(Tổ Quốc) - Theo một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố tuần trước, nhịp sống xô bồ của các thành phố, đặc biệt là mật độ giao thông dày đặc, công trường xây dựng đang thi công và nhiều nguồn ô nhiễm tiếng ồn gây hại cho sức khỏe con người, gia tăng nguy cơ mắc cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim.
Ô nhiễm tiếng ồn: Những thành phố không bao giờ ngủ
Chỉ riêng ở châu Âu, những tiếng ồn lớn và liên tục là nguyên nhân khiến 48.000 người mắc bệnh tim và khoảng 12.000 trẻ vị thành niên tử vong mỗi năm
Trong thế giới động vật, chim là một trong những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề này. Nhiều loại chim sẻ, trong đó có chim sẻ vằn, chim sẻ cây phải hót to hơn hoặc điều chỉnh tần số để có thể giao tiếp với nhau trong môi trường quá ồn ào.
Để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, các tác giả của báo cáo đề xuất trồng thêm cây xanh và cây bụi ở các thành phố. Cây cối sẽ phân tán và làm dịu tiếng ồn, đồng thời cải thiện khí hậu và làm tươi mới cảnh quan đô thị. Ví dụ, một hàng cây mọc phía sau bức tường chắn tiếng ồn có thể làm giảm mức độ tiếng ồn khoảng 12 decibel.
Bên cạnh đó, tiếng ồn trong giao thông cũng có thể được giảm thiểu bằng cách mở rộng làn đường xe đạp và hạn chế làn đường ô tô. Việc mở ra các khu vực xanh trong thành phố sẽ khuyến khích người dân sử dụng những dòng xe điện chạy êm hơn và cải thiện chất lượng không khí.
Làm gián đoạn nhịp sống tự nhiên
Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu mà nó còn phá vỡ các chu kỳ sống đã được thiết lập qua hàng nghìn năm. Những thay đổi này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các dạng môi trường sống, từ vùng núi, ven biển đến rừng và đồng cỏ. Các loài chim di cư hiện không còn bay về phía nam vào mùa đông, thực vật nở hoa sớm hơn và các loài chim cũng xây tổ cho con non sớm hơn, ngay cả khi không dự trữ đủ thức ăn cho quá trình sinh nở.
Trong bối cảnh các loài động thực vật không thể thích ứng được với tốc độ nóng lên của khí hậu trên trái đất, nguy cơ toàn bộ hệ sinh thái trên đất liền và dưới đại dương có thể sụp đổ đang tăng lên, điều sẽ dẫn tới những hậu quả không lường trước được cho nhân loại.
Và để đối phó với những thay đổi trong chu kỳ sống của thế giới tự nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng điều cần thiết là phải tích cực bảo vệ các loài động thực vật, khôi phục hệ sinh thái và kết nối môi trường sống bằng cách tạo ra các môi trường sống riêng biệt cho động vật hoang dã. Đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng vốn gen của các loài vẫn còn nguyên vẹn và chúng có cơ hội thích nghi với các điều kiện mới thông qua sự chọn lọc tự nhiên.
Đối phó với cháy rừng
Cháy rừng trước đây từng là một hiện tượng tự nhiên nhưng những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài và khắc nghiệt hơn đang gia tăng nguy cơ xảy ra các đám cháy và khiến cháy rừng trở nên dữ dội hơn.
Cháy rừng đã phá hủy nhiều khu rừng khổng lồ trên khắp thế giới, từ California, Siberia đến Thổ Nhĩ Kỳ và Australia vào năm ngoái. Những đám cháy đó đã giải phóng một lượng lớn các chất ô nhiễm như bồ hóng, những vật chất dạng hạt và khí nhà kính, làm xấu đi đáng kể chất lượng không khí ở các thành phố lân cận. Cháy rừng cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước, gây nên hiện tượng phú dưỡng ở biển (khi thực vật phù du gia tăng đáng kể làm giảm thiểu oxi trong nguồn nước) và gây mất đa dạng sinh học.
Cũng theo báo cáo trên, một số biện pháp phòng ngừa kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ diễn ra cháy rừng và hậu quả của chúng là: Sự hợp tác tốt hơn giữa các khu vực lân cận, thực hiện giám sát vệ tinh, nhanh chóng phát hiện sét, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và năng lực chữa cháy đều có thể giúp ích.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên sử dụng các phương pháp chữa cháy truyền thống bằng lửa. Việc đốt một số khu vực trong rừng hoặc cây bụi có kiểm soát sẽ hạn chế khả năng bùng lên các đám cháy lớn vì loại vật liệu dễ cháy nhất đã bị loại bỏ. Các đám cháy nhỏ này cũng có thể có lợi trong một số hệ sinh thái nhất định vì một số loài hoa và thực vật chỉ phát triển khi hạt của chúng được đốt nóng qua quá trình đốt cháy.