(Tổ Quốc) - Tờ báo Guardian của Anh ngày 26/9 đưa tin, các nhà chức trách Đức đang cố gắng xác định điều gì đã gây ra sự sụt giảm áp suất đột ngột trong đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2 do Nga sở hữu.
Sự cố bí ẩn
Một phát ngôn viên của nhà điều hành Nord Stream 2 cho biết, nguyên nhân rất có thể là do rò rỉ, áp suất trong đường ống dẫn khí dưới biển đã giảm từ 105 xuống 7 bar trong đêm.
Theo tờ Guardian, kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2, đường ống này là một trong những tiêu điểm của cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Moscow, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế phương Tây và khiến giá khí đốt tăng vọt.
Đường ống Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Nga theo kế hoạch sẽ giúp tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt từ Vyborg (Nga) đi dưới biển Baltic đến Đức, đã được hoàn thành và chứa đầy 300 mét khối khí đốt khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz quyết định hủy bỏ dự án không lâu trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
Theo tờ Guardian, các nước châu Âu đã phản đối các lời kêu gọi của Nga cho phép Nord Stream 2 hoạt động và cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng làm vũ khí. Nhưng Nga phủ nhận việc này và đổ lỗi cho phương Tây về tình trạng thiếu khí đốt.
"Hiện chúng tôi đang liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ sự việc. Chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân và sự thật chính xác là gì", thông báo từ Bộ Kinh tế Đức cho biết.
Nhà điều hành Nord Stream 2 có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết, họ đã thông báo cho tất cả các đơn vị có liên quan và sự rò rỉ, nếu đó là nguyên nhân, không thể xảy ra tại điểm tiếp đất ở Lubmin - miền bắc nước Đức.
"Nếu việc này xảy ra ở Lubmin, bạn sẽ nghe thấy tiếng động", phát ngôn viên của nhà điều hành Nord Stream 2 nói.
Đức đã thông báo cho các nhà chức trách Đan Mạch về vụ việc và đang cố gắng xác định xem liệu sự sụt giảm áp suất có xảy ra trong vùng biển của Đức hay không.
Các nhà chức trách Đan Mạch cũng đã yêu cầu các tàu thuyền tránh xa bán kính năm hải lý ngoài khơi đảo Bornholm của nước này.
Chưa ảnh hưởng đến giá khí đốt
Theo chuyên gia, vụ rò rỉ của đường ống Nord Stream 2, nếu đúng là như vậy, sẽ không tác động ngay lập tức đến hoạt động kinh doanh khí đốt.
Tom Marzec-Manser - người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt của Independent Commodity Intelligence Services - cho biết: "Về nguồn cung cho châu Âu, không ai trên thị trường suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng Nord Stream 2 có thể đi vào hoạt động và là con đường dẫn đến thị trường cho khí đốt của Nga, vì vậy sự cố này sẽ chưa ảnh hưởng đến giá cả."
Giá gas bán buôn sẽ giao vào cuối tuần này ở Anh đã giảm gần 24% xuống mức 160 bảng Anh mỗi Therm vào ngày 26/9, giá giao vào ngày 27/9 giảm 17% xuống mức 190 bảng Anh mỗi Therm (Therm là đơn vị thương mại của nhiệt. 1 Therm bằng 100.000 Btu, tương đương khoảng 97 feet khối khí đốt tự nhiên, tương đương khoảng 29,3 kilowatt giờ (kWh) năng lượng).
Chuyên gia Marzec-Manser phân tích, giá khí đốt giảm trở lại là do một loạt các yếu tố bao gồm tiến độ lấp đầy các kho dự trữ khí đốt. Giá cũng đã giảm do sản lượng điện gió tăng và các dấu hiệu cho thấy Na Uy đã hoãn kế hoạch bảo trì định kỳ hàng năm tại các mỏ khí đốt của mình để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Ông Marzec-Maser cho biết: "Thực tế là việc sản xuất điện gió đã phát triển và có rất nhiều năng lượng gió trên khắp lục địa đã giảm bớt áp lực về lượng khí đốt cần thiết, đặc biệt là đối với các vấn đề về thủy điện và hạt nhân."
Theo ông Marzec-Maser, mực nước thấp ở miền nam Na Uy đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng thủy điện, trong khi các nhà máy điện hạt nhân của Pháp phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả nhiệt độ nước sông tăng cao.
Tuy nhiên, ông Marzec-Maser cũng cho biết, mối quan ngại vẫn còn về việc châu Âu sẽ được cung cấp khí đốt như thế nào trong năm tới khi các kho dự trữ có khả năng bị cạn kiệt và khí đốt của Nga rất có thể sẽ không có sẵn.