(Tổ Quốc) - Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại cuộc họp giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng chiều 21/8.
Xây một công trình xấu trên địa bàn Thủ đô thì 50 - 70 năm sau cũng không thể "xóa" được
Tại buổi làm việc, vấn đề cải tạo chung cư cũ được lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng bày tỏ quan tâm.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, trên địa bàn Thủ đô có nhiều nhà chung cư đã quá cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp rất nhiều vướng mắc. Để xử lý được vấn đề này cần phải giải quyết hài hòa được bài toán lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và cả xã hội và phải có để xuất cải tạo từng loại hình một.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc cải tạo chung cư cũ đã được thành phố triển khai từ 15 năm nay. Điển hình như nhiều khu nhà chung cư cũ ở Giảng Võ, dân di dời đi ở chỗ khác cả chục năm rồi nhưng nhà vẫn chưa xong.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở thì việc cải tạo chung cư cũ phải đảm bảo 100% chủ sở hữu ủng hộ. Qua tham khảo ở một số quốc gia, để cải tạo nhà chung cũ chỉ cần 70% chủ sở hữu đồng ý. Vì vậy, Sở kiến nghị Bộ xem xét vấn đề này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1992 và đều đang xuống cấp. Vừa qua, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng nhà ở.
Nêu quan điểm “Xây một công trình xấu trên địa bàn Thủ đô thì 50 - 70 năm sau cũng không thể xóa được”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, Hà Nội không thể đẹp được nếu không cải tạo chung cư cũ.
Về một số vấn đề khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, Hà Nội đang có mấy nghìn căn hộ theo dạng không phải nhà ở (Condotel, Officetel…). Thông thường, Hà Nội không xác định chỉ tiêu về dân số đối với loại căn hộ này nên dễ dẫn đến nguy cơ dạng bán nhà ở. Chính vì vậy, ông đề nghị thành phố cần xác định chỉ tiêu về dân số trong các chủ trương đầu tư mới.
Đối với vấn đề cấp phép xây dựng cho mấy trăm nghìn hộ dân ngoài mặt đê sông Hồng, theo Thứ trưởng Hùng, đây là vấn đề lớn. Hiện, Bộ Xây dựng đã có văn bản để tháo gỡ khó khăn nhưng không thể đảm bảo cho tất cả. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì đội quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới.
Theo Thứ tưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, Hà Nội cần khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch khu bắc sông Hồng. “Toàn trục đường 5 kéo dài đến cầu Đông Trù sẽ xây dựng nhà cao tầng để giãn dân. Tuy nhiên, Hà Nội hiện có quy hoạch một số nhà thấp tầng nên đề nghị phải xem lại để đỡ lãng phí đất đai, diện tích” - Thứ trưởng Toàn đề nghị. Về kiến nghị chỉ cần 70% chủ sở hữu chung cư đồng ý là có thể triển khai cải tạo chung cư cũ, ông Toàn bày tỏ đồng tình và cho biết, cần phải nghiên cứu thêm về đề xuất này.
Hà Nội đang bị “bó” trong tư duy cũ
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã xác định được vai trò của công tác quản lý đô thị.
Về một số vấn đề trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong 10 năm phát triển vừa qua, mô hình chùm đô thị trong đó đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh đã bộc lộ hạn chế, khiến Hà Nội bị “bó” trong tư duy cũ này. Tư duy cũ này làm hạn chế việc sử dụng đất, nguồn lực và chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng dân số như hiện nay.
“Chúng ta có đưa trường đại học, bệnh viện ra ngoài thành phố nhưng con người thì vẫn là công dân của Hà Nội. Vấn đề là dân Hà Nội đi làm, đi chữa bệnh, đi học hay đi đón con lại mỗi nơi một hướng. Để giải quyết được vấn đề này cần xử lý một phân khu để tránh được những xung đột đó” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Về quy hoạch chiều cao, Bộ trưởng cho rằng, khi triển khai làm Ga Hà Nội, Hồ Tây đã bị vướng ngay quy định do chính Hà Nội ban hành. Quy định hiện nay đang “cứng” quá, cần phải linh hoạt để đáp ứng với nhu cầu phát triển đô thị. Hà Nội nên chỉnh sửa lại quy hoạch chiều cao ở 4 quận nội đô. “Cần đổi mới tư duy trong phát triển không gian đô thị” - Bộ trưởng nói.
Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ mà các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, Hà Nội đã rất tích cực nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Hiện nay, tất cả các đô thị đều mắc vấn đề này chứ không riêng gì Hà Nội. Theo Bộ trưởng, vấn đề này đang vướng về cơ chế chính sách. Do đó, Bộ sẽ làm việc thêm với Hà Nội riêng về việc này.
"Nếu Bộ Xây dựng và Hà Nội không quyết liệt thì sẽ không giải quyết được tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với việc cải tạo chung cư cũ. Hà Nội cần phải làm điểm để rút kinh nghiệm chung cho cả nước" - Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2012, dù thành phố đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng. Chủ yếu do quy định luật làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước. Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền. “Nếu không hành động thì rất khó tiến triển” - ông nhấn mạnh.