(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hải quân Trung Quốc (PLAN) tiếp tục tăng cường về quy mô và năng lực, Lầu năm góc đang nhìn nhận mối đe dọa này nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Yêu cầu ngân sách của Hải quân Hoa Kỳ năm 2021 đã bao gồm mức tăng gần 20 lần về số tên lửa chống hạm trong 5 năm tới, bao gồm các mẫu thiết kế tên lửa tầm xa mới hơn. Tuy nhiên, những khí tài này vẫn chưa tương xứng với những vũ khí siêu tầm xa của Bắc Kinh.
Theo trang Sputnik, đề xuất ngân sách của Hải quân Mỹ cho năm tài chính 2021 bao gồm một mức gia tăng lớn trong việc mua tên lửa chống hạm nhằm phản ứng trước sự gia tăng liên tục về quy mô của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Lực lượng Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Mỹ và đã bắt đầu hướng tới hoạt động ở các vùng biển xa.
Yêu cầu của Hải quân Mỹ bao gồm 1.625 tên lửa thuộc nhiều loại khác nhau, bao gồm một loạt tên lửa tầm xa, đánh dấu mức tăng gần 20 lần so với yêu cầu 5 năm từ năm 2016.
Theo trang Defense News, Hải quân Mỹ muốn mua: 189 tên lửa tấn công trên biển; 210 tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM); 451 bộ thiết bị để nâng cấp tên lửa hành trình Tomahawk thành tên lửa Tomahawk tấn công trên biển; và 775 tên lửa phiên bản SM-6 của Raytheon - bản sửa đổi của Tên lửa chủ động tầm mở rộng tiêu chuẩn RIM-174 (một vũ khí phòng không).
Ngân sách này là một tín hiệu rõ rệt cho thấy ý định của Hải quân Mỹ, cuối cùng cũng đã nghiêm túc về chất lượng và số lượng của kho tên lửa chống hạm, ông Eric Sayers, một chuyên gia của Trung tâm an ninh Mỹ mới và là cựu nhân viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương , nói với tờ Defense News. "Yêu cầu mua tên lửa chống hạm LRASM, tên lửa tấn công trên biển và tên lửa tấn công hàng hải Tomahawk là một bước ngoặt thực sự thể hiện sự nghiêm túc về ngân sách chống hạm.
Chuyên gia này cho hay: "Một điều cũng đáng khích lệ là các đồng minh như Australia và Nhật Bản cũng đang có những động thái mua những vũ khí cao cấp này".
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) tuần trước tuyên bố rằng 200 chiếc LRASM đã được bán cho Australia với giá 990 triệu USD để củng cố lực lượng hải quân đang phát triển của họ, dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong vài năm tới để phản ứng trước sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Tăng mạnh tầm bắn tên lửa
Nhiều tên lửa mà Hải quân Mỹ hướng đến có tầm bắn đang được mở rộng – một sự cố gắng liên tục để có thể đối trọng được với tầm bắn đáng kinh ngạc của tên lửa chống hạm Trung Quốc.
Như Sputnik đã đưa tin, quân đội Trung Quốc rất coi trọng việc chế tạo tên lửa và đã thành lập một nhánh chuyên dụng để tập trung vào loại vũ khí này. Lực lượng Tên lửa PLA (PLARF) đã được thành lập và không tiếc nỗ lực phát triển các loạt vũ khí tầm xa để khiến các tàu Hải quân Hoa Kỳ cách xa bờ biển Trung Quốc.
Những tên lửa này bao gồm YJ-12, với tầm bắn 400 km; YJ-18, với tầm bắn 540 km; và tên lửa chống hạm CM-401 siêu thanh, có tầm bắn 290 km. Một quá trình phát triển đáng chú ý hơn nữa là hai tên lửa đạn đạo chống hạm của quân đội Trung Quốc: một loại, được cho là biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung Dong Feng-21 có tầm bắn mở rộng, được tình báo Mỹ tin rằng có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000 km, trong khi loại còn lại, được cho là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc đã được điều chỉnh, được đánh giá là có tầm bắn 900 km và phóng từ trên không, có thể từ máy bay ném bom Xian H-6 đã được nâng cấp.
Sputnik đưa tin rằng phạm vi hoạt động của chúng rất lớn, nó vượt xa các radar của tàu Mỹ và kéo theo một mối nguy hiểm đặc biệt.
Để so sánh, tên lửa tấn công trên biển của Mỹ do Kongsberg chế tạo có phạm vi hoạt động trong khoảng từ 185 đến 555 km, và LRASM có tầm bắn chỉ 370 km. Tuy nhiên, phiên bản tấn công hàng hải đã được điều chỉnh của Tomahawk, một khi nó có thể hoạt động vào năm 2023, sẽ có tầm bắn khoảng 1.600 km.
"Đó là một khoảng cách rất lớn", Robert Haddick, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ và cố vấn của Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt Hoa Kỳ, nói với Reuters vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, một số tầm bắn đó có thể được mở rộng với máy bay trực thăng không người lái MQ-8C Fire Scout.
Trung Quốc tăng cường lực lượng
Hải quân Trung Quốc về quy mô tàu đã lớn hơn Hải quân Hoa Kỳ, với 300 tàu so với Washington 290 tàu. Tờ Defense News lưu ý rằng PLAN dự kiến sẽ đạt con số 420 tàu vào năm 2035, trong khi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của Hải quân Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích lên được 355 tàu vào năm 2030.
PLAN tăng cường không chỉ về quy mô mà còn về độ hiện đại, rút các tàu cũ và thay thế chúng bằng các tàu chiến mới, tiên tiến. Vào tháng 1 năm nay, PLAN đã đưa vào hoạt động tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Type 055 đầu tiên của mình, Nanchang - tàu chiến lớn nhất ở châu Á và lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau các tàu lớp Zumwalt của Hải quân Hoa Kỳ. Năm ngoái, họ đã đưa vào hoạt động tàu sân bay được thiết kế và chế tạo nội địa đầu tiên, Shandong, và hoàn thành việc chế tạo tàu tấn công đổ bộ đầu tiên, Type 075 chưa được đặt tên.