• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng trăm loài động thực vật mới phát hiện ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Thế giới 23/05/2023 17:30

(Tổ Quốc) - Nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế làm việc tại 5 quốc gia trong khu vực đa dạng sinh học rộng lớn vào khoảng thời gian hai năm từ năm 2021 đến năm 2022 mới đây đã phát hiện ra rất nhiều loài động thực vật mới sống ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Theo hãng CNN, báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) ngày 22/5 cho biết khoảng 400 loài động thực vật mới được phát hiện ở khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng có thể sớm tuyệt chủng do mất môi trường sống bởi hoạt động khai thác của con người.

Hàng trăm loài động thực vật mới phát hiện ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng - Ảnh 1.

Đây là một trong số 380 loài mới được liệt kê trong bản cập nhật mới nhất của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Nguồn: CNN

Nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế đã làm việc tại 5 quốc gia trong khu vực đa dạng sinh học rộng lớn vào khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022 mới đây đã phát hiện ra những loài động thực vật mới, trong đó có loài phong lan trông giống như một nhân vật trong "Múa rối".

""Những loài động thực vật này có thể là loài mới đối với khoa học nhưng chúng đã tồn tại và phát triển ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong hàng triệu năm qua. Chúng có thể đã ở đây rất lâu trước khi con người chuyển đến khu vực này. Con người phải có nghĩa vụ làm tất cả khả năng có thể để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động thực vật ở đây, bảo vệ môi trường sống cho chúng và giúp chúng phục hồi", ông K. Yoganand, trưởng nhóm động vật hoang dã ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng thuộc Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết.

Theo báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), các nhà khoa học đã phát hiện ra tổng cộng 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú, nâng tổng số loài thực vật có mạch, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú được tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng kể từ năm 1997 là gần 4000 loài. Những khám phá nhấn mạnh sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực – nơi sinh sống của hơn hơn 300 triệu người ở các quốc gia Thái Lan, Myanmar, Lào, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo mối đe dọa đang gia tăng đối với động vật hoang dã do con người gây ra trong cuộc sống hàng ngày.

Báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) nêu rõ sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang phải đối mặt với những áp lực to lớn từ phát triển kinh tế và gia tăng dân số, dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

"Báo cáo mới không chỉ nhắc nhở chúng ta về sự đa dạng và sáng tạo phi thường của tự nhiên mà còn đóng vai trò như một lời nhắc nhở kịp thời về mối nguy hiểm nghiêm trọng mà rất nhiều loài động thực vật cũng như môi trường sống này đang phải đối mặt. Báo cáo cũng chỉ ra những thứ con người có nguy cơ mất đi nếu không hành động khẩn cấp cùng với những cam kết không được phép khai thác quá mức", ông Mark Wright, Giám đốc khoa học của WWF-UK nhấn mạnh.

Những phát hiện mới

Theo báo cáo của WWF, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện loài động thực vật mới như tắc kè ngón cong Cyrtodactylus rukhadeva ở dãy núi Tenasserim của Thái Lan giáp với Myanmar. Là một loài sống trên cây – có nghĩa là phần lớn cuộc đời của chúng gắn liền với cây – tên của loại tắc kè này được lấy từ Rukha Deva, những nữ thần cây thần thoại bảo vệ khu rừng trong thần thoại Thái Lan. Hay phát hiện mới ra loài lan Dendrobium fuscifaucium cũng xảy ra tình cờ trong quá trình khám phá của các nhà khoa học. Cụ thể, một chủ vườn ươm đã mua giống lan này từ một người bán hàng địa phương trên những ngọn đồi đá vôi ở tỉnh Viêng Chăn, Lào. Khi lan ra hoa, người bán đã gửi ảnh cho chuyên gia hoa lan châu Á Pankaj Kumar - một học giả thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Texas. Cho rằng đây là một loài lan mới, ông Pankaj Kuma đã làm việc với một chuyên gia về hoa lan ở Lào để truy tìm nguồn gốc, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy loài hoa này nở hoa trong tự nhiên. Đây không phải là loài phong lan đầu tiên được phát hiện từ hoạt động mua bán ở Lào. Trên thực tế, một số loài động thực vật cũng đã được phát hiện thông qua hoạt động buôn bán ở nước này trong thập kỷ qua.

"Đây là một loài phong lan rất đẹp với những bông hoa lớn và có giá trị trang trí tiềm năng rất cao", ông Kumar nói.

Báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới cho rằng mặc dù gần như tất cả các loài lan mới phát hiện trong hoạt động buôn bán là giống nhân tạo. Tuy nhiên, quá trình buôn bán và thu hoạch quá mức từ tự nhiên của con người có thể là mối đe dọa đối với nhiều loài động thực vật.

Đặc biệt trong hành trình khám phá lần này, các nhà khoa học cũng cho biết một loài cóc nhỏ được tìm thấy trên bán đảo Thái Lan-Malaysia và biết đến với tên là Ansonia infernalis – cóc suối địa ngục – vì màu cam đỏ tươi ở các chi và hai bên sườn của loài động vật này, được xem giống như ngọn lửa địa ngục./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ