(Tổ Quốc) -Tin tặc đang tạo nên một tuần sôi động khi thực hiện hàng loạt các vụ tấn công mạng rúng động thế giới.
Tin tặc tiếp tục tấn công vào Đảng Dân chủ Mỹ (Ảnh: BBC) |
Mở đầu bằng vụ rò rỉ hơn 19.000 email nội bộ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) vào ngày 22/7, các email này sau đó được xuất hiện công khai trên trang web của WikiLeaks hé lộ những bê bối của Đảng này trong việc có hay không sự thiên vị trong đề cử bà Hillary Clinton và chống lại ông Bernie Sanders. Bê bối rò rỉ thư điện tử cùng lúc đã gây chia rẽ trong nội bộ Đảng này trước thềm bầu cử chính thức diễn ra ngày 8/11, làm dấy lên các cuộc biểu tình tại hội nghị đảng Dân chủ ở Philadelphia.
Mới đây, ngày 29-7, chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton cho biết phát hiện dấu hiệu tin tặc truy cập thông qua một chương trình phân tích dữ liệu được chia sẻ với các hệ thống khác. Tuy nhiên, Nick Merrill - thư ký báo chí của bà Clinton khẳng định "không có bằng chứng cho thấy các hệ thống nội bộ bị tổn hại".
Bên cạnh đó, hoạt động để quyên tiền cho các ứng cử viên của đảng - Ủy ban Vận động Quốc hội đảng Dân chủ cũng trở thành mục tiêu xâm nhập của tin tặc. Ngay sau đó, công ty an ninh mạng CrowdStrike đã được thuê để hỗ trợ điều tra. FBI cũng cho biết đang điều tra các cáo buộc trên và xác định quy mô của các cuộc tấn công mạng.
Tin tặc tấn công trang web Chính phủ Philippines (Ảnh: tuoitre) |
Trung tuần tháng 7, chính quyền Philippines công bố danh sách gồm 68 trang web của các cơ quan chính phủ nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Giới chức Philippines cho biết các vụ tấn công xảy ra ngay trong chiều 12/7, cùng ngày Tòa Trọng tài PCA đưa ra phán quyết bác toàn bộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và được duy trì sang tận ngày 13/7,
Tin tặc đã không loại trừ bất kể cơ quan lớn – nhỏ của Philippines, chúng nhắm vào các trang web của bộ quốc phòng Philippines, Bộ ngoại giao, Lực lượng bảo vệ bờ biển, Bộ nội vụ, Cơ quan Phát triển Đô thị Manila, Hội đồng quản lý và giảm trừ thảm họa quốc gia, ngân hàng trung ương Philippines, cơ quan Lưu chiểu Quốc gia, tòa thị chính Manila… Ngay cả các trang web của chính quyền địa phương, bao gồm các thị trấn, thành phố nhỏ cũng bị tấn công. Liên tiếp ngay sau đó, trang web của Ủy ban Kiểm toán Philippines cũng bị tấn công hôm 18/7. Hiện, giới chức Philippines chưa đưa ra kết luận chính xác nhưng đều tin rằng các tin tặc Trung Quốc là thủ phạm.
Sự việc chiều ngày 29/7 khi hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay cùng hệ thống phát thanh tại hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về Biển Đông, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của báo giới nước ngoài và khu vực. Hãng thông tấn AP và đài BBC của Anh đã đưa tin chi tiết về vụ tấn công và miêu tả lại quang cảnh ùn tắc tại các sân bay khi quá trình làm thủ tục phải thực hiện bằng tay.
Ảnh chụp màn hình trang chủ Vietnam Airlines bị xâm nhập chiều 29/7 (Ảnh:thanhnien) |
Trên trang web chính thức của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines địa chỉ vietnamairlines.com đã bị đăng tải các ngôn ngữ kích động. Người truy cập vào địa chỉ trên cũng đồng loạt nhận về thông báo rằng trang web đã bị xâm nhập. Theo điều tra ban đầu, những dòng nội dung để lại được cho là của nhóm tin tặc nổi tiếng nhất Trung Quốc – 1937CN. Không chỉ xuất hiện nội dung kích động trên trang chủ, dữ liệu cá nhân của hơn 400.000 thành viên Golden Lotus cũng bị nhóm tin tặc này đăng tải.
Thông tin về vụ tấn công mạng tại sân bay của Việt Nam trờ thành bản tin nằm trong mục tin tức nổi bật trên kênh Deutsche Welle của Đức, tờ The Guardian và Reuters. Ngoài ra, các trang tin, tờ báo, hãng thông tấn lớn trong khu vực như Asia Times (Thái Lan), Channel News Asia (Singapore), PhilStar (Philippines)... cũng đồng loạt đăng tải những diễn biến liên quan tới vụ việc.
Những dòng chữ nhóm tin tặc để lại trên website của VFF (Ảnh:tuoitre) |
Ngay sau đó, tối 29/7, trang chủ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tại địa chỉ vff.org.vn cũng bị tấn công. Tin tặc đã thay đổi giao diện trang chủ với hình con sói kèm dòng chữ lớn "Hacked" (tạm dịch: đã bị xâm nhập). Tự nhận là wolf hacker ( tạm dịch: con sói tin tặc ), nhóm này đã để lại phía dưới lời nhắn bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh và tiếng Ả Rập.
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng cáo buộc Bắc Triều Tiên xâm nhập một trang web mua sắm trực tuyến và “ăn cắp” hồ sơ cá nhân của hơn 10 triệu khách hàng.
Trước đó, Mỹ tố chính phủ Trung Quốc đứng sau các vụ tin tặc Công ty bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) trong suốt 3 năm từ 2010 trong Báo cáo của quốc hội Mỹ ngày 13-7.
Được biết, các vụ tấn công nhắm vào FDIC đã được tiết lộ từ tháng 5-2016 nhưng báo cáo mới nhất đã chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm. Cơ quan điều tra cho hay tổng cộng có 12 sở của FDIC và 10 máy chủ bị tấn công.
Cho đến chiều 30/7, nhóm tin tặc 1937CN đã đăng tải nội dung thông tin bằng tiếng Hoa trên trang web của mình để phủ nhận cáo buộc tấn công mạng tại sân bay Việt Nam. Vụ việc trên đã được giao cho Cục An ninh mạng A68 điều tra.
Những vụ tấn công mạng liên tiếp trong tuần qua đang làm dấy lên những lo ngại về an ninh an toàn bảo mật thông tin, người ta lo ngại liệu có hay không yếu tố chính trị trong các cuộc tấn công mạng trên.
Theo BBC, The Guardian, Reuters, BBC