một nguyên tắc quốc tế đã được thống nhất rằng các nước không nên tăng cường an ninh của mình bằng cái giá của người khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ