(Tổ Quốc) - Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ góc nhìn của "người trong cuộc" về nỗ lực ngoại giao vaccine suốt thời gian qua nhằm đóng góp vào chiến lược vaccine của Đảng và Nhà nước.
Trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine, tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân.
Đóng góp một phần vào chiến lược này, ngành ngoại giao Việt Nam nói chung và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nói riêng đã luôn nỗ lực, tranh thủ mọi sự ủng hộ để thực hiện ngoại giao vaccine, đưa bằng được vaccine về cho người dân trong nước.
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái bày tỏ: "Ngoại giao vaccine là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột xuất mà ngành ngoại giao được Đảng và Nhà nước giao. Nhìn lại thời gian qua, công tác ngoại giao vaccine đã được triển khai đồng bộ hiệu quả, sự tham gia tích cực, mang về trong nước rất nhiều nguồn vaccine".
Tính đến ngày 10/12/2021, Việt Nam đã ký hợp đồng mua, nhận viện trợ, tài trợ 211 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và đã tiếp nhận được 156,4 triệu liều vaccine. Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao, giúp làm giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế.
Nguyên nhân ngoại giao vaccine thành công vang dội
Lý giải nguyên nhân thành công của ngoại giao vaccine trong thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Công quốc Luxembourg, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo chia sẻ kinh nghiệm của ông đối với thị trường EU: "Nguyên nhân thành công của ngoại giao vaccine thể hiện ở một số khía cạnh. Đầu tiên là uy tín, vị thế của đất nước giúp chúng ta có tiếng nói có trọng lượng. Việt Nam có hệ thống bạn bè rất tình nghĩa và gắn kết chặt chẽ lợi ích. Thứ hai là ngoại giao vaccine khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi Việt Nam là một thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu chúng ta bị ảnh hưởng quá nhiều vì đại dịch thì sẽ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính các nước nằm trong chuỗi cung ứng đó, cụ thể là EU cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã nêu ra cách lập luận này để trao đổi với đại diện các nước EU rằng việc cung cấp vaccine không chỉ giúp cho Việt Nam mà còn giúp cho chính các nước châu Âu. Họ cũng đã ý thức điều này rất rõ ràng và họ đã viện trợ vaccine".
Về quá trình thực hiện ngoại giao vaccine, ngành ngoại giao Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao song phương và đa phương. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, ngoại giao đa phương là vận động hỗ trợ vaccine thông qua Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 (COVAX). Và không dừng lại ở ngoại giao đa phương, chúng ta còn kết hợp ngoại giao song phương, đó là vận động qua kênh của từng nước một. Đây cũng là điều chưa có tiền lệ khi chúng tôi làm việc với COVAX, với EU thì họ có nói là họ không vận động vaccine qua chương trình song phương mà chỉ làm qua đa phương. Nhưng sau khi chúng ta phân tích kỹ lưỡng, họ thấy rằng họ kết hợp cả chương trình song phương và đa phương".
Hiện EU đã viện trợ vaccine qua cả chương trình COVAX cũng như qua các kênh song phương với Việt Nam và hiện chỉ đứng sau Mỹ có số lượng hỗ trợ vaccine cho Việt Nam nhiều nhất.
Giai đoạn mới của ngoại giao vaccine
Sau những thành tựu đạt được trong thời gian qua, trong năm 2022, công tác ngoại giao vaccine sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng, đặc biệt là giữa diễn biến phức tạp của các biến chủng Covid-19 mới như hiện nay.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho hay: "Từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về ngoại giao vaccine, trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động được rất nhiều. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta phải chủ động hơn, tự chủ về vaccine như sản xuất, đóng chai tại Việt Nam".
Đồng tình với nhận định này, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái chia sẻ: "Ngoại giao vaccine không chỉ giúp chúng ta chủ động trong phòng chống dịch mà còn chủ động để phục hồi. Bây giờ không chỉ là ngoại giao vaccine, ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung, chúng ta cũng cần chuyển hướng sang trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, nâng cao năng lực điều trị, thích ứng trong bối cảnh mới".