• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hạn hán ở châu Âu tồi tệ nhất 500 năm qua, chuyên gia cảnh báo về "bình thường mới"

Thế giới 25/08/2022 07:57

Ảnh: Reuters

(Tổ Quốc) - Tình hình hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống sông hồ, mà còn gây ra cháy rừng và đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn Tổ chức Quan sát Hạn hán Châu Âu (EDO) thuộc Liên minh châu Âu (EU) đưa tin, "lục địa già" đang trải qua những tháng ngày hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 500 qua.

Hiện tại, khoảng 2/3 diện tích châu Âu đang ở trong tình trạng báo động hoặc cảnh báo về hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các tuyến đường thủy nội địa, sản xuất điện và ảnh hưởng đến sản lượng của một số loại cây trồng.

Báo cáo của EDO cho biết 47% diện tích châu lục này đang ở trong tình trạng cảnh báo khi độ ẩm của đất sụt giảm rõ rệt, và 17% diện tích châu Âu ở trong tình trạng báo động, nơi thảm thực vật bị ảnh hưởng.

"Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm nay đã tiếp tục lan rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8", báo cáo của EDO cảnh báo rằng khu vực Tây Âu-Địa Trung Hải có thể sẽ trải qua tình trạng khô hạn, nhiệt độ cao hơn so với bình thường cho đến tháng 11.

photo-1

Ảnh: Andrea Fasani/EPA

Tình hình hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống sông hồ, mà còn gây ra cháy rừng và đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Mực nước thấp cũng ảnh hưởng tới vận chuyển nội địa bằng đường thủy, chẳng hạn như con sông Rhine, tình trạng này đã tác động tới việc vận chuyển than và dầu.

Theo báo The Guardian (Anh), nhiều con sông lớn của châu Âu giờ đây "chảy nhỏ giọt". Chẳng hạn, sông Loire (Pháp) giờ đây có thể băng qua bằng... chân. Sông Po (Italy) thấp hơn mức bình thường 2 mét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng.

Ủy ban châu Âu đánh giá tình trạng hạn hán hiện tại là "tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua". Vụ thu hoạch mùa hè đã chịu ảnh hưởng của hạn hán, cụ thể là sản lượng ngô thấp hơn 16% so với trung bình 5 năm qua, sản lượng đậu tương và hạt hướng dương lần lượt giảm 15% và 12%.

Sông hồ cạn nước không chỉ ảnh hưởng tới thủy điện, mà còn ảnh hưởng tới các nhà máy sản xuất điện khác do thiếu nước để cung cấp cho các hệ thống làm mát.

EDO cho biết lượng mưa vào giữa tháng 8 có thể giảm thiểu hạn hán, nhưng đồng thời cũng lo ngại mưa lớn kèm giông bão có thể gây ra thêm thiệt hại cho châu Âu.

photo-1

Ảnh: Sxenick/EPA

"Bình thường mới"

The Guardian cho biết các chuyên gia đã cảnh báo về một mùa đông khô hơn và mùa hè khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu - điều này đồng nghĩa với việc thiếu nước sẽ trở thành "bình thường mới".

Bà Nuria Hernández-Mora, người đồng sáng lập tổ chức New Water Culture, cho hay: "Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu cảnh báo rằng hạn hán sẽ khốc liệt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Đây sẽ là điều bình thường mới, nhưng chúng ta vẫn đan chấp nhận sử dụng nguồn tài nguyên đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn".

Ông Luca Mercalli, Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy, hy vọng các chính trị gia sẽ quan tâm và ưu tiên nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng khí hậu, trước khi tình hình vượt tầm kiểm soát./.

Tổng hợp: Reuters, The Guardian

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ