• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai nước Australia - Thái Lan đón tín hiệu mới

Thế giới 03/11/2022 11:29

(Tổ Quốc) - Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ Australia - Thái Lan và hai nước đã dùng một biểu tượng đặc biệt là một con kangaroo và một con voi "cùng nhau bước về phía trước" để kỷ niệm sự kiện này, theo tờ East Asia Forum.

Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đang có chuyến thăm Thái Lan. Hai nước cũng đang có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy mối quan hệ song phương, bao gồm một bản Kế hoạch hành động chung triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2020 mới được công bố gần đây.

Triển vọng quan hệ của hai cường quốc tầm trung châu Á

Nhìn bề ngoài, mối quan hệ rất tích cực. Đại sứ Thái Lan tại Australia Busadee Santipitaks đã đề cập đến "mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu đời", trong khi cựu đại sứ Australia Bill Paterson mô tả mối quan hệ song phương là "lâu dài, gần gũi, ấm áp, phần lớn không có bất đồng và tương thích với nhau về chính sách chung". Hai bên cũng có quan hệ giao lưu nhân dân mạnh mẽ thông qua giáo dục và du lịch.

Mối quan hệ quốc phòng cũng lâu đời và sâu sắc. Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan có rất người người là cựu sinh viên từ các cơ sở giáo dục quốc phòng của Australia, bao gồm Trường Cao đẳng Tham mưu, Học viện Quốc phòng Australia UNSW Canberra và - trong trường hợp của cựu sinh viên nổi tiếng nhất là Vua Rama X - Trường Quân sự Hoàng gia Duntroon.

Hai nước Australia - Thái Lan đón tín hiệu mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong. Ảnh: The Nation Thailand.

Hai nước cũng có một lịch sử lâu dài về các cuộc tập trận chung của quân đội và gìn giữ hòa bình. Quá trình hợp tác lâu dài này đã giúp hai bên tôn trọng lẫn nhau và dễ dàng làm việc cùng nhau, ví dụ, trong các nhiệm vụ ở Timor-Leste. Và do đó, Tuyên bố về Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2020 của họ cũng bao gồm tăng cường hợp tác trong quốc phòng và an ninh, các vấn đề mạng, chống rửa tiền và tội phạm xuyên quốc gia.

Hạn chế về chiến lược đối ngoại

Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản trong cách Australia và Thái Lan nhìn nhận Mỹ và Trung Quốc là một hạn chế cho sự hợp tác này. Thái Lan có lập trường cứng rắn với Trung Quốc như Australia. Mặc dù Thái Lan là đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng mối quan hệ của nước này với Washington lại tế nhị hơn nhiều so với mối quan hệ được thể chế hóa nhiều hơn của Australia và Mỹ.

Thái Lan cũng tìm kiếm mối quan hệ cân bằng với nhiều quốc gia nước ngoài hơn là liên kết với một cường quốc. Nước này có xu hướng tránh đối đầu và thúc đẩy hòa hợp, do vậy nước này phần nào lo ngại rằng lập trường của Australia đối với Trung Quốc sẽ thúc đẩy leo thang.

Bên cạnh đó, Australia hiện đang tham gia các sáng kiến liên minh như AUKUS (gồm Australia, Anh, và Mỹ) và Quad (Đối thoại An ninh Bốn Bên Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) để tìm cách cân bằng sức mạnh của các quốc gia trong khu vực. Nước này đang tìm kiếm một trạng thái cân bằng chiến lược trong khu vực – khi "các quốc gia không bị buộc phải lựa chọn mà có thể đưa ra các lựa chọn về chủ quyền của riêng mình ... ". Điều đó phù hợp hơn với quan điểm của Thái Lan, tuy nhiên, sự bất đồng giữa hai bên là về mức độ hợp tác giữa các nước trong những cơ chế liên minh như vậy.

Tìm cách phối hợp trong những lĩnh vực giàu tiềm năng

Trong khi Thái Lan vẫn chưa thể hiện được nhiều trong vai trò kiến tạo hòa bình, nước này cũng dần thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác hơn nữa với Australia trong các chương trình phát triển ở sông Mekong. Cả Thái Lan và Australia đều quan tâm đến sự phát triển của ACMECS - Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông với các nước khu vực như Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Vì vậy, còn nhiều tiềm năng để Australia và Thái Lan hợp tác cùng nhau để phát triển các cơ chế trong khu vực. Với việc Australia đang có nền chính trị ổn định và đang gia tăng các chương trình phát triển với trọng tâm rõ ràng là Đông Nam Á, hợp tác phát triển có thể là một kênh phối hợp tích cực.

Về mặt thương mại, có thể chưa thấy được nhiều sự thay đổi nào giữa hai bên. Thương mại Australia - Thái Lan đã và đang được thúc đẩy từ ba hiệp định thương mại - Hiệp định Thương mại Tự do Thái Lan - Australia, Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Australia- New Zealand và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Điều đó cho thấy rằng cả hai chính phủ có thể đã làm tất cả những gì có thể. Hiện tại, tự thân các ngành công nghiệp của họ phải tìm cách tìm kiếm sự phát triển mới.

Lúc này, nhiều công ty Australia đang cố gắng đa dạng hóa khỏi thị trường Trung Quốc có thể nhận thấy các cơ hội mới tại nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN. Nhưng vẫn còn một số rào cản như hạn chế về văn hóa, ngôn ngữ và quy định cũng như thiếu hiểu biết về thị trường.

Có một lĩnh vực hợp tác tạo đang được sự nhiệt tình là năng lượng và nước, trong đó sự thay đổi trong chính sách khí hậu của Australia đã mở ra những cơ hội vô hạn. Giờ đây, Canberra đang đặt mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng tái tạo và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ chính thức cho việc tham gia vào các lĩnh vực như pin mặt trời, lưu trữ năng lượng, hydro xanh và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện.

Vì hầu hết ô tô bán ở Australia được sản xuất tại Thái Lan nên có tiềm năng thực sự để thúc đẩy sự tiêu thụ của xe điện Thái. Đối thoại Chính sách Năng lượng Australia-Thái Lan cũng đang hướng đến lĩnh vực hợp tác này.

Như vậy, để thúc đẩy quan hệ Australia-Thái Lan, Canberra cần phải đi từ những vấn đề nhỏ và có thể làm được thay vì tập trung vào những khác biệt chiến lược lớn. Cách tiếp cận này sẽ giúp kangaroo và voi cùng nhau tiến về phía trước.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ