(Tổ Quốc) - Nhân dịp Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), sáng 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GDĐT Hà Nội năm 2023, có 68 tập thể và 60 cá nhân nhà giáo được tuyên dương dịp này.
- 14.11.2023 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT
- 14.11.2023 Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
- 02.11.2023 Đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội
Năm 2023, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội, GDĐT có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học, ngành học.
Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, năm học 2023-2024, TP. Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,2 triệu học sinh, gần 123.000 giáo viên. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 72,7%.
Công tác quản lý nhà nước về GDĐT trên địa bàn Thành phố được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Sở GDĐT đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua 5 Nghị quyết tại kỳ họp HĐND Thành phố, trong đó có những cơ chế, chính sách, nội dung mới.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; tổ chức công khai, minh bạch, đúng quy định Kỳ tuyển dụng viên chức với 608 chỉ tiêu làm việc tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT. Tham mưu UBND Thành phố trình Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng 1 Nhà giáo Nhân dân và 56 Nhà giáo Ưu tú cho các nhà giáo thuộc Thành phố Hà Nội.
Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Trình Bộ GDĐT phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, 7, 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại Hà Nội.
Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế, là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Hà Nội tổ chức an toàn 6 kỳ thi, đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố đạt 99,56% (xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022; Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp THPT nhất cả nước với 1.232 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022). Trong đó, khối giáo dục thường xuyên đạt gần 98,3%, tăng 2% - tăng 4 bậc so với năm 2022).
Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Tham mưu Thành phố đăng cai tổ chức và giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc lần thứ XII, năm 2022. Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội.
Công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp Đảng năm học 2022-2023 tại các trường thuộc Sở là 92 học sinh, bằng hơn 3 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022) là 26 học sinh.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GDĐT được đẩy mạnh. Chỉ số cải cách hành chính của Sở đứng trong top 10 các sở, ngành Thành phố; thành lập Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. Hà Nội cũng đẩy mạnh, tăng cường hợp tác về GDĐT với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên Thế giới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Trần Thế Cương ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu cho các ngành học, cấp học với thành tích xuất sắc, đóng góp vào kết quả toàn diện, nâng cao chất lượng GDĐT của Thủ đô.
Giám đốc Trần Thế Cương cũng trân trọng cảm ơn sự đóng góp tích cực, thầm lặng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo các trường phổ thông chuyên biệt như: Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu; Trường PTCS Xã Đàn, Trường Tiểu học Bình Minh đã không ngại khó khăn, vất vả để dạy dỗ học sinh, phấn đấu thực hiện tốt mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và trẻ em thiệt thòi.
"Người thầy giáo luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi con người, là những nhân tố căn bản nhất trong sự nghiệp GDĐT. Chính các nhà giáo đã tạo dựng nền móng thành công của các thế hệ học trò, đặt dấu ấn quan trọng, góp phần vào công cuộc đổi mới thành công. Trở thành người thầy giáo, xứng đáng là thầy giáo, là đích của cuộc đời mỗi người đã chọn cho mình nghề dạy học", Giám đốc Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ niềm vui, sự cảm động khi đến dự lễ kỷ niệm của ngành GDĐT Thủ đô, Bộ trưởng gửi tới các nhà giáo lời thăm hỏi, lời chào và lời chúc mừng, đặc biệt là lời chúc mừng đến 68 tập thể, 60 cá nhân nhà giáo được tuyên dương.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, sự nghiệp giáo dục vốn đầy thách thức, nhiệm vụ đầy vinh quang và lớn lao nhưng cũng đầy khó khăn, cho nên mỗi thầy cô làm tốt phần việc của mình tức là đã góp một phần làm cho sự nghiệp giáo dục tốt hơn. "Những người tiên tiến hôm nay là những người có đóng góp nhiều hơn những người khác cho sự nghiệp chung. Tôi thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT bày tỏ sự cảm ơn, sự ghi nhận, sự ghi nhớ đối với những công lao, những đóng góp của các thầy, các cô", Bộ trưởng nói.
Nhìn nhận thách thức và cơ hội của giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng cho rằng: Đối với giáo dục những vùng khó, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Bắc, Tây Nguyên thách thức là vượt qua cái khó, còn thách thức của giáo dục Hà Nội ở chỗ là hướng đến chất lượng và sự phát triển. Không thể nói rằng sự vươn lên, phát triển và đạt được chất lượng cao là dễ dàng hơn so với vượt khó. Vượt khó có cái nghiệt ngã, sự phát triển vươn lên tầm cao cũng đầy nghiệt ngã.
Giáo dục Hà Nội với quy mô rất lớn, gần 2,3 triệu học sinh, 123.000 giáo viên, số lượng cơ sở giáo dục lớn hàng đầu đất nước. Đây là nơi giáo dục được kỳ vọng phải chất lượng tốt nhất, mẫu mực cho cả nước, thể hiện tinh thần mới của giáo dục. Đây là nơi phụ huynh có trình độ cao, đòi hỏi khắc nghiệt. Đây là nơi cả nước và xã hội nhìn vào. Cho nên giáo dục Hà Nội đầy thách thức.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá giáo dục Hà Nội có nhiều cơ hội, đó là sự quan tâm, là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, là hệ thống trường đại học, hệ thống các chuyên gia, hợp tác quốc tế.... Vấn đề là chúng ta tận dụng được điều kiện của sự thuận lợi, phát huy được truyền thống và có một cách đi phù hợp thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Thực tế trong thời gian qua, thành phố đã có những bước đi, không ngừng vươn lên để đạt được thành quả tốt đẹp.
"Một lần nữa tôi ghi nhận, biểu dương những kết quả của ngành giáo dục Hà Nội, của cá nhân các thầy, các cô đã đóng góp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, những người được xem, được coi, được tôn vinh những người tiên tiên, tiêu biểu, xuất sắc, trong truyền thống của giáo dục đã là rất quý, trong thời kỳ đang đổi mới, công việc của ngành đầy khó khăn, những người làm được xuất sắc càng đáng quý và càng được xem là những người làm được việc khó.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới các thầy, cô lời chúc sức khỏe. Chúc các thầy, các cô ngày càng tìm thêm những niềm vui trong nghề nghiệp, ngày càng yêu nghề, yêu đời và ngày càng được đời yêu nhiều hơn.