(Tổ Quốc) - Bầu không khí tích cực ở ngày làm việc đầu tiên của ông Trump tại Nhật đã phần nào bị "che phủ" bởi những gì nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một ngày Chủ nhật (26/5) bận rộn với chuyến công du đầu tiên tới Nhật Bản, trao cúp vô địch tại giải đấu vật sumo sau khi chơi golf với Thủ tướng Shinzo Abe và xác nhận rằng, ông sẽ không thúc ép Tokyo về một thỏa thuận thương mại – ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Tổng thống Trump trao cúp vô địch trong một giải đấu sumo (ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, theo tờ Japan Times, bầu không khí tích cực ở ngày làm việc đầu tiên trong chuyến công du bốn ngày của ông Trump tới quốc gia châu Á đã phần nào bị "che phủ" bởi những gì nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter. Trong đó, ông đề cập tới thương mại và hạt nhân Triều Tiên – hai vấn đề gần như chắc chắn khiến Thủ tướng Abe phải nhíu mày suy nghĩ.
Trong một tweet trước khi tới CLB golf Mobara, tỉnh Chiba vào buổi sáng, ông Trump dường như muốn làm giảm tầm quan trọng của những vụ thử tên lửa tầm ngắn mà Bình Nhưỡng đã tiến hành gần đây – khi khen ngợi Chủ tịch Kim Jong-un, đồng thời chĩa mũi nhọn vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ông Biden được cho là một đối thủ tiềm năng hàng đầu cho ông Trump trong bầu cử Tổng thống 2020.
"Triều Tiên đã phóng đi một số vũ khí nhỏ, và khiến một vài người của tôi và những người khác cảm thấy phiền lòng, nhưng không phải tôi", ông Trump viết trên Twitter. "Tôi tin rằng Chủ tịch Kim sẽ giữ lời hứa với tôi".
Trong khi Tổng thống Mỹ và giới chức Nhà Trắng coi việc Bình Nhưỡng không tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ - là một thành tựu; thì chính những "vũ khí nhỏ" (phần nhiều trong số này sở hữu khả năng tấn công Nhật Bản nhưng dường như lại không nhận được nhiều quan tâm từ Mỹ), là nguyên nhân chính dẫn tới các lo ngại của Tokyo.
Chưa dừng lại đó, đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo Mỹ "bỏ quên" kho vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên bất chấp những nguy cơ nó đem lại cho hai đồng minh lớn của Washington tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh: AFP)
Stephen Nagy, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thiên chúa giáo quốc tế Tokyo nhận định, một mặt Mỹ và Nhật Bản tỏ ra cùng chiến tuyến trong vấn đề phi hạt nhân hóa và vụ thử tên lửa Triều Tiên; mặt khác, kể từ sau khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc, các lo ngại của Tokyo không ngừng gia tăng.
"Ở mức độ sâu hơn… tình hình sau thượng đỉnh Hà Nội về phi hạt nhân và Triều Tiên khôi phục lại thử nghiệm tên lửa cũng như mở rộng ngoại giao với Nga, đã dẫn tới cách nhìn của Tokyo rằng, chính sách ngoại giao tối đa của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm giảm bớt trừng phạt và tìm kiếm lợi ích từ các bên liên quan", ông Nagy phân tích.
Ở mức độ sâu hơn… tình hình sau thượng đỉnh Hà Nội về phi hạt nhân và Triều Tiên khôi phục lại thử nghiệm tên lửa cũng như mở rộng ngoại giao với Nga, đã dẫn tới cách nhìn của Tokyo rằng, chính sách ngoại giao tối đa của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm giảm bớt trừng phạt và tìm kiếm lợi ích từ các bên liên quan.
Stephen Nagy
Bình Nhưỡng đã đưa ra một loạt các cảnh báo, yêu cầu Mỹ nhân nhượng trên bàn đàm phán và đe dọa sẽ có màn đáp trả; tuy nhiên, ông Trump có vẻ không thừa nhận các dấu hiệu này; đồng thời cho biết đã nói chuyện với một số cấp dưới của mình, bao gồm cả cố vấn an ninh theo trường phái cứng rắn John Boton.
Phát biểu tại Tokyo hôm thứ Bảy (25/5), ông Bolton khẳng định, "không nghi ngờ gì" các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn đưa ra một thông điệp tích cực, ít nhất trước công luận, về một thỏa thuận có thể đạt được với Triều Tiên – ngay cả khi các cuộc đàm phán vẫn đang trong thế bế tắc.
Trước khi ông Trump tới Tokyo, một số nhà quan sát dự đoán, Triều Tiên có thể thử tên lửa như một cách để gây sự chú ý. Tuy nhiên, hôm Chủ nhật, bầu trời vẫn trong xanh, yên bình như nó vốn có và hoàn toàn thích hợp cho một buổi chơi golf giữa hai nguyên thủ Mỹ, Nhật.
Một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hai nhà lãnh đạo "làm sâu sắc thêm tình hữu nghị trong một bầu không khí ấm cúng". Ông Trump cũng đồng thời xác nhận một thông tin trước đó là, ông sẽ không ép Nhật Bản tham gia một thỏa thuận thương mại song phương cho tới sau cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 sắp tới.
"Các cuộc đàm phán thương mại của chúng tôi với Nhật Bản đã có tiến triển rất tốt", ông Trump có một tweet khác cũng trong ngày 26/5. "Hầu hết sẽ chờ đợi cho tới sau cuộc bầu cử tháng Bảy của họ, khi mà tôi mong đợi những con số lớn".
Tin tức trên được đưa ra sau khi ông Trump phát biểu trong một hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào tối thứ Bảy (25/5) rằng, trong khi Nhật Bản đã có "một khía cạnh bền vững trong nhiều năm qua" về thương mại, Washington và Tokyo đã rất nỗ lực để thương thảo một thỏa thuận song phương mới đem lại lợi ích cho cả hai nước.
"Với thỏa thuận này, chúng tôi kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại, dỡ bỏ các rào cản cho xuất khẩu Mỹ và đảm bảo công bằng, có đi có lại trong mối quan hệ của chúng ta. Và chúng tôi đang tiến gần hơn", ông Trump nói.
Washington gần đây đã đe dọa sẽ áp thuế mới cho nhập khẩu ô tô và các phụ kiện từ Nhật Bản. Tháng Tư, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ tăng 17,7% lên 723 tỷ yên.