(Tổ Quốc) - Cựu Chủ tịch Kim Dong-ho và Tân chủ tịch Park Kwang-su của Liên hoan phim quốc tế Busan mới đây đã xác nhận tham gia Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II dưới vai trò khách mời danh dự và diễn giả.
- 10.05.2024 Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng phát động thi sáng tạo nội dung trên nền tảng Tik Tok
- 20.01.2024 Lần đầu tiên Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng sẽ trao giải Thành tựu điện ảnh
- 13.05.2023 Nghệ sĩ ấn tượng với Liên hoan phim châu Á- Đà Nẵng
- 10.05.2023 Lễ khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng: Hình ảnh mãn nhãn và tạo dấu ấn quốc tế
- 09.05.2023 Khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất: Cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần Hai do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với UBND cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức, diễn ra từ ngày 2 – 7/7/2024. Dàn khách mời quốc tế tiếp tục chào đón hai nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, đó là cựu Chủ tịch Kim Dong-ho và Tân Chủ tịch Park Kwang-su của Liên hoan phim quốc tế Busan (LHPQT Busan).
Ông Kim Dong-ho – Cựu Chủ tịch LHPQT Busan
Kim Dong-ho – Cựu Chủ tịch LHPQT Busan chắc chắn không còn xa lạ đối với giới mộ điệu điện ảnh Hàn Quốc và thế giới, khi vị cựu Chủ tịch sinh năm 1937 không chỉ là nhà sáng lập của LHPQT Busan, ông còn là biểu tượng của điện ảnh Hàn Quốc và là nhân vật được yêu mến, ngưỡng mộ trên toàn thế giới với sự nghiệp rực rỡ trong ngành điện ảnh.
Kim Dong-ho từng tốt nghiệp ngành luật trường Đại học Quốc gia Seoul danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp năm 1960, ông được chỉ định công tác nhiều vị trí tại Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) của Hàn Quốc. Tại đây ông từng giữ một số vị trí quản lý.
Từ năm 1988, ông là Chủ tịch Hội Xúc tiến Điện ảnh Hàn Quốc (nay là Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc - KOFIC), sau đó ông còn làm Chủ tịch Hội đồng xếp loại phim Quốc gia.
Năm 1993 ông trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Giám đốc Hội đồng Đánh giá Truyền thông Hàn Quốc. Từ năm 1996 - 2010, với cương vị là Chủ tịch của LHPQT Busan, ông đã có những đóng góp to lớn để đưa sự kiện này vươn tầm quốc tế, thu hút được nhiều bộ phim chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia trình chiếu và tranh tài, tạo điều kiện và phát hiện ra nhiều tài năng điện ảnh của thế giới. Sau khi nghỉ hưu, ông có một thời gian là giám đốc danh dự liên hoan phim này.
Sự nghiệp đồ sộ của ông Kim Dong-ho còn được biết đến khi ông là cựu Chủ tịch Ủy ban Phát triển Văn hóa của Tổng thống và là cựu Chủ tịch Trung tâm Nghệ thuật Seoul.
Ông Kim Dong-ho đã giành được vô số giải thưởng quốc tế cả về điện ảnh và văn hóa. Ông đã được chính phủ Pháp trao tặng giải thưởng Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh; Huân chương Fellini danh giá của UNESCO (2007), vinh danh những nhân vật lớn trong ngành điện ảnh; và Huân chương Văn hóa Quốc gia Hàn Quốc, Giải thưởng Vương miện Bạc.
Với niềm tin mãnh liệt vào tầm quan trọng của giáo dục, ông Kim Dong-ho còn thành lập Trường Cao học về Nội dung Điện ảnh Đại học Dankook.
Kim Dong-ho cũng từng làm nhà sản xuất cho một số phim ngắn được giới phê bình đánh giá cao như 10 phút (2014), End of Winter (2016) và The seeds of violence (2017). Ngoài ra, ông đã xuất bản hai cuốn sách "Lịch sử chính sách điện ảnh Hàn Quốc" (2005) và "Ngài Kim đi dự lễ hội" (2010).
Ông Park Kwang-su – Tân Chủ tịch LHPQT Busan
Park Kwang-su sinh năm 1955 tại Busan, Hàn Quốc. Ông gia nhập Tập đoàn điện ảnh Yallasung khi còn là sinh viên ngành Mỹ thuật tại Đại học Quốc gia Seoul. Sau khi tốt nghiệp, ông thành lập và đứng đầu Tập đoàn Điện ảnh Seoul và trở thành gương mặt tiêu biểu của Làn sóng điện ảnh mới Hàn Quốc vào những năm 1990.
Ông theo học điện ảnh tại trường điện ảnh ESEC ở Paris, sau đó trở về Hàn Quốc để làm trợ lý đạo diễn cho nhà làm phim kỳ cựu Lee Chang-ho. Ông thực hiện bộ phim đầu tiên vào năm 1988 và tới năm 1993, ông trở thành nhà làm phim Hàn Quốc đầu tiên thành lập công ty sản xuất của riêng mình.
Park Kwang-su được coi là một trong những người đi đầu trong phong trào "Điện ảnh Hàn Quốc mới" vào những năm 90. Các bộ phim làm nên tên tuổi và nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình của Park Kwang-su có thể kể tới như: Chil-Su và Man-Su (1988), Black Republic (1990) và The Uprising (1995) hay A Single Spark (1995) … Đây đều là những tác phẩm tiêu biểu trong Làn sóng mới Hàn Quốc, khi đã miêu tả sâu sắc về thực tế xã hội Hàn bấy giờ. Các tác phẩm của ông nhận về nhiều giải thưởng, đề cử danh giá trong và ngoài nước tại Lễ trao giải Rồng Xanh, LHPQT Berlin, LHPQT Locarno, Liên hoan phim ba châu lục, Liên hoan phim quốc tế Singapore…
Đầu năm vừa qua, LHPQT Busan đã tổ chức đại hội tại Trung tâm Điện ảnh Busan và bổ nhiệm cựu giáo sư Trường Điện ảnh, Truyền hình và Đa phương tiện thuộc Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc - ông Park Kwang-su làm tân Chủ tịch tiếp theo.
Park Kwang-su cũng từng là thành viên sáng lập của LHPQT Busan và là Phó Giám đốc liên hoan phim trong ba năm liên tiếp kể từ lần tổ chức đầu tiên, ông là một trong những nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc đưa thành phố Busan trở thành thánh địa điện ảnh của Hàn Quốc. Không những vậy, ông còn là Giám đốc sáng lập của Ủy ban Điện ảnh Busan - tổ chức đầu tiên ở Hàn Quốc hỗ trợ sản xuất phim, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố ngành công nghiệp nội dung ở Hàn Quốc.
"Để làm cho nền điện ảnh một quốc gia thay đổi cần có sự đồng lòng của mọi thành phần: chính phủ, người làm nghề, công chúng. Với từng cá nhân người làm phim thì quan trọng nhất vẫn là sự chân thành, hết lòng cho con đường mà mình đã chọn và không ngại khó" – Park Kwang-su.
Cựu Chủ tịch Kim Dong-ho và Tân chủ tịch Park Kwang-su của LHPQT Busan không chỉ là khách mời danh dự của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II, mà còn được Ban tổ chức mời làm diễn giả Hội thảo "Liên hoan phim quốc tế tại các thành phố ven biển, những mô hình thành công, bài học về kinh nghiệm tổ chức, cơ hội kết nối cho thành phố Đà Nẵng và DANAFF".
Hội thảo còn có sự tham gia chia sẻ của những chuyên gia hàng đầu, như ông Georges Goldenstern - nguyên Giám đốc chương trình Cinefondation của LHPQT Cannes, hay bà Lorna Tee – nhà sản xuất và sáng lập AFAN mạng lưới điện ảnh châu Á (TBC).
Hội thảo sẽ đưa ra nhiều vấn đề thảo luận, tập trung vào cách thức mà các liên hoan phim quốc tế tại các thành phố ven biển được tổ chức, vận hành, duy trì ảnh hưởng đối với nền công nghiệp điện ảnh, tạo nên thương hiệu cho địa phương, vùng và quốc gia; làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy du lịch, kinh tế, giao lưu văn hoá. Hội thảo dự kiến diễn ra vào ngày 3/7 trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II./.