(Tổ Quốc) - Chiều 13/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Thành uỷ Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương. Đây là cuộc làm việc thứ 6 trong kế hoạch làm việc với 8 bộ, ngành Trung ương của Hà Nội nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của TP trong giai đoạn tới.
- 22.07.2020 Bí thư Hà Nội: Quốc Oai phải quyết tâm không cam chịu trì trệ, không để bị tụt lại phía sau
- 14.07.2020 Bí thư Hà Nội: “Biến nền tảng, truyền thống nghìn năm văn hiến thành động lực để phát triển thành phố”
- 10.07.2020 Bí thư Hà Nội: Hoàn thiện Khu CNC Hòa Lạc để nhà đầu tư "nhìn vào đã muốn đến"
Hoàn thiện ngay quy hoạch nhằm đảm bảo không gian phát triển công nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ lớn, chỉ đứng sau TP HCM về kinh tế. Chính vì vậy, các đề án khi xây dựng sẽ không chỉ gói gọn trong Thủ đô mà phải lớn hơn, quy mô tầm cả nước thậm chí khu vực Đông Nam Á.
Hà Nội phải kéo được các doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn. Bởi, trong bối cảnh nhiều cơ chế vướng mắc như hiện nay thì nếu không có những doanh nghiệp này rất khó để phát triển. Đồng thời, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì Hà Nội cũng cần phải thường xuyên phối hợp với các bộ ngành.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Hà Nội là thành phố lớn, có nhiều mảng công nghiệp nên nếu không xác định được đâu là việc chính thì sẽ “lạc lối”.
Ngoài ra, TP Hà Nội quỹ đất có hạn, nếu nhìn về lợi ích thì sẽ kinh doanh bất động sản chứ không ai nghĩ đến làm công nghiệp cả. Chính vì vậy, trước khi những vùng đất như Thạch Thất, Quốc Oai trở thành đô thị “phủ kín” nhà dân thì Hà Nội cần phải hoàn thiện ngay quy hoạch nhằm đảm bảo không gian phát triển công nghiệp.
“Với mục tiêu đã xác định là mỗi m2 đất phải có giá trị gia tăng cao nhất thì công nghiệp ở Hà Nội phải xác định theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ xanh. Đừng bao giờ nghĩ đến Hà Nội để phát triển công nghiệp sắt thép, dệt may, phụ trợ” - ông Khánh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hà Nội chính là hình mẫu về việc đưa ra bài học, kinh nghiệm cho cả những kết quả đạt được và tồn tại về cơ chế chính sách lẫn quản lý điều hành.
Qua nghe các ý kiến phát biểu trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: “Chúng ta đã làm rõ được đặc thù của Hà Nội nhưng chưa làm rõ được từ đặc thù đó sẽ đưa ra những yêu cầu gì, có thuận lợi khó khăn gì”.
Theo ông Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng mới như hiện nay, Hà Nội cần phải xác định rõ không gian công nghiệp, các không gian kinh tế, rộng hơn nữa là hệ sinh thái. Ngay từ đầu phải làm tốt công tác quy hoạch, Hà Nội phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế, thấy được dư địa để từ đó Bộ Công Thương có điều kiện cơ sở để phối hợp.
“Trước khi quá muộn phải xây dựng không gian công nghiệp, nếu không thì Hà Nội sẽ chỉ thuần túy là một trung tâm về dịch vụ, thương mại” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, Hà Nội cần tạo ra cơ, chế nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, và phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh. Quan trọng là phải xây dựng được các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển được trong điều kiện hiện nay. Để đạt được điều đó, có 3 yếu tố cần tập trung hoàn thiện sớm đó là: Thứ nhất là cải cách hành chính và tiếp tục thực hiện tốt Chính phủ điện tử; Thứ 2 là quy hoạch và phát triển hệ thống Logistic; Thứ ba là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hỗ trợ để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về thương mại điện tử
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Công Thương phối hợp với TP xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá.
Đặc biệt là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.
Bên cạnh đó, Bí thư Hà Nội cũng mong muốn Bộ Công Thương tạo điều kiện hỗ trợ TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hòa Lạc.
“Đặc biệt là đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao và có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, ưu tiên liên doanh liên kết theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực cho tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực thành phố sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Về lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố. Triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025. Tiếp tục hỗ trợ thành phố trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về thương mại điện tử. Theo đó, cần tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại lớn trên thế giới, hỗ trợ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cung ứng sản phẩm hàng hoá.