(Tổ Quốc) - Hơn bao giờ hết, Trung Quốc cần phải củng cố quan hệ với các đồng minh của mình, đặc biệt là Nga và Ấn Độ.
Hôm thứ sáu (14/6), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong một tâm trạng khá phức tạp. Sau gần một năm giằng co với Mỹ trong cuộc chiến thương mại cùng với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, hơn bao giờ hết, Trung Quốc cần phải củng cố quan hệ với các đồng minh của mình.
Tại thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, hai nguyên thủ quan trọng nhất mà ông Tập gặp gỡ chính là nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và Thủ tướng mới tái đắc cử của Ấn Độ Narendra Modi.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narenda Modi sẽ gặp gỡ tại thượng đỉnh SCO 2019 (ảnh: getty)
CNN nhận định, một mặt không hề sai khi nghĩ rằng Chủ tịch Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Nga và Ấn Độ; mặt khác, vị thế hiện tại của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc sức mạnh "mặc cả" của các thành viên SCO khác cũng tăng lên.
"Tất cả các nước này đang đứng trước cơ hội có thể thực sự đạt được điều gì đó từ Trung Quốc", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London nói. "Họ cho rằng ông Tập Cận Bình có lẽ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn một chút so với năm ngoái".
Được thành lập vào năm 2001 với mục đích ban đầu là giải quyết các tranh chấp biên giới tại Trung Á, hội nghị thường niên SCO đã nhanh chóng lớn mạnh về cả thành viên và quy mô.
Theo truyền thông Trung Quốc, tám thành viên thường trực – Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và bốn nước Trung Á – đại diện cho "gần một nửa dân số toàn cầu và hơn 20% GDP thế giới". Do đó, diễn đàn đã trở thành một sự kiện chủ chốt để các thành viên bàn về các vấn đề an ninh và kinh tế trong khu vực.
Nếu có sự rạn nứt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong một thế giới toàn cầu hóa, bạn sẽ muốn có thêm đồng minh về phía mình, ngay cả khi họ không phải là đồng minh chính thức nhưng những nước đó sẵn sàng làm việc với bạn.
Steve Tsang
"Nếu có sự rạn nứt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong một thế giới toàn cầu hóa, bạn sẽ muốn có thêm đồng minh về phía mình, ngay cả khi họ không phải là đồng minh chính thức nhưng những nước đó sẵn sàng làm việc với bạn", ông Tsang nói.
Với mối quan hệ thân thiết của hai ông Putin và Tập Cận Bình được tái khẳng định tại Nga trong tháng này, nhà lãnh đạo Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ hướng sự chú ý về phía Thủ tướng Modi.
Trung Quốc và Ấn Độ có một mối quan hệ khá thất thường, thậm chí gần như bùng nổ vào năm 2017 do một xung đột liên quan tới biên giới Himalaya gần Bhutan. Tuy nhiên trong hai năm qua, với những áp lực từ phía Mỹ, hai nhà lãnh đạo Ấn, Trung đã tăng cường tìm kiếm thắt chặt quan hệ, bao gồm cả cuộc gặp mặt không chính thức tại Vũ Hán vào tháng 4/2018.
"Trung Quốc muốn quan hệ kinh tế với Ấn Độ phát triển, đặc biệt nếu họ có thể thuyết phục người Ấn sử dụng công nghệ Huawei cho mạng 5G của mình", ông Tsang đánh giá. "Sẽ rất có lợi cho chính phủ Trung Quốc nếu Huawei được coi là một sự thay thế cho phương Tây".
Hồi đầu tháng, Huawei đã ký một hợp đồng với nhà điều hành viễn thông lớn nhất của Nga là MTS, để phát triển công nghệ 5G và xây dựng mạng lưới thế hệ 5 tại Nga trong năm tới.
Khác với phương Tây, nơi các mối lo ngại an ninh liên quan tới Huawei đã khiến các hợp đồng bị ngưng trệ hoặc hủy bỏ, New Delhi cho tới thời điểm này hầu như không thể hiện sự công khai phản đối trước sự tham gia của công ty Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở 5G Ấn Độ.
Nói một cách rộng hơn, Modi từng làm rõ, ông đón chào các công ty nước ngoài đến với nền kinh tế Ấn Độ. Đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ đã tăng từ chưa đầy 25 tỷ USD năm 2014 – trước khi ông Modi nhậm chức, lên 45 tỷ USD vào năm ngoái.
Một câu chuyện thành công lớn chính là ngành công nghiệp điện thoại di động - đã giúp tạo nên một cú huých lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số của Ấn Độ. Số nhà máy điện thoại thông minh của Xiaomi đã tăng gấp tại Ấn Độ trong những năm gần đây và hiện thương hiệu Trung Quốc đang nhắm tới vị trí số một tại thị trường Nam Á.
Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, giá trị thương mại giữa hai nước năm 2017/18 chỉ đạt mức 84 tỷ USD – chỉ bằng một phần so với con số khổng lồ gần 600 tỷ USD của thương mại song phương Mỹ và Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đang có quan hệ rất gần gũi (ảnh: getty)
Vành đai và Con đường
Một số thành viên tham gia sáng kiến Vành đanh, Con đường của Trung Quốc, cũng có mặt tại SCO năm nay. Điều đó càng làm tăng tầm quan trọng của thượng đỉnh đối với Bắc Kinh.
"Đây là cánh tay an ninh của Vành đai và Con đường", Richard McGregor, học giả cấp cao tại Viện Lowy Sydney nhận định. Vành đai và Con đường là một chính sách hạ tầng cơ sở khổng lồ do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, nhằm thiết lập một hành lang thương mại thông qua đường sắt, đường bộ và cảng biển giữa Trung Quốc, châu Âu, Trung Đông và phần còn của châu Á.
Một yếu tố không thể thiếu của tuyến đường thương mại trên bộ, "Vành đai kinh tế Tơ lụa", chạy xuyên qua Trung Á.
Nhiều quốc gia Trung Á đã gặp khó khăn khi tham gia toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu sau sự sụp đổ của Liên Xô. Những hứa hẹn đầu tư quy mô lớn từ Trung Quốc, bao gồm xây dựng hệ thống đường sắt rộng lớn kết nối Tây Âu với Trung Quốc thông qua Trung Á – đã giúp thắt chặt quan hệ và quảng bá Trung Quốc như một đối tác khu vực đáng tin cậy.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường bước sang năm thứ sáu, có thể đem lại cho các thành viên SCO cả 'vành đai' an ninh và 'con đường' phát triển ngay giữa sự trỗi dậy của chủ nghĩa thương mại bảo hộ toàn cầu và chủ nghĩa kinh tế quốc gia, nhằm đạt được sự ổn định lâu dài và thịnh vượng chung", hãng thông tấn Xinhua viết.
Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng đang đối mặt với những chỉ trích đang ngày gia tăng từ các quốc gia đối tác trên toàn cầu liên quan tới Vành đai và Con đường, bao gồm cả những cáo buộc về các khoản nợ vô lý và loạt dự án phi thực tế.
Theo ông Tsang, Chủ tịch Tập gần như chắc chắn sẽ vấp phải một số phàn nàn ở phía sau sân khấu SCO từ các nước Trung Á, vốn đang không hài lòng với chi phí của các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. "Người Trung Quốc muốn nói đó là một chính sách 'hai bên đều chiến thắng' nhưng đó có thể là 'hai bên cùng thua' cho một số dự án chính, mà nước nhận được sẽ không thể trả nợ được", ông Tsang cảnh báo.