• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS.KTS Hoàng Đạo Kính- Người được nuôi dưỡng từ mạch nguồn và hồn cốt văn hóa Hà Nội

Văn hoá 08/10/2024 07:45

(Tổ Quốc) - Ông là một giáo sư hàn lâm với kiến thức uyên thâm không chỉ ở lĩnh vực kiến trúc mà còn là một kho tàng văn hóa. Ông dung dị dễ mến, dễ gần và khi tiếp cận thì cả kho kiến thức văn hóa lịch sử bung nổ. Tình cảm ấy, trí tuệ ấy, văn hóa ấy đều được bắt nguồn từ hồn cốt của Hà Nội từ lâu đã ngấm vào mạch nguồn cảm xúc, hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần của con người GS.KTS Hoàng Đạo Kính.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941, năm 1954, ông được chọn là 1 trong 100 "hạt giống đỏ" của Cách mạng để đào tạo ở nước Nga Xô Viết.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính- Người được nuôi dưỡng từ mạch nguồn và hồn cốt văn hóa Hà Nội - Ảnh 1.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính là một kho tàng sống về kiến trúc và văn hóa

Suốt thời trai trẻ, trải dài qua 3 thập kỷ sống trong văn hóa Nga, vẻ đẹp lặng lẽ, xưa cũ của kiến trúc Nga càng làm sống dậy một niềm hoài niệm sâu sắc về những mái nhà thấp bé, những ngôi chùa vắng vẻ, những miếu thờ đơn sơ và đặc biệt một "Hà Nội có những con phố cũ kỹ, luộm thuộm đầy kịt chất đời và vị sống. Những con phố cũ che không xuể cái cũ, cái nghèo, cái duyên thầm của mình". Hoài niệm ấy kết thành tình yêu tha thiết đối với những di sản kiến trúc của quê hương, nó thôi thúc ông trở về, phải đi tìm lại vẻ đẹp đích thực của những di sản kiến trúc từ xa xưa. Và ông trở thành Tiến sĩ, Kiến trúc sư đầu tiên về di sản và trùng tu của Việt Nam.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã từng nói về ông: "Đi ngược lại ý kiến nhiều người, Hoàng Đạo Kính cả quyết nói rằng ông không tin có một khu phố cổ ở Hà Nội, mà đó chỉ là những khu phố cũ cần được làm cho thuần nhất theo đúng tinh thần truyền thống. Chúng ta biết rằng nay là lúc cả xã hội đang có xu thế tìm về cội nguồn và nói cho cùng thì những biểu hiện gọi là tình yêu đối với nền văn hóa quê hương xứ sở dễ dàng được nhiều người chia sẻ. Trong khi một số đông thường biến tình yêu đó thành một cái cớ để đặt di sản xưa trong một khoảng cách lý tưởng rồi đứng ở xa mà xuýt xoa ca ngợi, thì một số trí thức như Hoàng Đạo Kính tìm cách đứng gần hơn và tiếp cận di sản bằng một cái nhìn văn hóa cần thiết". Ông nhìn Hà Nội như thế...

Giáo sư - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) là một trong những nhà chuyên môn đã từng tham gia khởi đầu công cuộc tu bổ các di tích lịch sử theo khoa học. Từ những năm 90 của thế kỷ trước và trong suốt nửa thế kỷ vừa qua, ông đã góp sức trùng tu nhiều di tích đặc biệt quan trọng; từ đó, ông hiểu rõ quan niệm hiện đại về bảo tồn, tu bổ di tích cũng như hiểu rõ việc tuân thủ bài bản quốc tế, để tìm ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm, giá trị và hiện trạng di tích trên khắp các vùng miền ở nước ta. Tất cả mọi sự tích lũy đó đã giúp định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản "Các công trình kiến trúc không chỉ dừng lại ở việc đưa ra giải pháp, những hợp đồng, mà còn phải dựa trên nền tảng văn hóa. Nói cách khác, kiến trúc phải mang bản chất văn hóa".

Có lẽ bây giờ ít ai biết, ông là một trong những người có công đầu trong việc định hình diện mạo của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám hiện nay.

Những năm đầu thập niên 90, ông cùng cộng sự tôn tạo di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đó, 82 tấm văn bia ở Văn Miếu cứ dãi dầu mưa nắng mà không có bất cứ một biện pháp bảo vệ nào.

Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đặt vấn đề bảo quản bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhiều phương án bảo tồn được đưa ra. Có người đưa ý kiến bảo quản văn bia bằng hóa chất, nhưng KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng không hóa chất nào chịu được mưa nắng ngoài trời sau nhiều năm, chưa nói hóa chất có thể tác động ngược lại với đá. Có người lại muốn dựng một nhà bia lớn phủ lên trên cả hai dãy bia, để che tất cả bia nếu làm to như mái đình thì mái nhà bia phải cao 8, 9 thước, sẽ "nuốt chửng" Khuê Văn Các và biến hồ Thiên Quang Tỉnh thành chiếc ao nhỏ.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính- Người được nuôi dưỡng từ mạch nguồn và hồn cốt văn hóa Hà Nội - Ảnh 2.

Sau nhiều năm sử dụng, khai thác trên thực tiễn cho thấy, việc dựng nhà che bia vừa giúp di sản được bảo vệ, vừa tạo sự gần gũi với khách tham quan

KTS Hoàng Đạo Kính đưa quan điểm: "Các cụ ngày xưa xây nhà bia, tại sao bây giờ không xây nhà bia", đó là cách bảo vệ cổ truyền. Hơn nữa cách thức ấy hòa nhập với sân thứ 3 của Văn Miếu, hồ Thiên Quang Tỉnh và Khuê Văn Các.

Tám dãy bia, ông chia làm hai hàng, mỗi hàng làm 4 nhà bia. Như vậy khẩu độ chia nhỏ ra, mái thấp chỉ hơn 3 thước. Nhà bia trở thành cái nền hợp lí cho Khuê Văn Các cao gần 15 mét. Mái che 8 dãy bia Văn Miếu, ai mới nhìn cũng tưởng là công trình có lịch sử vài trăm năm nhưng thực ra đến nay, nhà bia mới có "tuổi đời" tròn 30 năm.

"Văn Miếu đã có nhiều đợt tôn tạo, xây mới. Có đợt từ thời Lê, có đợt thời Nguyễn. Sau này, chúng ta cũng đã xây thêm nhà bia, nhà Thái học – hai hạng mục không có trong di tích gốc", PGS-TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nói. Cũng theo ông Đặng Văn Bài, nếu chiếu theo luật Di sản bây giờ, việc xây thêm hai hạng mục trên sẽ không thể thực hiện được. Trong khi, chính hai hạng mục đó đã phát huy giá trị bảo vệ, phát triển, sử dụng tại Văn Miếu rất rõ.

Và cho đến hiện nay, sau nhiều năm sử dụng, khai thác trên thực tiễn cho thấy, việc dựng nhà che bia vừa giúp di sản được bảo vệ, vừa tạo sự gần gũi với khách tham quan.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ quốc gia các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7, tháng 11/1997, KTS Hoàng Đạo Kính là người lập dự án trùng tu Nhà Hát Lớn Hà Nội, được Chính phủ giao cương vị Giám đốc BQL của dự án quan trọng này.

Lúc bắt tay vào công việc, ông đã sang tận nước Pháp để tìm tư liệu. "Nhà hát Lớn Hà Nội là một cuộc hội nhập, giao lưu văn hóa, kiến trúc sớm của Việt Nam với thế giới. Khi bắt đầu chủ trì việc trùng tu Nhà hát Lớn, tôi có gặp một số người nước ngoài, người ta nói công trình này được ghi vào danh sách 20 nhà hát Opera đẹp của thế giới. Và đúng thật là nó đẹp, sang theo kiểu Pháp, nhìn mãi không chán lại rất chừng mực. Phòng biểu diễn không lớn nhưng được thiết kế phù hợp về độ cao, độ thấp của tầng trệt, lên đến ban công lớp một, lớp hai. Vào đó dù là nghệ sĩ hay khán giả đều cảm thấy mình to lớn, quan trọng, quý phái hơn rất nhiều", KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ tại thời điểm đó.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, Nhà hát Lớn Hà Nội tuy quy mô không lớn nhưng được thiết kế theo bố cục điển hình: đại sảnh, cầu thang long trọng sau đó đến phòng gương trên lầu, khán phòng được cấu tạo thành ba lớp, trong đó tầng dưới dành cho số đông khán giả. Kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội là kiểu hậu cổ điển và đã bắt đầu có hơi hướng của nền kiến trúc chuyển sang hiện đại; kết hợp cả sự lộng lẫy của cung điện châu Âu với những hoa văn Á Đông trang trí sàn, phòng gương, bậc thềm, chiếu nghỉ...

GS.KTS Hoàng Đạo Kính- Người được nuôi dưỡng từ mạch nguồn và hồn cốt văn hóa Hà Nội - Ảnh 3.

Sau này, KTS Hồ Thiệu Trị khẳng định "Trùng tu Nhà Hát Lớn là công trình lớn nhất đời tôi" và cuộc gặp gỡ với KTS Hoàng Đạo Kính là "bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kiến trúc của tôi"

Vì những điều trên, KTS Hoàng Đạo Kính cho hay, khi trùng tu công trình đòi hỏi nhiều yếu tố vừa đảm bảo được chức năng biểu âm nhạc cổ điển, nét kiến trúc nguyên bản lại cần nâng cấp hệ thống âm thanh, chiếu sáng mới, hệ thống điều hòa, vệ sinh khép kín...

Song ông Hoàng Đạo Kính nhận định: "Tôi đã đến nhiều nhà hát trong đó có Garnier, qua đó có thể khẳng định, Nhà hát Lớn Hà Nội là kiến trúc độc nhất vô nhị, không giống bất kỳ nhà hát nào trên thế giới cả về thời điểm xây dựng, kiến trúc, quy mô".

Ông đã đưa KTS Việt kiều Pháp Hồ Thiệu Trị, một người theo ông là tài năng, tinh tế, hiểu kiến trúc Pháp tham gia vào dự án này. Sau này, KTS Hồ Thiệu Trị khẳng định: "Trùng tu Nhà Hát Lớn là công trình lớn nhất đời tôi" và cuộc gặp gỡ với KTS Hoàng Đạo Kính là "bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kiến trúc của tôi".

Sau hơn 2 năm trùng tu, những giá trị cơ bản về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của người Pháp năm 1911 ở Nhà Hát Lớn vẫn được giữ nguyên vẹn. Đồng thời, gần 400 trăm tấn thiết bị điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị vệ sinh được lồng ghép khéo léo đến nỗi không gian vẫn được giữ như cũ. Khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Hà Nội nhân Hội nghị thượng đỉnh này, vừa bước chân vào Nhà Hát Lớn, ông liền quay sang bắt tay Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông Tin Nguyễn Khoa Điềm và nói: "Xin chúc mừng ông, các ông đã có một cuộc trùng tu và bảo tồn Nhà hát Lớn rất thành công".

Trong sự nghiệp lớn của mình, KTS Hoàng Đạo Kính có hàng nghìn dự án trùng tu, xây dựng, bảo tồn di sản, nhưng những đóng góp của cho Hà Nội và di sản văn hóa Thủ đô đã đặt dấu ấn không thể phai mờ./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ