• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 4): 35 năm sống ở nước ngoài, tôi không nghĩ một ngày được đặt chân đến Trường Sa

Thời sự 06/06/2022 07:16

(Tổ Quốc) - 35 năm trước, theo quyết định cử đi đào tạo của Bộ Quốc phòng, chị Nguyễn Việt Triều rời Việt Nam ra nước ngoài để theo đuổi những ước mơ, hoài bão thời thanh xuân của mình. Thế rồi, thăng trầm của cuộc sống khiến mong mỏi trở về cống hiến cho đất nước của chị không thể thực hiện được. Dẫu vậy, suốt những năm tháng dài đằng đẵng lập nghiệp ở nước ngoài, chị Triều vẫn không bao giờ thôi nghĩ về quê hương. Ước mơ được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước vẫn luôn đau đáu, thổn thức trong trái tim của người con xa xứ ấy.

Lan tỏa tình yêu Trường Sa ra cộng đồng người Việt tại châu Âu

Chị Nguyễn Việt Triều - Ủy viên của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Phó Chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu là một trong số ít những người may mắn được đến thăm quân và dân đảo Trường Sa dù đã định cư ở nước ngoài từ nhiều năm.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 4): 35 năm sinh sống ở nước ngoài, tôi không nghĩ một ngày được đặt chân đến Trường Sa - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Việt Triều - Ủy viên của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Phó Chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Được tham gia Đoàn công tác số 7 thăm quân và dân các quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1-12 lần này, chị Triều chia sẻ: "Đó là ước mơ ấp ủ của tôi suốt bao nhiêu năm nay. 35 năm  sống ở nước ngoài, tôi không nghĩ một ngày mình được đặt chân đến Trường Sa. Khi nhận được tin sẽ tham gia đoàn công tác lần này, cảm xúc lúc đó của mình thực sự xúc động, vui sướng và đầy tự hào, mình chỉ mong thời gian trôi thật nhanh".

Chị Việt Triều cho biết, dù đã sinh sống ở Ba Lan từ nhiều năm qua nhưng trái tim chị vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước. Chính vì vậy, từ năm 2014, chị đã tham gia chương trình Góp đá xây Trường Sa do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động. Cũng từ năm đó, chị tham gia CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Kể từ khi tham gia CLB, chị Triều cho biết, bằng nhiều hành động thiết thực, mình đã lan tỏa đến cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài một tình yêu về quê hương, biển đảo. Hàng năm, khi Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các đoàn đi thăm đảo Trường Sa, các kiều bào ở châu Âu đều rất tích cực tham gia, có những đóng góp bằng cả tinh thần, vật chất sau mỗi chuyến đi đó.

Theo chị Việt Triều, sau nhiều năm tích cực hoạt động, đến nay, hầu như ở các nước châu Âu đều có CLB vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Từ năm 2014, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đã tham gia đóng góp những viên gạch đầu tiên để xây dựng trường học tại các đảo Trường Sa, Sinh Tồn. "Mang trong mình dòng máu Việt, khi nào Trường Sa cần, chúng tôi luôn sẵn sàng" - chị Triều nói.

Chia sẻ về cảm xúc mà mình thấy ấn tượng nhất trong chuyến đi này, chị Việt Triều cho biết: "Đó là lúc tiếng còi tàu hú để chào Cảng quốc tế Cam Ranh, các thành viên chúng tôi đều rơi nước mắt, khi đó, khoảng cách đất liền càng xa thì Trường Sa lại gần hơn. Tôi cũng rất xúc động được đặt chân lên các đảo, nhìn những làn da rám nắng của các chiến sĩ tuổi đời mới chỉ bằng con mình đã dũng cảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả ở nơi đầu sóng, ngọn gió".

Truyền cảm hứng Trường Sa để khơi dậy tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ

Cũng như chị Nguyễn Việt Triều, anh Vũ Ngọc Đức - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đến với Trường Sa trong chuyến đi lần này bằng một tình yêu cháy bỏng, sự cảm phục với những người lính biển đảo.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 4): 35 năm sinh sống ở nước ngoài, tôi không nghĩ một ngày được đặt chân đến Trường Sa - Ảnh 2.

Anh Vũ Ngọc Đức - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

Chia sẻ về cơ duyên mình được tham gia chuyến đi lần này, anh Vũ Ngọc Đức cho biết, đó là phần thưởng khi em đạt giải nhất cuộc thi tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam do tỉnh Kon Tum phối hợp với Công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức vào năm 2020.

Để đạt giải nhất cuộc thi này, anh Đức đã vượt qua 3 vòng thi, đó là kiến thức, dự án và hùng biện. Ở vòng thi thứ hai, anh Đức tham gia với dự án tích hợp giáo dục biển đảo trong dạy học các môn khoa học xã hội, cùng với đó là tuyên truyền giáo dục biển đảo cho học sinh bằng hình thức trực quan là thời trang về biển đảo.

"Hai dự án của tôi đã lọt vào chung kết. Ở vòng cuối cùng, tôi đã thể hiện phần thi hùng biện với nội dung phản đối công hàm của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa" - anh Đức chia sẻ.

Từ miền núi đến vùng biển đảo xa xôi, đó thực sự là một hành trình đầy cảm xúc đối với Vũ Ngọc Đức. "Ấn tượng của tôi với Trường sa và các hòn đảo là tinh thần kiên cường của các chiến sĩ hải đảo, một ý chí mạnh mẽ, luôn vững tay súng chốt trực bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tôi rất cảm phục tinh thần đó. Tuổi trẻ của các chiến sĩ đã gửi vào tình yêu biển đảo, lý tưởng đó khiến tuổi trẻ các bạn đẹp hơn" - Thầy giáo cấp 3 đến từ Kon Tum bày tỏ.

Trong chuyến đi lần này, đoàn công tác của chúng tôi mang những tình cảm chân thành từ đất liền ra Trường Sa, nhưng đổi lại, trong mỗi chúng tôi ai cũng nhận được những năng lượng tuyệt vời từ các chiến sĩ. "Tôi sẽ mang tinh thần, ấn tượng đẹp về người lính, mang dấu ấn tuyệt vời nhất về biển đảo để khi trở về đất liền, trong công tác giảng dạy của mình sẽ truyền cảm hứng cho học sinh, khơi dậy cho các em tình yêu biển đảo, và lớn hơn nữa là lòng yêu nước của thế hệ trẻ" - Anh Đức chia sẻ.

Bài 5: Kỷ niệm về chuyến tác nghiệp trong bão của nhà báo 7 lần đến Trường Sa

(Còn nữa)

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ